Nhiều chiếc đò khách đường sông từng được dân tổ chức vượt biên hỏi mua - Ảnh tư liệu
Trong tầm ngắm của người tổ chức vượt biên
Những lúc trà dư tửu hậu, ông Võ Thanh Phong (sinh năm 1970, hậu duệ đời thứ 3 của Hãng đò khách Vĩnh Thuận ở ấp An Ninh, xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, Tiền Giang) hay nhắc lại những kỷ niệm vui buồn trong gần 20 năm chạy đò.
Ông Phong là cháu nội đích tôn của chủ hãng đò, là người chứng kiến những năm tháng cuối cùng của con đò Vĩnh Thuận lừng danh, nên lưu giữ được nhiều kỷ vật và những câu chuyện bí mật của hãng đò.
"Mấy chục năm theo nghề đò khách, gia đình tui có nhiều kỷ niệm. Nhưng chuyện tui nhớ nhất là việc cả nhà suýt trở thành thuyền nhân vượt biển bằng chính con đò của gia đình", ông Phong nói.
Ông Phong kể, hồi những năm cuối thập niên 1970, đầu thập niên 1980 ông vẫn còn nhỏ. Có nhiều đêm ông Phong nhìn thấy những người lạ mặt đến nhà, thì thầm bàn bạc chuyện gì đó với ông nội, cha và các cô của ông.
Mãi nhiều năm sau, cha ông Phong là ông Võ Văn Tứ (sinh năm 1937, nay đã quá vãng) mới kể cho ông nghe những người ban đêm tìm đến nhà lúc trước để đề nghị mua đứt mấy chiếc đò Vĩnh Thuận cho họ tổ chức đi vượt biên.
Ông Phong nhớ lại: "Hồi đó tui nghe cha tui nói những người hỏi mua đò để đi vượt biên đều có hiệu buôn lớn ở chợ thị trấn Cái Bè. Họ chọn đò Vĩnh Thuận vì lúc đó những chiếc đò gia đình tui có trọng tải lớn nhất vùng, trong khi ông nội, cha tui và cô Bảy (bà Võ Thị Châu, con gái út của chủ đò Vĩnh Thuận) đều có bằng lái tàu".
Mỗi chiếc đò được những người dự định vượt biên ra giá 50 cây vàng để mua đứt, trong khi đóng mới chiếc đò Vĩnh Thuận chỉ tốn 20 cây vàng. Những người dự định vượt biên nói dầu nhớt, lương thực, nước uống đều do họ chuẩn bị.
Họ chỉ yêu cầu duy nhất một điều: những người trong gia đình của ông nội ông Phong phải trực tiếp điều khiển đò suốt hành trình. Kèm theo đó, bắt buộc tất cả thành viên lớn nhỏ trong gia đình chủ đò đều phải xuống đò đi theo những người vượt biên để không bị nhà chức trách phát giác, truy bắt trở lại.
Sau này ông Phong được biết thời điểm đó những người lớn tuổi trong gia đình ông bàn bạc nhiều lần, cân nhắc mọi điều lợi hại. Cuối cùng, họ quyết định không bán đò cho người vượt biên.
"Tui nghe kể có nhiều lý do khiến người lớn trong nhà không chịu bán đò cho đi vượt biên. Thứ nhất, ông nội tui không muốn rời bỏ quê nhà. Thứ hai, ông tui cho rằng đò Vĩnh Thuận chạy sông nhìn to lớn dềnh dàng, nhưng ra biển thì chỉ như chiếc lá tre, trong khi sóng gió biển khơi rất khó lường.
Xác định chuyến đi lành ít dữ nhiều nên gia đình tui cương quyết không bán đò, dù sau đó những người muốn vượt biên nhiều lần nài nỉ. Cho đến giờ nhắc lại chuyện này, cả gia đình tui chẳng ai luyến tiếc", ông Phong kể.
Đò khách một thời từng được tận dụng chở hàng hóa - Ảnh: H.ANH
Đối mặt tình huống hiểm nghèo
Gần 20 năm chạy đò khách trên khắp các tuyến thủy lộ sông Tiền, kỷ niệm ông Phong nhớ nhất là những lúc tính mạng cận kề nguy hiểm.
Ông Phong kể: "Từ năm 1999 đến sau năm 2000, đò Vĩnh Thuận mở thêm tuyến Cái Bè - Chợ Vàm (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang), Cái Bè - Tân Châu (An Giang). Thời điểm đó tuyến đường này nhiều khách đi đò và hàng hóa, nhưng cũng nhiều bất trắc vì nạn buôn lậu".
Lúc đó, đò từ Cái Bè đi lên Tân Châu chở hàng hóa chủ yếu là trái cây các loại, còn khi quay về thì chở theo đủ thứ sản vật của vùng giáp biên giới. Những năm đó, nạn buôn lậu hoành hành ở biên giới Tây Nam.
Chợ thị trấn Tân Châu (nay là thị xã Tân Châu) cách cửa khẩu Vĩnh Xương không xa, thuận tiện cả đường bộ lẫn đường sông, nên trở thành trung tâm mua bán hàng hóa buôn lậu. Hàng buôn lậu lúc đó rất đa dạng: đường cát, thuốc lá, đồ điện tử, điện thoại di động, thuốc tây...
Trên tuyến sông Tiền từ Tân Châu về đến Cái Bè có nhiều trạm kiểm soát liên ngành kiểm tra ghe tàu, bắt giữ hàng hóa buôn lậu.
Do có nhiều trạm nên dân buôn lậu cũng có những chiêu thức giấu hàng rất tinh vi, như cho vào bao, giỏ đựng nông sản, thuốc lá buộc vào thân thể, thuốc tây thì quấn quanh trẻ sơ sinh rồi bọc lại bằng lớp khăn lông dày, ẵm đứa bé khư khư trên tay.
Dân buôn lậu còn dúi tiền cho bạch lô (người làm lơ đò) để anh này tìm cách giấu giếm hàng buôn lậu trong mọi ngóc ngách con đò.
Ông Phong kể đò Vĩnh Thuận cũng nhiều lần bị các chốt kiểm soát chặn lại để kiểm tra. Họ chỉ thu giữ hàng hóa buôn lậu, còn tài công, chủ đò thì vô can vì không thể phát hiện hàng hóa buôn lậu để ngăn chặn không cho xuống đò.
"Nhưng có lần vào năm 2001, tui thực sự bị dân buôn lậu đe dọa tính mạng, buộc phải làm theo yêu cầu của họ. Sau đó tui phải giải trình, thanh minh tới lui với nhà chức trách mới không bị buộc tội chống người thi hành công vụ", ông Phong cho biết.
Lần đó, ông Phong điều khiển đò từ Tân Châu về Cái Bè. Vừa qua khỏi địa phận huyện Chợ Mới (An Giang) thì trạm kiểm soát ra hiệu dừng đò để kiểm tra.
Ông Phong vừa định giảm ga cho đò tấp vào bờ thì một người đàn ông đến ngồi bên cạnh, gí mũi dao Thái Lan nhọn hoắc vào bụng ông Phong và ra lệnh: "Không được ghé vào, chạy hết tốc lực, nếu không tao đâm lủng bụng".
Hóa ra, người đàn ông cầm dao đe dọa là chủ một lô hàng buôn lậu có giá trị, nên uy hiếp tài công vượt trạm để giải cứu hàng. Trước tình thế đó, ông Phong buộc phải tăng hết tốc lực để chạy.
Ngay lập tức, mấy nhân viên trạm kiểm soát nhảy xuống chiếc vỏ lãi nhỏ gắn máy BS 9 đuổi theo đò Vĩnh Thuận. Nhưng đò Vĩnh Thuận gắn máy xe tải loại lớn nên chạy khá nhanh, tạo ra những lượn sóng rất lớn, làm chiếc vỏ lãi của trạm kiểm soát không thể nào chạy lại gần đò được.
Nhân viên trạm kiểm soát phải nổ súng bắn chỉ thiên buộc đò ghé vào. Nghe súng nổ ông Phong hoảng hồn, nhưng mũi dao nhọn hoắc đang chĩa vào bụng cùng vẻ mặt dữ tợn của người đàn ông khiến ông sợ hơn. Ông Phong đành tăng ga đò chạy hết tốc lực, bỏ xa chiếc xuồng của trạm kiểm soát, mặc cho họ bắn thỉ thiên rầm rầm.
"Sau vụ đó, hình như các trạm kiểm soát thông báo cho nhau chuyện đò Vĩnh Thuận vượt trạm. Lúc tui chạy đò quay lên Tân Châu, tới trạm kiểm soát thì bị nhân viên trạm giữ lại, công an truy hỏi đủ điều. Tui phải giải thích rõ lý do vượt trạm là bất khả kháng, nên họ thông cảm cho qua", ông Phong nhớ lại.
Theo ông Phong, lực lượng chống buôn lậu tìm ra giải pháp đối phó dân buôn lậu đi đò rất hữu hiệu. Trước khi đò xuất bến, các trinh sát đóng giả hành khách đã xuống đò ngồi sẵn.
Lúc phát hiện ông Phong bị dân buôn lậu uy hiếp buộc chạy hết tốc lực để vượt trạm kiểm soát, một anh trinh sát nhẹ nhàng lấy chiếc kéo thủ sẵn trong người cắt đứt dây ga, những người còn lại thì khống chế dân buôn lậu.
"Hồi đó, sợi dây nối từ cần ga máy tàu phía sau đến chỗ tay ga của người tài công phía trước làm bằng sợi cước nilông loại lớn như chiếc đũa ăn cơm. Sợi dây này bình thường rất chắc chắn, nhưng bị chiếc kéo bén ngót cắt đứt ngọt, đò hết chạy. Cũng từ đó dân buôn lậu ít đi đò, tui cũng không còn bị họ kề dao hăm dọa đâm lòi ruột", ông Phong cười khà khà, kể.
"Tính từ khi ông nội của tui mở ra Hãng đò Vĩnh Thuận, đến nay gia đình đã có 4 đời theo nghề đò khách. Suốt mấy chục năm qua, cả đại gia đình đều sống về nghề đò khách, những chiếc đò là phương tiện nuôi sống mọi người, nên không bỏ được", ông Phong trải lòng.
************
Nghe tiếng máy từ xa vẳng lại càng lúc càng lớn dần, những người già trẻ, lớn bé đang đợi đò nhốn nháo, vui vẻ hẳn lên: "Đò đến rồi, đò đến rồi".
>> Kỳ tới: Đợi đò bên bến sông
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận