Ông Đoàn Duy Hoạch - Ảnh: TUẤN PHÙNG |
Hiện nay trên cả nước có 1.495 đường ngang có người gác, có cảnh báo, biển báo. Nhưng còn 4.302 lối đi dân sinh (đường ngang do người dân tự mở đi qua đường sắt) vẫn luôn thường trực mối lo tai nạn.
* Ông đánh giá thế nào về nguyên nhân các vụ tai nạn đường sắt?
- Nguyên nhân các vụ tai nạn đường sắt vẫn chủ yếu do khách quan, tức người và phương tiện tham gia giao thông gây ra cho đường sắt chiếm gần 90% số vụ tai nạn hằng tháng. Trong đó có 3 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, do người và xe ở các điểm cắt ngang đường sắt không chấp hành đúng quy định về giao thông khi qua đường sắt. Số vụ tai nạn tại đây chiếm tỉ lệ rất cao nhưng vẫn có trường hợp khi giàn chắn đã đóng vẫn cố tình vượt qua, tông nhân viên gác chắn gây thương tích.
Có vụ cố tình vượt qua rồi tấn công người gác chắn. Ban đêm có nhiều tài xế còn xuống xe gây gổ với nhân viên gác chắn.
Thứ hai là người đi bộ trên đường sắt. Đầu năm 2016 tới nay số vụ người đi bộ trên đường sắt bị tai nạn khá cao, có tháng xảy ra 6 trường hợp.
Thứ ba là có một số trường hợp cố tình lao vào đường sắt không hiểu vì do tự tử hay vì lý do gì đó.
* Thưa ông, sau mỗi vụ tai nạn đường sắt thảm khốc, câu chuyện an toàn khi đi qua đường ngang lại được gióng lên. Vậy số lượng đường ngang hiện nay có giảm hơn so với những năm qua?
- Bộ GTVT đã ký quy chế phối hợp với UBND 34 tỉnh, thành có đường sắt đi qua trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) tại các điểm giao cắt cùng mức giữa đường sắt với đường bộ.
Cuối năm 2015, ĐSVN đã làm việc với tất cả các địa phương có đường sắt đi qua, thống nhất quản lý các lối đi dân sinh, không cho phát sinh thêm. Cụ thể, các địa phương đã thu hẹp 689 lối đi dân sinh (cả nước có 4.302 lối đi dân sinh) xuống dưới 3m để không cho ô tô đi qua.
Còn từ Hà Nội tới Nam Định, sau 2 năm thực hiện quyết định 1856 của Thủ tướng về kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt đã làm được một số đường gom, xóa được nhiều lối đi dân sinh nên số lượng đường ngang trên cả nước trong thời gian qua có giảm.
Nhưng việc này hiện đã dừng lại do không có ngân sách làm tiếp. Địa phương cũng không có kinh phí để thực hiện. Khó khăn lớn nhất hiện nay là không tạo được đường gom để giảm các đường ngang dân sinh.
* Đường sắt không đủ sức quản lý, đảm bảo an toàn giao thông trên toàn bộ số lượng đường ngang, thưa ông?
- Trên mạng đường sắt có 1.495 đường ngang có người gác, có cảnh báo tự động, có biển báo. Nhưng có tới 4.302 lối đi dân sinh (đường ngang tự phát). Đường sắt xây dựng từ lâu, chạy qua nhiều khu dân cư.
Chưa kể nhiều khu dân cư phát triển có mật độ đi lại cao. Việc giải tỏa lấn chiếm rất tích cực nhưng do thói quen sinh hoạt của người dân dọc theo đường sắt nên không giải quyết triệt để được.
Để duy trì một điểm gác chắn đường ngang với 5 người ít nhất phải chi 600 triệu đồng tiền lương mỗi năm. Nhưng bây giờ đường sắt là doanh nghiệp, các công ty quản lý đường sắt là công ty cổ phần.
Nếu tổng công ty yêu cầu cảnh giới thì họ sẽ đưa quân ra làm nhưng ai trả tiền cho lao động ở đó là câu hỏi khó. Nếu lập một đường ngang có người gác thì phải có giấy phép Bộ GTVT mới được dùng ngân sách chi trả cho nhân lực ở đó chứ ĐSVN không thể ra lệnh được.
Bộ GTVT chỉ đạo hạn chế mở đường bộ giao cắt cùng mức với đường sắt khi thực hiện các dự án đường bộ. Trường hợp mở đường ngang cùng mức với đường sắt phải ưu tiên hệ rào chắn tự động. Bởi để thêm một đường ngang có người gác thì chi phí hoạt động rất lớn.
Các địa phương cũng phải vận động các cơ quan đoàn thể chủ động cảnh giới ở những điểm đông dân cư, phương tiện qua lại, dễ mất an toàn cho người dân.
* Đường sắt đã có kế hoạch lắp thanh chắn tự động ở đường ngang. Việc này thực hiện thế nào?
- Hơn một năm qua, ĐSVN đã lắp thử nghiệm trên 100 cần chắn tự động tại các đường ngang có cảnh báo tự động (bằng đèn, chuông). Khi chuông reo thì cần chắn tự động hạ xuống.
Kế hoạch của ĐSVN là lắp 600 bộ cần, giàn chắn tự động ở các đường ngang. Nhưng hiện nay đang vướng về tiêu chuẩn thiết kế và chờ phê duyệt kế hoạch kinh phí từ ngân sách dành cho bảo trì.
Nếu Bộ GTVT phê duyệt thì sang năm 2017 hoàn thành lắp cần chắn, rào chắn tự động ở 600 đường ngang cảnh báo tự động.
* Trong khi chưa làm được đường sắt mới thì làm sao để đảm bảo an toàn tại tất cả đường ngang trong thời gian tới, thưa ông?
- Do chưa có điều kiện xây đường sắt mới nên chúng tôi đang tích cực đưa hệ thống đường ngang cảnh báo có cần chắn tự động vào các đường ngang đang có cảnh báo tự động để tăng cảnh báo cho người đi các phương tiện khác.
Còn với đường ngang có người gác chắn sẽ tăng thêm thiết bị tự động để giảm người tại đó nhằm tăng cường cho các điểm đường ngang khác.
Hiện ĐSVN đã có biên bản bàn giao hiện trạng đường ngang của từng địa phương rồi nên mong họ quản lý thật tốt, từng bước giảm các lối đi dân sinh hiện có, giảm phương tiện đi vào các đường ngang dân sinh không đảm bảo an toàn…
Hiện nay trên hệ thống đường sắt có 1.495 đường ngang. Trong đó, có 632 đường ngang có người gác, 339 đường ngang có cảnh báo tự động (bằng chuông, đèn trước khi tàu đi qua), 524 đường ngang có biển báo. Bên cạnh đó có 4.302 lối đi dân sinh (đường ngang tự phát). Trong 6 tháng đầu năm 2016, đã xảy ra 194 vụ tai nạn đường sắt làm chết 81 người, bị thương 138 người. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận