Bộ Thương mại Mỹ ngày 15-3 đã quyết định lựa chọn Bangladesh là quốc gia thay thế làm giá trị để tính toán biên độ phá giá đối với cá tra của Việt Nam trong quyết định cuối cùng lần này, vì vậy, mức thuế đối với các sản phẩm cá tra của Việt Nam đều thấp hơn mức thuế sơ bộ.
Mức thuế chống bán phá giá được Bộ Thương mại Mỹ quyết định là 0 USD/kg đối với sản phẩm của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, Công ty Thủy sản Vinh Quang và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang (CL-Fish).
Trong kết luận sơ bộ trước đây, Vĩnh Hoàn và Vinh Quang đã có mức thuế sơ bộ lần lượt là 4,22 USD/kg và 2,44 USD/kg, còn CL-Fish là nhà xuất khẩu mới. Trong khi đó, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (Agifish), Công ty trách nhiệm hữu hạn Thủy sản Đông Đông Hải (ESS LLC) và Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghiệp Thủy sản Miền Nam (South Vina) chịu mức thuế 0,02 USD/kg, thấp hơn 4,2 USD/kg so với mức thuế sơ bộ trước đây.
Các doanh nghiệp trên sẽ được Hải quan Mỹ hoàn lại toàn bộ số tiền nộp thuế chống bán phá giá cho các lô hàng fillet cá tra đông lạnh nhập cảnh vào Mỹ trong giai đoạn từ ngày 1-8-2008 đến 31-7-2009. Đây là các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đã theo đuổi vụ kiện chống bán phá giá (nằm trong danh sách bị đơn bắt buộc và tự nguyện) cung cấp đầy đủ hồ sơ để chứng minh việc không bán phá giá.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp không theo đuổi vụ kiện (nằm trong danh sách bị đơn bắt buộc và tự nguyện) sẽ vẫn chịu mức thuế suất toàn quốc là 2,11 USD/kg, không thay đổi so với đợt rà soát hành chính lần thứ 5.
Theo ông Đào Trần Nhân, tham tán thương mại Việt Nam tại Mỹ, kết quả nói trên là một thắng lợi lớn đối với ngành xuất khẩu cá tra của Việt Nam nói riêng và của toàn ngành thủy sản của Việt Nam nói chung.
Năm 2010, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ 64.000 tấn cá tra, đạt doanh thu 130 triệu USD. Ngành cá tra của Việt Nam đã tạo việc làm cho khoảng 1 triệu người tại Việt Nam và khoảng 30.000 người tại Mỹ.
Cũng trong ngày 15-3, sáu thượng nghị sĩ Mỹ đã viết thư vận động các thượng nghị sĩ khác đồng bảo trợ dự luật S.496, theo đó, yêu cầu hủy bỏ điều khoản hạn chế việc nhập khẩu cá tra của Việt Nam trong Dự luật nông nghiệp 2008.
Các thượng nghị sĩ này nêu rõ không có lý do nào liên quan tới sự an toàn để ngăn cản việc nhập khẩu (cá của Việt Nam) cũng như không có lợi ích kinh tế nào để Mỹ phải đưa ra điều khoản cản trở việc nhập khẩu cá từ Việt Nam bởi dường như nó đang chống lại hệ thống ngoại thương của Mỹ.
Thư của các thượng nghị sĩ Mỹ viết rằng Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đang trong quá trình triển khai Dự luật Nông nghiệp 2008, trong đó có điều khoản quy định phải định nghĩa cá da trơn (catfish) và có thể cá tra của Việt Nam sẽ được đưa vào danh sách cá da trơn mới để chuyển quyền quản lý đối tượng này từ Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) sang Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Theo sáu nghị sĩ trên, nếu điều khoản này được ban hành, nó sẽ dẫn tới việc hạn chế nhập khẩu cá da trơn trong giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và về lâu dài sẽ phát sinh các chi phí mới không cần thiết đối với cá da trơn nhập khẩu.
Cũng theo các thượng nghị sĩ Mỹ, nếu định nghĩa về cá da trơn của Bộ Nông nghiệp nước này bao gồm cả cá tra (pangasius) của Việt Nam thì sẽ tạo ra lợi thế thị trường cho một vài nhà sản xuất cá da trơn của Mỹ từ chính phí tổn của các nhà nhập khẩu Mỹ.
Sáu thượng nghị sĩ kêu gọi các thượng nghị sĩ khác thông qua dự luật S.496, vì nếu thực hiện điều khoản quy định việc chuyển đổi quản lý cá từ FDA sang Bộ Nông nghiệp Mỹ hoặc việc quản lý do cả hai cơ quan cùng chịu trách nhiệm sẽ tạo ra hậu quả thương mại và thị trường tiêu cực, có thể dẫn tới việc các đối tác thương mại của Mỹ sẽ sử dụng chiêu này đối với sản phẩm của Mỹ nhằm tăng chi phí của người tiêu dùng cũng như người đóng thuế tại Mỹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận