Bà Nguyễn Thị Như Ý - chủ tịch Liên đoàn Lao động Đồng Nai - Ảnh: HÀ QUÂN
Bà Nguyễn Thị Như Ý - chủ tịch Liên đoàn Lao động Đồng Nai - cho biết đến ngày 15-12, có 214 doanh nghiệp đã thông báo thưởng Tết.
Thấp nhất 1 tháng lương, cao nhất 2,5 tháng lương. Cá biệt có đơn vị thưởng cao nhất 100 triệu đồng nhưng có đơn vị chỉ thưởng 50.000 đồng. Căn cứ tình hình thực tế, các cấp công đoàn phối hợp với doanh nghiệp chăm lo cho đoàn viên lao động không về quê ăn Tết.
Theo chủ tịch Công đoàn Đồng Nai, hết tháng 11-2022, qua khảo sát 180 đơn vị, có trên 59.000 lao động bị ảnh hưởng. Trong đó, khoảng 48.000 người giảm việc, gần 900 người mất việc, hơn 1.400 người bị nợ bảo hiểm xã hội. Nhiều nhất là ở ngành gỗ xuất khẩu, may mặc, dệt may.
Hiện các doanh nghiệp có đông lao động như Pouchen, Taekwang Vina, Changsin, Hwaseung Vina đã bố trí kế hoạch nghỉ hằng năm, thỏa thuận giảm giờ làm không hưởng lương để tạm vượt khó. Nhu cầu tuyển dụng trên địa bàn khoảng 5.000 người.
Liên đoàn Lao động Đồng Nai đã có kế hoạch phân bổ quà Tết từ nguồn lực của UBND tỉnh cho 60.000 người lao động với giá trị 500.000 đồng/người.
Cơ quan này cũng đề nghị Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam hỗ trợ 70.000 người với mức 500.000 đồng/người. Khoảng 150.000 lao động hưởng hỗ trợ từ tài chính công đoàn với quà tiền mặt trị giá 1 triệu đồng/người.
Chủ tịch Công đoàn Đồng Nai kiến nghị Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam có ý kiến với Ngân hàng Nhà nước, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp tục nguồn vốn vay; tiếp tục miễn giảm lãi suất cho vay; điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ…
Trong khi đó, ông Kha Văn Tám - chủ tịch Liên đoàn Lao động Nghệ An - nhận định thời điểm trước và sau Tết thường xảy ra đình công vì doanh nghiệp tăng giảm lương, hội nghị người lao động diễn ra.
Theo vị này, các vụ đình công gần đây diễn ra ở doanh nghiệp nước ngoài (FDI) trên địa bàn tập trung ngành may mặc, điện tử và mang tính chất dây chuyển, lan ra các tỉnh khác.
Đáng chú ý, các cuộc đình công có dấu hiệu của một số thế lực thù địch như Việt Tân đứng đằng sau, kích động hoạt động đông người. “Chỗ này rất đau đầu trong xử lý”, ông nói thêm.
Ông Kha Văn Tám - chủ tịch Liên đoàn Lao động Nghệ An - Ảnh: HÀ QUÂN
Chủ tịch Công đoàn Nghệ An đưa ra kinh nghiệm phòng ngừa đình công là vận động doanh nghiệp tăng tiền ăn ca, phụ cấp; phân tích kỹ mong muốn của người lao động…
Với yêu cầu tăng lương, công đoàn cần xem xét kỹ lưỡng doanh nghiệp lời lãi thế nào? Nếu doanh nghiệp khó khăn thì cán bộ công đoàn phải phân tích kỹ cho công nhân hiểu, chia sẻ khó khăn.
Còn ông Phan Xuân Quang - chủ tịch Liên đoàn Lao động Quảng Nam - chia sẻ câu chuyện HĐND Quảng Nam bổ sung kinh phí hỗ trợ con em người lao động và giáo viên mầm non làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục tại các cụm công nghiệp, thay vì phải trong khu công nghiệp theo nghị định 105.
Số tiền Quảng Nam phải bổ sung thêm là 5,9 tỉ đồng nhưng chăm lo tốt hơn cho người lao động, nhất là khi tỉnh có tới 34.000 người làm việc tại 58 cụm công nghiệp.
Chủ tịch Công đoàn Quảng Nam đề xuất bổ sung trẻ mầm non là con người lao động đang làm việc tại các cơ sở sản xuất kinh doanh ngoài các khu công nghiệp vì điều kiện, đời sống nhiều người rất khó khăn.
Con công nhân cấp mầm non được hỗ trợ từ 9 lên 12 tháng do các em không nghỉ hè, chỉ nghỉ chủ nhật, lễ Tết; nâng mức hỗ trợ 160.000 đồng lên 200.000 đồng/tháng/trẻ hoặc tăng định kỳ.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đề nghị các cấp công đoàn chủ động nắm bắt tình hình người lao động mất việc, giảm việc để kịp thời đề xuất và có chính sách chăm lo thỏa đáng. "Phương châm là không để người lao động nào không có Tết", ông nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận