Nhưng dung mạo này các con sông từng có, giờ chúng tựa như được mở van ký ức để khiến ta có thể rưng rưng khóc. Ta giật mình, hay là ta chỉ nhớ đến sông khi sông "trở mặt"?
Quê hương ai cũng có một dòng sông bên nhà...
Tôi tự ngẫm ra mình hiếm khi đi đò ngang hay xuôi dòng nhưng lại có sự liên hệ với những con sông. "Quê hương ai cũng có một dòng sông bên nhà..." (Hoàng Hiệp).
Với tôi, quê nội ngã ba sông Lô và Phó Đáy, quê ngoại bên sông Nhuệ, sinh ra ở Bệnh viện 108 ngay cạnh đê Trần Khánh Dư bên sông Hồng, thời đi học băng qua cây cầu bắc qua sông Sét.
Còn con đường đi làm hằng ngày thường qua sông Kim Ngưu, tháng nào cũng băng qua sông Hồng đôi lần và đi về quê cũng phải đi qua sông Tô Lịch.
Đúng nghĩa sống trong sông, nếu như không cần nhắc lại cái tên nơi mình sống - Hà Nội - "ở trong sông".
Cả mấy con sông ấy đều "lên sóng" kỳ này trong cơn bão số 3. Sông Hồng cuồn cuộn chảy, hung dữ quét qua Lào Cai, Yên Bái rồi từng giờ làm Hà Nội phập phồng.
Không còn ký ức mơ màng của "Hồng Hà mênh mông trôi cát tới chân làng quê" hay "gối đầu trên Lào Cai, Việt Trì, em nằm tóc xòa bãi cát dài, thả hồn mơ tới Thái Bình qua Sơn Tây" trong những trường ca thời trước.
Mỗi ngày bao người thở dài nhìn mực nước sông Hồng nhích lên trong màn mưa mịt mờ.
Ký ức như dòng nước lũ lôi tôi trở về những trận lụt thời thơ ấu, nước ngập vào thềm nhà tôi - một khu dân cư giáp sông Sét, nhánh sông cổ của những vùng nước bao quanh phía nam thành Đại La và Thăng Long xưa.
Tôi nhớ... Nhớ mẹ tôi quần xắn quá đầu gối đội nón đi làm, khi về vẫn đi chợ, xách con cá trắm vui vẻ vì giá rẻ, kho được nồi cá cả nhà ăn trong mấy ngày. Nhớ bố tôi cặm cụi che chắn những chỗ dột của ngôi nhà mái lợp giấy dầu.
Người khách qua nhà
Tôi nhớ xa hơn, nhờ vào ký ức văn chương của những áng văn xuôi. Các truyện hay của Việt Nam cũng nhiều truyện liên quan vấn đề sông, lũ lụt, đặc biệt thời Pháp thuộc: Sống chết mặc bay (truyện ngắn của Phạm Duy Tốn, 1918), Vỡ đê (tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, 1936), Làm no hay cái ăn trong ngày nước ngập (ký sự của Ngô Tất Tố).
Hay như Tô Hoài đã kể truyện ngắn đầu tay của ông có tên Nước lên đăng báo Hà Nội Tân Văn (1940) kể về thảm cảnh dân vùng ven Hà Nội ở mạn đê Tứ Tổng (nay là Tứ Liên, đã thuộc nội thành).
Ngô Tất Tố viết chuyện người ta phải ăn đất sét khi bị lụt: "...Người ta bảo chết thì ăn đất, nhưng chính nhà cháu sống về đất đấy ông ạ! Món này là một thứ cơm nắm của nhà cháu, làm công trình hơn một tí... mỗi lượt đất lại một lượt cá tép, rồi cho vài duộc tương.
Bắc lên đun thì tra thêm tí nước cho khỏi khê, cứ nhỏ lửa đun mãi cho tương cạn cá chín, những cái béo của tương của cá ngấm vào đất sét đỏ như miếng hồng tầu thế là được". Ăn đất sét kho cá tép, nghĩa là thứ cá dạng bé lít nhít hay tép đồng mà tả như món thời trân!
Rồi món bánh đa nướng làm bằng đất sét cũng thành thứ "bác tách ra một miếng bỏ vào miệng, nhai giòn khau kháu, lũ con bác cũng xô nhau bẻ lấy mà ăn một cách ngon lành".
Những cơn nước lụt này đã thành nỗi ám ảnh khi tôi nhớ về văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1930-1945, để đến giờ đi qua những con đê quanh các làng xóm vẫn thấy nỗi niềm người xưa trùm lên đó.
Sau này tiểu thuyết Thời xa vắng (Lê Lựu) hay các truyện ngắn Con gái thủy thần, Chảy đi sông ơi (Nguyễn Huy Thiệp) cũng rất ám ảnh nước lụt.
Một vài mảnh truyện mà tôi còn nhớ, hình như của Xuân Quỳnh kể về một đứa bé ở một làng bên sông hay nhìn thấy một chú lái tàu vẫn giơ tay vẫy chào khi đi qua. Đứa bé nhìn con tàu mà mộng mơ về những vùng đất trên rừng hay dưới bể. Hồi bé, đọc xong cứ ngẩn ngơ.
Tôi đã đi qua nhiều con sông trong đời, nhưng hình như vẫn không phải là người sống gắn bó với sông. Sông vẫn như một người khách đi qua nhà, những đợt nước vẫn chỉ như những bàn tay vẫy chào.
Mùa lũ đến, sông cuồn cuộn chảy ngoài kia, sực nghĩ có bao nhiêu ngày sống với bao điều ảnh hưởng đến mình mà mình cũng dễ quên?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận