Một gia đình trẻ ở TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Chính sách này không lạ trên thế giới, nhưng là lần đầu được đề cập luật hóa tại Việt Nam. Tuy nhiên đa số những người quan tâm - nhất là những bà mẹ trẻ, mẹ tương lai - đều cho rằng "không đủ".
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy - chuyên viên tham vấn tâm lý, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia TP.HCM - cùng phân tích câu chuyện này.
* Qua tư vấn, chị nhận thấy trong những nguyên nhân khiến phụ nữ (nhất là ở thành phố) ngại sinh con, nguyên nhân kinh tế chiếm phần nào trong đó?
- Tiến sĩ Phạm Thị Thúy: Trong công việc của mình, tôi đã tham gia rất nhiều diễn đàn của phụ nữ, các lớp thai giáo, tham vấn, tư vấn cả online và trực tiếp với nhiều bà mẹ trẻ, và tất nhiên, đề tài về con cái luôn là mối quan tâm rất lớn. Tôi có thể khẳng định ngay: trong số rất nhiều nguyên nhân khiến phụ nữ thời hiện đại này ngại sinh con, nguyên nhân kinh tế chỉ chiếm một phần và không phải là nguyên nhân quyết định. Những mối lo lắng của phụ nữ khi quyết định sinh con hay không lớn hơn rất nhiều.
* Chúng ta có thể phân tích các nguyên nhân đó...
- Những quan niệm cũ "Trời sinh voi sinh cỏ", "sinh đứa con hủ hỉ vui cửa vui nhà", "có con để sau này về già có chỗ nương tựa" đều đã trở nên xưa như Trái đất. Các bà mẹ ngày nay chỉ còn giống các bà mẹ xưa ở nhu cầu những gì tốt đẹp nhất cho con mình, và họ không chỉ mong mỏi như những bà mẹ xưa mà họ yêu cầu và đòi hỏi từ chính bản thân mình và xã hội.
Đó là môi trường sạch xanh, điều kiện dinh dưỡng, y tế tốt cho con được nuôi dưỡng và phát triển khỏe mạnh. Đó là môi trường giáo dục tiên tiến và công bằng, để con trưởng thành và phát huy được khả năng. Đó là môi trường xã hội lành mạnh, an toàn để con được tự do trở thành một người hạnh phúc với lựa chọn của chính mình.
Có vẻ hơi nhiều nhưng đó chỉ là những nhu cầu chính đáng của một bà mẹ. Và với đa số những bà mẹ trẻ, hiện đại ở TP.HCM mà tôi đã gặp, họ đều nhận xét: điều kiện chung của xã hội chúng ta hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu đó.
Với những bậc cha mẹ có điều kiện kinh tế, họ lựa chọn cho con học trường quốc tế, định hướng cho con đi du học để có môi trường giáo dục và cả môi trường xã hội tốt hơn. Với những cha mẹ kém điều kiện hơn, khi sinh con và nhất là khi con đến tuổi đi học, nỗi lo bắt đầu ngày một nặng: Con có được vào học những trường mà họ cho là tốt không? Có điều kiện để phát triển năng khiếu (nếu có) không? Có được cơ hội như bạn cùng trang lứa không? Làm sao để bảo vệ con khỏi những ảnh hưởng tiêu cực đang ngày một phát triển và biến tướng? Áp lực việc làm của cha mẹ sẽ ảnh hưởng thế nào đến thời gian quan tâm, giáo dục con cái?...
Và còn có những nguyên nhân chủ quan nữa từ những người mẹ: phụ nữ ngày nay có rất nhiều cơ hội để học tập, thăng tiến trong công việc, trải nghiệm với sở thích, đam mê. Để sinh con và chăm sóc con, họ sẽ phải chấp nhận chậm lại, lùi lại vài bước, nhịn lại hay bỏ lỡ một hoặc nhiều cơ hội... Đó cũng là một rào cản khi các bà mẹ trẻ cân nhắc chuyện sinh con.
Ngoài ra, hai năm nay, tôi cũng được nghe nhiều mẹ trải lòng về việc quyết định không sinh hay hoãn sinh con trong những đợt dịch liên tiếp, kéo dài. Những khó khăn bất ngờ ập tới, những bất ổn cảm được sờ được, những mong manh của sự sống đo lường được mỗi ngày khiến các bà mẹ cảm thấy "may mắn" khi không sinh con trong thời điểm này. Nói ra nghe rất xót lòng nhưng đó là một thực tế...
* Như vậy, đề xuất thưởng tiền, tạo điều kiện mua nhà, giảm - miễn học phí... như đang được đề xuất có thể là một giải pháp? Nếu không, theo bà, cần thêm điều gì?
- Theo tôi, những liệu pháp ấy nếu thực hiện được thì rất tốt, và cuối cùng, quyền quyết định vẫn ở tự thân người phụ nữ. Khi họ cảm thấy an tâm với tương lai của con, thoải mái trong tinh thần của mình thì họ sẽ sinh con thôi.
Tuy nhiên về việc thưởng tiền, tôi vẫn có suy nghĩ riêng: thứ nhất, so với việc có một đứa con và những chi phí cho con thì vài triệu đồng chỉ như muối bỏ biển, nhất là ở những thành phố lớn. Thứ hai, việc thưởng tiền đó có thể nảy sinh những so sánh không công bằng với các vùng miền khác, và cũng chưa biết chừng sẽ gây ra những hệ lụy xã hội khác như là di dân ồ ạt đến thành phố?! Thứ ba, số tiền ấy nếu nhân lên với mức sinh thì sẽ là một khoản khá lớn, liệu ngân sách có gánh nổi?...
* Sinh con hay không là lựa chọn của cá nhân - gia đình. Vậy về chính sách vĩ mô thì nên thế nào?
- Tỉ suất sinh đang có xu hướng giảm thấp ở các thành phố, vậy nên khuyến khích mỗi phụ nữ sinh đủ hai con là điều cần thiết, và tôi nghĩ cần thực hiện trên toàn quốc chứ không chỉ ở 21 tỉnh thành. Khi đó, Việt Nam sẽ bớt đi áp lực về tốc độ già hóa dân số.
Và để khuyến sinh được như vậy, phải có những giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, y tế, giáo dục cho phụ nữ, trẻ em; có chính sách ưu đãi về việc làm cho phụ nữ sau sinh.
* Có một số ý kiến cho rằng chảy máu chất xám, chảy máu lao động qua thực trạng du học sinh không về nước như hiện nay thì sinh thêm con liệu có cải thiện được tình trạng già hóa dân số và cả chất lượng dân số, nhất là ở các thành phố lớn?
- Tôi thì lạc quan hơn. Thế giới hiện rất rộng mở cho giới trẻ, các ranh giới địa lý đã bị công nghệ xóa nhòa. Các con cứ tự do ra bên ngoài học tập, tạo lập tương lai và rồi sẽ quay về một lúc nào đó khi cảm thấy cần gắn bó hơn với quê hương mình. Vả lại, việc di dân cơ học cũng sẽ mau chóng bù đắp lại mà thôi, và đó cũng là nguyên nhân tôi cho rằng chính sách khuyến sinh hai con sẽ cần phải được thực hiện trên toàn quốc.
Tóm lại vẫn là: Hãy khiến người phụ nữ an tâm với lựa chọn của mình.
Tôi rất mong có con, nhưng...
Tôi luôn khát khao được làm mẹ, nên nhiều người hay bảo tôi ráng kiếm đứa con để về già có người nương tựa. Thế nhưng, thực tế khắc nghiệt đâu phải hễ muốn là sẽ làm được, hay hễ đẻ ra rồi tự khắc chúng sẽ nên người.
Tôi cũng có rất nhiều bạn bè đã lập gia đình nhưng vẫn không muốn sinh con hoặc chỉ sinh một con để tập trung vào lo cho nó mà thôi. Quả thật gánh nặng tài chính và những mối lo khác về những tiêu cực, cạm bẫy ở các thành phố lớn hiện nay đã khiến không ít bạn trẻ chọn phương án không lập gia đình hoặc không sinh con.
Chị Trà My - Ảnh: NVCC
Sẽ có không ít người cho đây là lựa chọn ích kỷ. Tuy nhiên cần phải đặt mình vào hoàn cảnh của những người trẻ, nhất là những người đang tha phương lập nghiệp thì việc lo cho chính mình hoặc lo cho một đứa con đã là quá đủ áp lực rồi. Nhất là với những người phụ nữ hiện đại ngày nay.
Việc Chính phủ đề xuất phương án tặng tiền, hỗ trợ mua nhà, lo học phí cho trẻ con, theo tôi, vẫn chưa đủ đảm bảo cho chất lượng cuộc sống hôn nhân của các cặp gia đình trẻ.
Hiện tại chế độ nghỉ thai sản cho phụ nữ là 6 tháng. Thế nhưng khi sinh con thứ hai họ phải vừa chăm con nhỏ, vừa phải lo cho con lớn. Bởi không phải đàn ông Việt Nam nào cũng đảm việc nhà, trong khi cuộc sống cần trách nhiệm từ cả hai phía. Vậy nên khi sinh thêm đứa con tiếp theo thì liệu có thêm những chế độ thai sản cho nam giới để các ông chồng cùng gánh vác việc chăm sóc con cái với vợ thay vì để một mình vợ loay hoay hoặc thuê người giúp việc, hoặc nhờ sự trợ giúp của cha mẹ hai bên.
Tỉ lệ dân số già đang là bài toán nan giải của rất nhiều quốc gia hiện nay. Vậy Việt Nam chúng ta cũng không ngoại lệ khi mật độ sinh ngày càng giảm mạnh. Tuy nhiên, sinh ra một đứa trẻ mà không bảo đảm được các chế độ an sinh giáo dục thì tương lai sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và mối nguy hại cho xã hội.
Mong rằng những chính sách thúc đẩy dân số sẽ giúp phụ nữ bớt đi áp lực thay vì tạo thêm áp lực cho họ. Nhất là với nhóm phụ nữ yếu thế phải chịu nhiều thiệt thòi từ gia đình lẫn xã hội.
Trà My
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận