09/12/2024 09:26 GMT+7

Thường trực Chính phủ: TP.HCM, Hà Nội chuẩn bị đề án metro công phu, chất lượng

Văn phòng Chính phủ vừa có kết luận của Thường trực Chính phủ về đề án phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội và TP.HCM đến năm 2035 (gọi tắt là đề án metro).

Thường trực Chính phủ: Đề án làm metro Hà Nội, TP.HCM đã được chuẩn bị công phu, chất lượng - Ảnh 1.

Tuyến metro số 1 có kế hoạch vận hành thương mại vào tháng 12-2024. Trong ảnh là nhà ga trung tâm Bến Thành - Ảnh: CHÂU TUẤN

Theo Văn phòng Chính phủ, ngày 5-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về đề án metro tại TP Hà Nội và TP.HCM đến năm 2035.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Thường trực Chính phủ kết luận hồ sơ đề án đã được chuẩn bị công phu, có chất lượng.

Đề án metro thể hiện được tư duy hiện đại, tầm nhìn chiến lược

Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao kết quả và nỗ lực của Bộ Giao thông vận tải, UBND TP Hà Nội, UBND TP.HCM và các cơ quan, đơn vị liên quan. Đồng thời yêu cầu tiếp tục tiếp thu tối đa các ý kiến tham gia tại cuộc họp để hoàn thiện hồ sơ đề án, trong đó lưu ý một số nội dung.

Cụ thể, mục tiêu của đề án nhằm thực hiện kết luận số 49 ngày 28-2-2023 về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và kết luận số 72 ngày 23-2-2024 về tiếp tục thực hiện nghị quyết số 13 ngày 16-1-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Đề án giải quyết yêu cầu thực tế về giao thông vận tải tại Hà Nội, TP.HCM, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng trong thời gian tới.

Đề án đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù liên quan đến việc lựa chọn tư vấn, nhà thầu, giải phóng mặt bằng... để bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả của dự án.

Về quan điểm, đề án phải thể hiện được tư duy hiện đại, tầm nhìn chiến lược với cách nghĩ và cách làm mới.

Quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị của hai thành phố phải có tầm nhìn chiến lược, bảo đảm tính đồng bộ với quy hoạch tổng thể đường sắt quốc gia. Đa dạng hóa hình thức huy động vốn theo hướng linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với thực tế triển khai dự án và đa dạng hóa các nguồn lực, trong đó tăng trần nợ công và bội chi ngân sách (báo cáo cấp có thẩm quyền).

Bên cạnh đó, công nghệ và phương thức quản trị dự án phải hiện đại, thông minh và hiệu quả. Nghiên cứu xây dựng ngay và ban hành hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật cho đường sắt đô thị bảo đảm thống nhất trong hệ thống để sử dụng chung.

Trình Bộ Chính trị cho ý kiến về đề án metro ngày 9-12

Về nguyên tắc, dự án phải được nghiên cứu kỹ, triển khai nhanh, hiệu quả. Phân cấp, phân quyền mạnh, đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát khâu thực hiện. Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thực hiện ngay tại các cơ sở đào tạo trong nước đáp ứng đủ điều kiện yêu cầu, có thuê chuyên gia, tư vấn nước ngoài.

Đề án sẽ trình Bộ Chính trị xin ý kiến về các nội dung quan trọng, bao gồm đồng ý chủ trương triển khai đề án và áp dụng các cơ chế đặc thù, đặc biệt về chỉ định thầu tư vấn, giám sát và lựa chọn các nhà đầu tư, huy động nguồn lực (kèm theo phụ lục ). Đồng thời, giao Ban Cán sự đảng Chính phủ làm việc với Đảng đoàn Quốc hội thống nhất cơ chế chính sách đặc thù cho đề án trước khi trình Quốc hội theo quy định.

Bên cạnh đó, đề án cũng kiến nghị tăng trần nợ công lên khoảng 80% GDP và điều chỉnh bội chi ngân sách ở mức phù hợp. TP Hà Nội và TP.HCM được giao làm chủ đầu tư các dự án trên địa bàn, được sử dụng ngân sách địa phương thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư theo quy định.

Thường trực Chính phủ giao Phó thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo việc hoàn thiện và thực hiện đề án. Các bộ ngành, địa phương liên quan chủ động phối hợp tích cực với Bộ Giao thông vận tải trong quá trình hoàn thiện, trình Bộ Chính trị cho ý kiến và tổ chức thực hiện đề án.

Ban Cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải trình Bộ Chính trị (gửi Văn phòng Trung ương Đảng) trong ngày 9-12.

Triển khai đồng loạt cả trăm km metro

Từ kết luận 49 của Bộ Chính trị, TP.HCM và Hà Nội đã xây dựng đề án metro với những cơ chế đột phá chưa từng có. Tại TP.HCM, đề án đặt mục tiêu từ nay đến năm 2035, TP.HCM hoàn thành 6 tuyến metro theo quy hoạch với chiều dài khoảng 183km. Sơ bộ tổng mức đầu tư cho giai đoạn này cần hơn 871.216 tỉ đồng (khoảng 36,33 tỉ USD).

Đến năm 2045, TP làm thêm khoảng 168,36km để hoàn thiện 7 tuyến, nâng tổng chiều dài metro lên khoảng 351,08km. Đến năm 2060, các tuyến metro số 8, 9, 10 sẽ được tiếp tục đầu tư để nâng tổng chiều dài lên hơn 510km.

Thường trực Chính phủ: Đề án làm metro tại Hà Nội, TP.HCM đã được chuẩn bị công phu, có chất lượng - Ảnh 3.Siêu đề án metro: TP.HCM quyết tâm làm chủ công nghệ, thực hiện 183km

Tại Hội nghị Thành ủy TP.HCM sáng 13-6, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm đã báo cáo nội dung, kết quả xây dựng đề án metro.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên