“Biếm họa là một bộ môn của nghệ thuật tạo hình tạo ra cái cười. So sánh với một cô gái gọi là đẹp phải hội tụ 3 điều: Có dáng vẻ ngoại hình đẹp cân đối, cộng với sự thông minh trong tâm hồn, cộng với cách ứng xử lôi cuốn làm vừa lòng mọi người. Một bức biếm họa cũng tương tự như thế, phải bao gồm 3 yếu tố, đó là: Yếu tố mỹ thuật, yếu tố tư tưởng và yếu tố gây cười.
Trong 3 yếu tố vừa kể, yếu tố mỹ thuật rất quan trọng tạo nên cá tính của tác giả. Người vẽ tranh biếm đương nhiên được gọi là họa sĩ kèm theo chữ biếm và người họa sĩ biếm nổi tiếng thường có nét vẽ riêng độc đáo. Chỉ cần liếc mắt nhìn thoáng nét vẽ của một tranh biếm, ta có thể nhận ra ngay đó là họa sĩ biếm mà ta ái mộ bấy lâu nay…”
Trên đây là trích dẫn của bài viết của tôi “Thế nào là bức biếm họa hoàn hảo?”. Bài viết bằng tiếng Anh và được dịch ra tiếng Thổ Nhĩ Kỳ đã được đăng trong cuốn vựng tập của Liên hoan Tranh biếm Quốc tế Ankara năm 2004 tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi trích dẫn đoạn của bài viết để thương nhớ đến anh họa sĩ Nguyễn Tài.
Hôm 5-2, nhờ Facebook, tôi biết được anh HS Nguyễn Tài, một cây đại thụ trong làng Biếm Họa Việt Nam đã vĩnh viễn ra đi sau khi phát hiện ung thư di căn phổi. Phải nhờ mạng xã hội mới biết tin anh qua đời vì gia đình họa sĩ đàn anh của tôi đã định cư tại Mỹ, California từ gần 10 năm qua.
HS Nguyễn Tài là tác giả của các nhân vật Linda Kiều, Hai Cù Nèo... rất quen thuộc với những ai từng đọc báo Tuổi Trẻ Cười (TTC). Với nét vẽ tài hoa, trong sáng, dí dỏm, anh cũng đã tham gia rất nhiều báo, tạp chí ở miền Nam Việt Nam.
Nhờ vẽ biếm họa, mà tôi quen thân với anh HS Nguyễn Tài, nhất là trong khoảng thời gian từ ngày báo Tuổi Trẻ Cười được thành lập cho đến ngày anh định cư ở Hoa Kỳ. Thời gian gần đây chỉ thưởng ngoạn tranh vẽ của anh trên TTC.
Trích dẫn từ bài viết của tôi “Thế nào là bức biếm họa hoàn hảo?” ở trên sở dĩ thành văn được là nhờ những mẫu chuyện tôi trao đổi giữa tôi với anh khi gặp gỡ, chuyện trò. Là người được đào tạo bài bản về hội họa, anh đã giúp tôi hiểu biết được biếm họa là một bộ môn của mỹ thuật, và nó được hình thành từ 3 yếu tố, đó là: yếu tố mỹ thuật, yếu tố tư tưởng và yếu tố gây cười.
Riêng yếu tố gây cười, anh giúp tôi hiểu nó được xem như lý do tồn tại của biếm họa. Con người không thể cười khi đứng trước những sự việc bình thường.
Cái cười chỉ phát sinh khi con người đứng trước những mâu thuẫn gây cười, tức những mâu thuẫn có tính cách nghịch lý, bất bình thường nằm trong cuộc sống. Anh đã nhận xét biếm họa của tôi: “Nhân vật của Đức có nét đặc biệt là cặp mắt mở to, thấy cũng mắc cười lắm. Giữ nét vẽ đó nhe!” thế là tôi đã nghe lời anh, vẽ nhân vật có mắt to từ trước đến nay.
Anh Nguyễn Tài ơi, đau buồn thương nhớ Anh! Nhớ bao nhiêu kỷ niệm về Anh khi nói đến biếm họa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận