09/12/2016 09:21 GMT+7

Thượng nghị sĩ Mỹ đòi trừng phạt Trung Quốc

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio vừa trình đạo luật trừng phạt Trung Quốc vì các hành động phi pháp gây mất ổn định của Bắc Kinh tại hai điểm nóng Biển Đông và Hoa Đông. 

Thượng nghị sĩ Marco Rubio - Ảnh: Reuters
Thượng nghị sĩ Marco Rubio - Ảnh: Reuters

Giới quan sát đặt câu hỏi liệu đây có là một đề xuất nghiêm túc?

“Đạo luật trừng phạt Biển Đông và Hoa Đông năm 2016” gồm các biện pháp như đóng băng tài sản, cấm du lịch và hạn chế thị thực của các cá nhân và tổ chức Trung Quốc nào “tham gia các hoạt động trái phép của Bắc Kinh trên Biển Đông và Hoa Đông”, theo trang thông báo của văn phòng nghị sĩ Rubio.

Nói rộng ra, đạo luật nhắm vào hầu như mọi đối tượng từ lực lượng cảnh sát biển, hải quân cho đến các công ty xây dựng hay đội quân ngư dân hùng hậu của Trung Quốc. Đạo luật được ông Rubio, cựu ứng viên tổng thống Mỹ, trình lên Ủy ban đối ngoại thượng viện hôm 6-12.

Vì “an ninh của các đồng minh”

“Các động thái hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông là bất hợp pháp và đe dọa an ninh của khu vực cũng như thương mại của Mỹ - ông Rubio nhấn mạnh - An ninh của các đồng minh của chúng ta ở khu vực và đời sống kinh tế của chúng ta không thể bị đe dọa bởi sự vi phạm trắng trợn và tiếp diễn của Bắc Kinh đối với các nguyên tắc quốc tế trong tham vọng bá quyền ở Biển Đông và Hoa Đông”.

Thượng nghị sĩ Mỹ khẳng định các biện pháp trừng phạt trong đạo luật mới sẽ buộc những kẻ vi phạm luật pháp quốc tế phải chịu trách nhiệm và răn đe những kẻ khác.

“Theo luật pháp quốc tế, Trung Quốc không được phép can thiệp theo bất cứ hình thức nào đối với việc tự do sử dụng biển và không phận ở Biển Đông và Hoa Đông của các tàu và máy bay quân sự, dân sự của tất cả các nước” - ông Rubio nói.

Đạo luật của ông Rubio vạch rõ những “lằn ranh đỏ” cho Trung Quốc.

Ngoài việc trừng phạt các cá nhân và tổ chức liên quan đến những hoạt động xây dựng phi pháp của Trung Quốc trên hai vùng biển chiến lược của Thái Bình Dương, đạo luật sẽ siết chặt trừng phạt trong những trường hợp cụ thể như Bắc Kinh tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông hoặc đẩy mạnh việc cải tạo đất, chẳng hạn tại Scarborough.

Đạo luật cũng cấm những xuất bản, tài liệu cho rằng Biển Đông và Hoa Đông là của Trung Quốc, cấm đầu tư vào hai khu vực này và cấm thừa nhận Biển Đông và Hoa Đông của Trung Quốc, thậm chí hạn chế viện trợ nước ngoài cho những quốc gia thừa nhận chủ quyền của Bắc Kinh tại hai vùng biển này.

Về phía Mỹ, đạo luật kêu gọi Washington phản ứng cứng rắn hơn với những tham vọng của Trung Quốc, chẳng hạn tiếp tục và mở rộng các chiến dịch tuần tra tự do đi lại để thách thức các tuyên bố chủ quyền vô lý của Bắc Kinh và buộc nước này phải trả giá tương xứng cho các hành động khiêu khích gây bất ổn trong khu vực.

Cứng rắn hơn với Trung Quốc

Đạo luật gây nhiều tranh luận trong giới phân tích. Nhiều ý kiến hoan nghênh đạo luật, như chuyên gia Bonnie Glaser của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế nhận định nó gửi một thông điệp đến Trung Quốc rằng Mỹ có nhiều công cụ để đối phó với các chính sách của Bắc Kinh.

Theo bà Glaser, dù chưa rõ có thành công hay không, đạo luật cũng sẽ là gợi ý cho chính quyền tương lai của Washington trong việc giành lại ưu thế ở khu vực và lấy lại sự tín nhiệm của Mỹ.

Tuy nhiên, một số khác như chuyên gia Zheng Wang của Tổ chức New America cảnh báo đạo luật có thể gây tác dụng ngược và ảnh hưởng đến quan hệ với Trung Quốc cũng như an ninh quốc gia của Mỹ.

Tờ Diplomat cho rằng các tín hiệu cho thấy chính quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ theo đuổi các chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc, rõ ràng là đạo luật của ông Rubio sẽ có cơ hội được thông qua.

Nhận định của Diplomat không phải là vô lý trong bối cảnh ông Trump vừa chọn nghị sĩ Mike Pompeo, người vừa trình đạo luật hồi tháng 7-2016 đòi Trung Quốc ngừng quân sự hóa, cải tạo trên Biển Đông và gây hấn trên Hoa Đông, làm lãnh đạo Cơ quan Tình báo trung ương (CIA).

Chưa kể, đạo luật của ông Rubio cũng được đưa ra ngay sau khi ông Trump, người nhiều lần chỉ trích Trung Quốc trên các mạng xã hội, điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan khiến Bắc Kinh nổi điên.

Trước đó, chính quyền Tổng thống Barack Obama dù nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do đi lại trên Biển Đông bằng các chuyến tuần tra và hợp tác an ninh với các nước trong khu vực, nhưng chưa từng nghiêm túc cân nhắc về một đạo luật trừng phạt các hành vi của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp.

Chuyển biến lớn

Theo Diplomat, đạo luật này nếu được thông qua sẽ cho thấy một sự chuyển biến lớn trong chính sách của Mỹ đối với tranh chấp tại Biển Đông và Hoa Đông.

Nó sẽ buộc tổng thống Mỹ thi hành các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân, tổ chức Trung Quốc dính líu đến các hoạt động phi pháp của Bắc Kinh và cả các bên thứ ba hỗ trợ tài chính.

Mỹ cũng sẽ không còn giữ quan điểm không theo phe nào trong tranh chấp khi trừng phạt những nước ủng hộ Bắc Kinh.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên