29/01/2019 12:53 GMT+7

'Thưởng tết 0 đồng quen rồi, chỉ mong tết được về quê'

ĐỨC BÌNH
ĐỨC BÌNH

TTO - 'Thưởng tết của giáo viên vùng cao chúng tôi năm nay rất nhiều số không và quan trọng nhất, số đầu tiên thì vẫn là số… 0 tròn trĩnh'.

Thưởng tết 0 đồng quen rồi, chỉ mong tết được về quê - Ảnh 1.

Thầy Trần Văn Pha cùng các đồng nghiệp tất bật chuẩn bị bữa cơm tất niên để chia tay các thầy cô giáo được về quê ăn tết - Ảnh: N.QUANG

Thầy Phạm Văn Phán, hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Huổi Luông số 1 (Phong Thổ, Lai Châu), hóm hỉnh trả lời khi chúng tôi hỏi về chuyện cho .

Tết này, gần 2.000 giáo viên ở 14 xã, thị trấn toàn huyện vẫn được giữ nguyên mức thưởng như các năm trước, không tăng không giảm, với một con số 0 tròn trĩnh

Ông Cù Huy Hoàn (trưởng Phòng GD-ĐT huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên)

Thưởng tết 0 đồng

"Mình quê ở Thanh Hóa, năm 1988-1989 khi mới 18 tuổi đã lên vùng biên giới Lai Châu này dạy học. Gắn bó với nghề suốt từ đó đến nay, gần nghỉ hưu rồi nhưng chưa năm nào được nhận thưởng tết từ quỹ lương hay ngân sách. Chuyện thưởng tết là con số 0 với bọn tôi quá quen rồi" - thầy Phán ngậm ngùi.

Với thầy Phán và ít nhất 45 giáo viên Trường tiểu học dân tộc Huổi Luông, chuyện thưởng tết là "vô cùng xa xỉ".

"Ở dưới xuôi tôi không rõ, có thể dịp tết các đồng nghiệp còn được phụ huynh quan tâm, chứ ở trên này anh chị em giáo viên chỉ hi vọng năm nào tổ chức công đoàn hay nhà trường tiết kiệm được khoản gì đó thì cuối năm may ra bình bầu nọ kia cũng có gói quà hộp mứt, gói mì chính, bao thuốc lá gọi là thưởng tết.

Chục năm trước, khi còn dạy trong huyện Mường Tè thì cũng có năm tôi được nhận thưởng tết từ công đoàn nhà trường tận... 200.000 đồng. Đó là kỷ lục đáng nhớ của tôi về thưởng tết" - thầy Phán nhớ lại.

Liên lạc với một số hiệu trưởng, giáo viên ở các xã biên giới thuộc huyện Mường Tè (Lai Châu), huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên), mọi người đều có câu trả lời giống nhau (và cũng giống câu trả lời từ những năm trước): "Không có thưởng tết nhà báo ơi".

Ông Cù Huy Hoàn, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Điện Biên Đông, tâm sự: "Đọc báo, xem tivi thấy đưa tin có nơi có chỗ thưởng tết cả tỉ bạc, có công ty còn mua cả chục ôtô thưởng tết nhân viên mà nghèn nghẹn, cám cảnh cho cái nghề "trồng người".

Với Điện Biên Đông chúng tôi, giáo viên không có thưởng tết là đương nhiên rồi. Nhưng tết này chúng tôi đã phải tiết kiệm, xin xỏ mãi để có 40 phần quà gọi là "thưởng tết" (1 triệu đồng/suất) hỗ trợ 40 giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo".

Bám biên, canh trường

Giáo viên vùng cao, biên giới hầu hết là người dưới xuôi và mỗi dịp tết đến, câu chuyện đầu môi mỗi người hỏi nhau bao giờ cũng là "tết này có về quê không?".

Không có thưởng tết, nhưng cơ bản các giáo viên sẽ cố xoay xở để những ngày tết được về đoàn tụ sum vầy với người thân. Nhưng cũng có khá nhiều giáo viên vì nhiều lý do nên phải ở lại canh trường, bám biên đón tết, trong đó lý do đầu tiên là "tiền đâu?".

"Em đã 14 năm dạy học ở Huổi Luông, mới có 3 lần về quê ăn tết và tết này sẽ là năm thứ 4 vợ chồng em được ăn tết quê" - cô giáo Lê Thị Lập, quê Cẩm Khê (Phú Thọ), vui vẻ khoe. Lý do cô Lập ít về quê ăn tết là vì "lương thì thấp, thưởng thì không", mà xe cộ đi lại xa xôi, con cái còn quá nhỏ. Mỗi lần về quê ăn tết thì tốn kém rất nhiều với những gia đình giáo viên.

"Chồng em cũng là giáo viên dạy cùng huyện Phong Thổ, là người cùng quê. Lấy nhau xong cũng mua mảnh đất, rồi xây nhà nên nợ nần cũng lớn, con thì quá nhỏ nên để có khoản dư dả về quê ăn tết thì hơi khó. Mấy năm vừa rồi bọn em đành phải ở lại, chứ thực lòng ngày tết sum vầy cũng muốn gần gũi người thân lắm" - cô Lập nói.

Thầy hiệu trưởng Phạm Văn Phán cho biết Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Huổi Luông số 1 có 46 giáo viên, nhân viên thì chỉ có 2 giáo viên, 2 bảo vệ là người địa phương, còn lại 42 giáo viên đều là người dưới xuôi, nhưng mỗi dịp tết vẫn có gần 10 thầy cô vì lý do này, lý do khác không thể về quê vui tết cùng gia đình.

"Trường ngay cạnh biên giới, chỉ bước vài bước là qua đất Trung Quốc. Những ngày ở lại tết thì buồn lắm anh ạ. Bên đất bạn loa đài ầm ĩ, pháo đốt đì đùng, còn bên mình thì ngược lại.

Nhà dân thì thưa thớt, ở xa nhau và còn phong tục nọ kia nên không phải mùng 1, mùng 2 tết mình muốn đến nhà nào thì đến, thành ra cả chục ngày ở lại trường dịp tết là "cực hình" với mình, cứ trùm chăn ngủ trong phòng.

Nhưng hoàn cảnh thì đành chấp nhận và rồi cũng quen như việc giáo viên không thưởng tết" - thầy giáo trẻ Trần Văn Pha, Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Huổi Luông số 1, tâm sự.

Giáo viên làm dân vận

Giáo viên nhà ở bản nào thì có trách nhiệm phải làm dân vận, đến các hộ dân chúc tết rồi tuyên truyền, nhắc nhở để sau tết phụ huynh cho trẻ đến trường đúng ngày. Từ nhiều năm nay, dù thưởng tết không có nhưng nhà trường vẫn tổ chức một bữa cơm tất niên mời lãnh đạo xã, bản, những hộ dân hiến đất cho trường đến liên hoan. Ngày tết, thấy giáo viên vẫn ở lại trường, người dân cũng quý mến đem tặng từ con gà đến cân thịt lợn...

Thầy Nguyễn Đức Long (hiệu trưởng Trường tiểu học Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên)

Thưởng Tết Nguyên đán cho giáo viên vùng cao là... tờ lịch Tết

TTO - Trưởng Phòng GD-ĐT huyện vùng cao, biên giới Mường Lát, Thanh Hóa, cho biết tại huyện có trường khó khăn chỉ có thưởng Tết Nguyên đán này cho cán bộ, giáo viên là một tờ lịch Tết.

ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên