Do phải luyện tập đến hết 29 tết nên không khí tập luyện của VĐV tại các trung tâm huấn luyện vẫn rất sôi động. Do ngành thể thao không có tiền thưởng tết nên phần lớn VĐV tự gom góp tiền lương để mua quà về cho gia đình.
VĐV không có thưởng tết
Ông Vương Bích Thắng, tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, cho biết ngân sách ngành thể thao được cấp hằng năm chỉ để chi trả tiền công, tiền ăn và các chế độ khác cho VĐV chứ không có khoản chi nào cho thưởng tết hay tháng lương thứ 13. Vì thế, VĐV của các đội tuyển quốc gia hoàn toàn không được nhận khoản nào từ ngân sách để chi cho tiền thưởng tết, quà tết.
VĐV nào có thành tích tại các giải đấu quốc tế thì được nhận tiền thưởng huy chương theo quy định của Nhà nước. Với các VĐV giành huy chương quốc gia, tiền thưởng do các địa phương chi trả. Tiền thưởng tết cho các VĐV đội tuyển cũng tương tự. Do ngân sách không có nên nếu địa phương nào có điều kiện thì hỗ trợ các VĐV một phần kinh phí hoặc một chút quà để động viên, khích lệ VĐV.
VĐV judo Văn Ngọc Tú cho biết: “Đội tuyển judo có khoảng 40 VĐV. Kể từ khi có mặt ở đội tuyển chục năm qua, tôi và các đồng đội chưa khi nào được nhận tiền thưởng tết. Có chăng là được một chút quà lưu niệm bằng hiện vật của địa phương mình đầu quân mỗi dịp tết đến”.
VĐV đi bộ Nguyễn Thị Thanh Phúc cho biết cũng không nhận được tiền thưởng hay quà tết gì từ đội tuyển điền kinh, nơi cô cống hiến nhiều năm qua. Mỗi năm cô chỉ được nhận một gói quà và một phong bì với chút tiền gọi là để động viên của Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Đà Nẵng nơi cô tập luyện. Phúc nói thêm năm 2014 do chỉ giành 1 HCV Đại hội TDTT toàn quốc nên cả năm cô chỉ có 10 triệu đồng tiền thưởng huy chương từ Đà Nẵng. Cậu em trai Nguyễn Thành Ngưng cũng đạt thành tích giống chị nên năm nay hai chị em ăn tết tiết kiệm. “Tôi đã sắm một ít đồ tết cho gia đình trong khả năng của mình nên cũng yên tâm” - Thanh Phúc tâm sự.
Gói bánh chưng làm quà cho VĐV
Kinh phí có hạn, nhiều trung tâm huấn luyện thể thao đã nghĩ ra nhiều ý tưởng để tiết kiệm tiền nhưng vẫn có quà dù ít dù nhiều để tặng các VĐV về quê ăn tết.
HLV Phạm Thị Minh của đội điền kinh Thanh Hóa (HLV của VĐV Quách Thị Lan) cho biết những ngày này, Trung tâm huấn luyện thể thao Thanh Hóa phân công các đoàn viên và công đoàn người rửa lá, người vo nếp... để gói bánh chưng biếu các VĐV về quê ăn tết. Cô Minh chia sẻ: “Trung tâm có nhiều VĐV nên bánh được gói rất nhiều, mỗi người chia nhau một việc để nồi bánh hoàn thành. Mỗi năm các VĐV được nhận vài chiếc bánh chưng, của ít lòng nhiều, dù sao các VĐV, HLV cũng có chút quà về quê ăn tết”.
HLV Nguyễn Trọng Hổ, đội tuyển điền kinh VN, cho biết trước đây khi còn là HLV điền kinh của tỉnh Hà Tây, cứ đến dịp tết là trung tâm huấn luyện thể thao tỉnh lại gói bánh chưng làm quà cho HLV, VĐV. HLV Trọng Hổ kể: “Năm 2006-2007, lương của VĐV chỉ được 30.000-50.000 đồng/tháng nên quà tết với các em dù ít nhưng rất ý nghĩa. Trung tâm nấu bánh chưng rồi phát cho từng người, thêm mỗi người gói mứt, hộp chè là xách về quê thôi. Thể thao là “con nhà nghèo” nên quà cáp cho các VĐV chỉ gọi là có cho vui và ấm áp”.
Đô vật Nguyễn Thị Lụa cho biết đội tuyển vật quốc gia chưa từng có tiền thưởng hay quà tết cho VĐV. Hằng năm dịp tết đến, Lụa chỉ được nhận gói quà và khoanh giò từ ban huấn luyện đội vật Hà Nội để động viên tinh thần. Năm 2014, với thành tích đoạt 1 HCB châu Á, 1 HCV Đông Nam Á, 1 HCV Đại hội TDTT toàn quốc nên Lụa cũng có kha khá tiền thưởng từ những huy chương này để sắm tết cho bố mẹ. “Đội vật năm 2015 không có mặt tại SEA Games nên tôi chỉ tập trung cho giải đấu tích điểm đến Olympic 2016. Năm mới tôi chỉ mong sẽ giành được nhiều thành tích tốt để cuối năm có nhiều tiền thưởng huy chương bù vào việc không có thưởng tết” - Lụa tâm sự.
Tết đến ai cũng mong có thưởng nhưng khái niệm này hoàn toàn không có đối với các VĐV. Ngành thể thao không có kinh phí thưởng, các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia, các sở thể dục thể thao địa phương cũng tùy vào nguồn kinh phí hoặc nếu trong năm tiết kiệm chi tiêu được nhiều thì có gói quà cho các HLV, VĐV về quê ăn tết, nơi nào nghèo thì VĐV về quê tay không.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận