Năm 2020 là một chuỗi kỳ nghỉ dài với người lao động trong lĩnh vực du lịch dịch vụ ở Đà Nẵng. Nhiều chuỗi khách sạn đến nay vẫn còn đóng cửa do lượng khách không đảm bảo chi phí vận hành - Ảnh: TR.TRUNG
Câu chuyện từ ngành du lịch Đà Nẵng, nơi ảnh hưởng nặng nề nhất vì COVID-19.
Chưa dám mong tới tết
Chị Phan Thị Thanh Hương (Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết: "Tôi làm nhân viên lễ tân một khách sạn trên đường Hoàng Diệu, quận Hải Châu, Đà Nẵng. Phải nghỉ việc không lương gần 3 tháng nay, tôi nhận việc shipper (giao hàng) cho một số cửa hàng áo quần để kiếm thu nhập. Năm 2020 đối với Đà Nẵng là một năm kinh tế "buồn" khi tăng trưởng âm gần 10%, gia đình tôi cũng rơi vào hoàn cảnh khó khăn vô cùng.
Cả hai vợ chồng tôi đều làm trong ngành dịch vụ, khó khăn chất chồng khi COVID-19 đến. Chồng tôi là tài xế xe công nghệ. Vay tiền mua ôtô được hơn một năm, vợ chồng đang làm ăn "ngon trớn" thì dịch COVID-19 bùng phát. Sau đợt dịch tháng 4, khách sạn chỗ tôi làm thưa vắng khách. Do chủ có nhiều cơ sở, tôi may mắn được chuyển công việc sang một khách sạn lớn ven biển (chưa phải mất việc hẳn). Dịch đợt 2 ập tới, cả chủ và người làm thuê như chúng tôi đều thả tay.
Từ khi bùng dịch đến nay, tôi được nhận mấy tháng hỗ trợ một nửa tháng lương cơ bản từ công ty. Công việc thất thường, vào dịp cuối tuần khách sạn có khách mới được đi làm. Mấy tháng nay, tôi vừa tận dụng thời gian làm shipper, vừa tranh thủ học thêm tiếng Anh để hi vọng có thể tìm việc làm thêm.
Giờ làm ngày nào lãnh tiền ngày đó là mừng rồi nên tôi chẳng dám nghĩ gì đến hỗ trợ, thưởng dịp lễ tết. Vợ chồng tôi đều từ tỉnh khác đến, chật vật qua bữa và vẫn còn gánh khoản nợ vay tiền mua xe nên chẳng trông mong tới ngày đón giao thừa. Mấy tháng nay, sinh hoạt trong gia đình co cụm lại ở mức tối thiểu, mọi thứ chi tiêu đều phải tính toán chi li. Hai vợ chồng tôi cũng chẳng về quê, đồ ăn thức uống thì nhờ trong quê gửi ra. Tiết kiệm tối đa, hi vọng tết này có chút ít dằn túi để làm quà và tự tin thăm biếu nội ngoại đôi bên.
Một số người thâm niên trong ngành du lịch nay phải nghỉ không lương dài lâu cũng đã chủ động xin chấm dứt hợp đồng lao động. Không phải do họ không muốn gắn bó với công ty mà vì như thế thì có thể làm đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp từ BHXH. Trước mắt để giải quyết khó khăn, có đồng ra đồng vào ăn tết rồi ra năm tính tiếp. Công ty cũng đang khó khăn nên hứa hẹn khi nào du khách trở lại sẽ tiếp tục giao kết hợp đồng lao động".
Chai dầu, gói bánh cho có mùa xuân
Ông Lê Tấn Thanh Tùng - phó tổng giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam VITOURS - cho rằng COVID-19 là một biến cố ảnh hưởng quá lớn đến ngành du lịch - dịch vụ Đà Nẵng. Từ tháng 8 đến nay, phía công ty buộc phải cho một số bộ phận nghỉ việc không lương, một số người chuyển sang quy chế lương khoán kinh doanh. Đối với một số trường hợp đặc thù, để giữ chân người lao động, công ty vẫn cho tạm ứng lương cơ bản sau đó trừ dần vào doanh số khai thác kinh doanh sẽ được tổng kết vào cuối năm.
Chăm lo tết thế nào "vẫn còn đang tính". "Từ tháng 11 đến nay, Đà Nẵng bắt đầu lai rai có khách trở lại nên chúng tôi hi vọng cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, tết này sẽ lo được chai dầu, gói bánh cho người lao động để có mùa xuân" - ông Tùng cho hay.
Đà Nẵng: thưởng tết giảm mạnh
Theo khảo sát của Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng, mức thưởng Tết dương lịch và Tết Nguyên đán năm nay có sự biến động theo hướng giảm mạnh. Trong đó, bình quân thưởng Tết dương lịch trong các doanh nghiệp dân doanh cho người quản lý là 1,9 triệu đồng và người lao động là 1,3 triệu đồng. Mức thưởng Tết Nguyên đán cho người lao động ở nhóm này theo khảo sát tại nhiều doanh nghiệp có mức thưởng thấp nhất là 100.000 đồng.
Chỉ mong được nhận tiền mặt
Anh Nguyễn Thành, công nhân một công ty thiết bị vệ sinh tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, TP Hà Nội, chia sẻ: "Mọi năm thưởng tết rất cao, như mình lương cứng 10 triệu thì cả lương cả thưởng tháng cuối nhận theo hệ số 3.2 thành 32 triệu. Số tiền ấy dành mua sắm quần áo mới cho con, đóng tiền nhà vẫn còn dư để về quê tặng quà ông bà. Năm nay, sản xuất khó khăn, chưa nghe thông báo thưởng. Mình chỉ mong được thưởng một nửa cũng tốt rồi. Nhiều nơi tại Hà Nội nghe nói không có lương tháng 13".
Còn chị Ngọc Thủy, kế toán của một công ty vật tư xây dựng tại Hà Nội, lo lắng kể năm nay doanh thu giảm 10-15% so với năm ngoái, công ty còn phải cân đối chi phí, chưa có thông báo thưởng. "Mình chỉ mong nhận thưởng tiền mặt, ít nhiều cũng được. Còn không thì coi như mất tết".
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Quang Long, phó trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, nói: "Cùng thời điểm này các năm trước, không ít doanh nghiệp đã có công bố thưởng tết cho nhân viên, công nhân. Tuy nhiên, do ảnh hưởng COVID-19, nhiều đơn vị chưa công bố việc thưởng tết".
HÀ QUÂN
Vẫn duy trì thưởng tết ngang năm trước
Công ty CP Sanofi Aventis (quận 9, TP.HCM) năm nay tuy gặp khó khăn nhưng khoảng 500 người lao động khu vực sản xuất vẫn nhận 1,5 tháng lương trong dịp Tết dương lịch. Ông Trần Quang Lợi, chủ tịch công đoàn công ty, cho biết: "Dù tình hình kinh doanh như thế nào thì các khoản phúc lợi đã ký trong thỏa ước lao động tập thể vẫn được duy trì gồm tiền quà tết (2,8 triệu đồng/người), đồng thời công ty sẽ tăng lương 8% trên tổng quỹ lương cho toàn bộ người lao động. Nhìn chung người lao động sẽ nhận khoảng 8,3 triệu cho đợt thưởng tết này".
Tại Công ty CP In số 7 (quận Bình Tân), người lao động có nhiều mức thưởng vào cuối năm, khoảng 4 tháng lương thực lĩnh. Ông Trương Hoàng Tâm, chủ tịch công đoàn công ty, cho biết công nhân sẽ nhận khoản Tết dương lịch 2,7 triệu đồng/người, Tết âm lịch 6,6 triệu đồng, hoàn thành kế hoạch năm khoảng 20 triệu đồng/người và lương tháng 13.
Tại một công ty thực phẩm khác, dù tình hình kinh doanh ít nhiều giảm sút, người lao động được thưởng tết 2 tháng lương. Có nơi, công nhân sản xuất có tay nghề cao được thưởng gần 3 tháng lương. Nhiều công ty tại TP.HCM cũng tổ chức xe giường nằm, chăm lo cho công nhân về quê đón tết...
VŨ THỦY
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận