Ông Phan Xuân Thảo - Ảnh: M.Hoa |
Ông Thảo cho biết mức thưởng tối đa là 5 triệu đồng cho người báo tin về thực phẩm bẩn và đây là nguồn tin rất quan trọng để cơ quan chức năng lần ra các vụ việc nghiêm trọng.
* Từ trước tới nay, đã có bao nhiêu người nhận được tiền thưởng này, thưa ông?
- 5 triệu đồng là mức tối đa mà một tin báo có thể được trả, gọi là chi phí mua thông tin. Chỉ tính riêng những năm gần đây, như năm 2014 có 104 tin, chúng tôi chi 62,2 triệu đồng. 10 tháng đầu năm nay đã chi 77,1 triệu đồng cho 67 tin báo.
Chúng tôi rất trân trọng và hoan nghênh từng tin báo của người dân. Phần lớn tin báo có thông tin rất tốt, từ đó chúng tôi đã vào cuộc xác minh, lần ra nhiều vụ việc. Cũng có khi có người báo tin không đúng hoặc đùa giỡn nhưng số này rất ít. Thực tế là người dân rất bức xúc và cảnh giác về vấn đề thực phẩm bẩn, nên sẵn sàng báo tin khi thấy hiện tượng bất thường.
* Ngoài việc khuyến khích người dân cảnh giác và báo tin cho lực lượng chức năng, theo ông, cần có những giải pháp nào nữa để “chiến đấu” với thực phẩm bẩn?
- Tôi thấy có ba điểm quan trọng mà TP.HCM đang làm. Một là thông tin tuyên truyền đến mọi đối tượng, không chỉ là người dân mà cả các cấp chính quyền nữa. Nhiều nơi địa bàn rộng, nhiều việc, chính quyền địa phương chưa tập trung được cho công tác này.
Hai là thanh tra, kiểm tra, không chỉ riêng ngành thú y mà các địa phương cũng phải vào cuộc, cùng với các lực lượng quản lý thị trường, công an, chính quyền, ngành y tế. Hiện TP đang thí điểm ở năm quận huyện, tập huấn thanh tra cho phường xã, từ đó tăng cường thêm lực lượng. Ba là phải nhân rộng các mô hình thực phẩm sạch để định hướng tiêu dùng.
Thực tế là công tác của cán bộ, nhân viên thú y rất nguy hiểm. Đụng đến lợi ích kinh tế, người ta phản ứng rất dữ, rất manh động. Nhưng ngược lại cũng có tình trạng tiêu cực, cán bộ thỏa hiệp, dung túng, bảo kê cho thực phẩm bẩn. Tiếp nhận tin báo về những trường hợp này, chúng tôi phải xem xét rất kỹ vì cũng có trường hợp cán bộ làm tốt nhiều năm bị các đối tượng gài bẫy để tìm cách “bứng” khỏi vị trí đó.
* Thời gian gần đây, hàng loạt vụ việc rúng động về thực phẩm bẩn bị phát hiện, điều đó nói lên điều gì, thưa ông?
- Đó là thực trạng đáng báo động. Tuy nhiên cũng phải thấy rằng một phần là do TP có nguồn lực, phương tiện nên phát hiện được. TP được xác định là vùng trũng, thực phẩm từ khắp nơi đổ về đây. Những vụ việc tại TP gây rúng động đã thúc đẩy được cả ngành dọc và các địa phương cùng chuyển động theo, tạo sự đồng bộ và hiệu quả. Nhưng tôi đang lo lắng là qua cơn sóng này, sẽ yên ắng trở lại nhưng sự yên ắng đó có thật sự phản ánh tình hình đã tốt hay chưa?
Tôi rút ra một bài học kinh nghiệm là khi kiểm tra, phát hiện vi phạm phải công bố. Nhưng kiểm tra không phát hiện vi phạm cũng phải công bố để người dân yên tâm, đồng thời người dân cũng biết rằng các cơ quan nhà nước vẫn đang làm việc liên tục.
Một số vụ được xử lý từ tin báo của người dân - Ngày 9-6-2014, xử lý 18 tấn chân gà không giấy chứng nhận kinh doanh phù hợp lô hàng của Công ty TNHH Phúc Anh (xã Nhị Bình, H.Hóc Môn, TP.HCM). - Ngày 29-7-2015, phát hiện ông Nguyễn Văn Tiến (xã Đông Thạnh, H.Hóc Môn) giết mổ heo trái phép có sử dụng thuốc an thần. Tang vật thu được là 84kg thịt heo, 22 con heo sống... Số heo trên đều dương tính với chất cấm. Xử phạt 39 triệu đồng. - Ngày 2-10-2015, Trạm thú y Gò Vấp phối hợp với Phòng cảnh sát môi trường kiểm tra phát hiện ông Trần Văn Thành (P.12, Q.Gò Vấp) giết mổ gia súc trái phép, có 18 con heo đang chờ giết mổ. Kiểm dịch phát hiện số heo trên dương tính với chất cấm. Người dân có thể báo tin về thực phẩm bẩn qua số điện thoại đường dây nóng 0839551361, 0838291382, 0903667735 hoặc trực tiếp tại Phòng thanh tra chuyên ngành, bộ phận một cửa Chi cục Thú y TP.HCM. |
Đoàn kiểm tra của Trạm thú y huyện Bình Chánh (TP.HCM) từng bắt quả tang một lò giết mổ trái phép tại xã Bình Hưng - Ảnh: Tiến Long |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận