05/02/2018 10:20 GMT+7

Thương tiếc Hoàng Vân, người để lại những gửi trao nồng hậu

NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ
NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ

TTO - Khi nghe các bài hát của nhạc sĩ Hoàng Vân, tôi thường nghĩ đến không gian sôi sục của những năm tháng mọi người đều có mặt.

Thương tiếc Hoàng Vân, người để lại những gửi trao nồng hậu - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Hoàng Vân - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Đủ thành phần, từ cô gái vùng cao "ngày mai em vừa tròn hai mươi tuổi" đến người thợ mỏ vùng than "vào ca cũng là chiến sĩ", từ chị Hai năm tấn quê ở Thái Bình đến cô Ba dũng sĩ quê ở Trà Vinh, từ em bé Hà Nội đến người giáo viên "trái tim em đỏ nhiệt tình như hoa phượng vĩ" - sáng tác của ông như bức tranh đại cảnh của chủ nghĩa vị lai cách mạng, mà mỗi cảnh là một bài ca được ông chăm chút bằng những nét hoa mỹ mà phóng khoáng.

Tôi từng có dịp hỏi ông về hoàn cảnh sáng tác vài ca khúc nổi tiếng. Có những  tứ bật ra đơn giản. 

Như lần ông đi thực tế ở Thái Bình cùng nhạc sĩ Nguyễn Văn Tí, nhà thơ Chế Lan Viên. Trong một tối ở nhà người dân, mấy văn nghệ sĩ chưa biết viết gì, chợt Nguyễn Văn Tí nhìn thấy bức ảnh chị Út Tịch trên tờ lịch tường.

Nguyễn Văn Tí nhận xét "trông cũng đẹp nhỉ". Ba nhà thơ, nhạc sĩ bàn luận thế nào là cái đẹp của người phụ nữ Việt Nam. 

Thế là một cái tứ nảy ra trong đầu Hoàng Vân, phép liên tưởng so sánh cứ thế đẩy bài hát được phát triển cả ca từ lẫn giai điệu. 

"Hỡi ai đã đi năm châu bốn biển, bạn hỏi rằng có gì đẹp trong người con gái Việt Nam?...". Từ cô gái Thái Bình, đã có cô gái Trà Vinh, nhân rộng ra chân dung của sự đoàn kết để rồi ca khúc có sức mạnh cổ động to lớn.

Ca khúc Hai Chị Em - Thanh Thúy ft. Thu Giang

Hiện thực nếu có chỉ là cái cớ để Hoàng Vân như con sơn ca "tung tăng bay lượn cất tiếng hát vang" (lời ca khúc Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng) trên cánh đồng nghệ thuật. 

Điều này áp dụng với gần như các ca khúc của ông. Thay vì bám sát các chi tiết có tính hóc hiểm của từng ngành nghề khi cần viết bài hát tuyên truyền như kỹ thuật chăn nuôi giỏi hay việc đào hầm lò, ông phác những nét đại thể, đặt vào đấy tâm tình của mình qua giọng của nhân vật.

Có thể gói lại những gì Hoàng Vân viết ở mấy chữ "ngày mai chúng ta lại lên đường" (Bài ca xây dựng) - các bài ca luôn ở thì hiện tại tiếp diễn. Hát về cây lúa hôm nay, cũng là hát về "ngày mai bắt đầu từ hôm nay". 

Ngay cả những tác phẩm hoành tráng như Hồi tưởng (trong tổ khúc hợp xướng Tổ quốc ta), viết về quá khứ đấu tranh, Hoàng Vân cũng dựng ra viễn cảnh tươi sáng, thúc giục tập thể: "Tương lai đang đón chờ tay em đi xây dựng nước nhà".

Bài Ca Xây Dựng - Trọng Tấn

Nhưng thì hiện tại tiếp diễn ấy có đứng được như viễn kiến không là nhờ chất trữ tình hào hoa trong âm nhạc Hoàng Vân. 

Ca khúc Hoàng Vân hấp dẫn phổ rộng người nghe nhờ sự nhấn nhá có chút huê tình, thủ thỉ ngay trong những cao trào hừng hực khí thế "một lòng xông tới ào ào như thác đổ". 

Nhiều lúc, chất trữ tình dẫn dắt Hoàng Vân băng qua rào cản khô cứng của tuyên truyền cổ động, tạo ra những biểu tượng duyên dáng.

"Trong tình yêu quê hương có một tấm lòng

Dành cho em người mà anh yêu quý vô cùng" (Tình ca người thợ mỏ).

"Hà Nội ngàn xưa năm cửa ô mỗi ngày thêm mới

Hà Nội của tôi, trang sách khuya thức với sao đêm

Hà Nội ngày nay, trí tuệ xanh và con tim bốc cháy

…Ở nơi đó có một người, người mà tôi mến yêu"… (Tình yêu Hà Nội).

Tình Yêu Hà Nội - Trọng Tấn

Hoàng Vân đã dựng ra một phiên bản xã hội của riêng mình, kết nối với sáng tác của các nhạc sĩ cùng thời, động viên con người vượt qua khó khăn và vun đắp cái thiện. 

Các thông điệp tuyên truyền theo năm tháng lùi về phía sau, để lại những lời trao gửi nồng hậu chính trực nhất.

Nghệ sĩ bày tỏ niềm tiếc thương nhạc sĩ Hoàng Vân qua đời

TTO - Sáng 4-2, nhiều nghệ sĩ chia sẻ thông tin và bày tỏ niềm tiếc thương, kính trọng khi nhạc sĩ Hoàng Vân vừa lìa xa trần thế.

NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên