Nỗi lòng
Bố mẹ thuê nhà xa cho đỡ tiền nhà nên Ngọc Liên ngày nào cũng tá túc ở nhà bà ngoại ban ngày để chiều đi học tiếp - Ảnh: VŨ THỦY
"Nhà nó có tới 5 anh chị em mà đứa nào cũng đều ham học, học được. Anh trai đang học năm 3 đại học, chị gái học năm 2, em trai kế học lớp 9, em trai út học lớp 8. Nó cũng đang học lớp 11, năm nay vào lớp 12 rồi. Đầu năm học nào cũng phải ngược xuôi mượn người này người kia để lo học phí cho một lúc 5 đứa", bà ngoại của cô học trò Tất Thang Ngọc Liên (học sinh lớp 11, trường THPT Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận) kể về hoàn cảnh của gia đình cô cháu gái.
Căn nhà cấp 4 vỏn vẹn gần 20 mét vuông của bà vừa là chỗ cho một cô con gái bán hàng ăn, vừa là nơi đám cháu đi học về ăn uống nghỉ trưa. "Tối cả nhà lại kéo nhau về nhà trọ. Vợ chồng tôi thuê nhà cách đây 5-6 cây số để có chỗ cho 7 người ở. Thuê xa để vừa đỡ tiền nhà lại vừa để buôn bán lạc xoong gần đó", chị Giàu, mẹ bé Liên kể.
Công việc của hai vợ chồng chị là đi khắp các ngõ hẻm mua lại đồ dùng cũ, rồi đem ra lề đường bán lại kiếm tiền lời. Cái nghề chẳng kiếm được mấy đồng lời nhưng cả chục năm nay anh chị vẫn phải bám trụ để gánh gồng nuôi 5 đứa con ăn học. Cứ đến kỳ đóng tiền trường là ngược xuôi, vay khắp cô, dì, chú, bác rồi cả năm trả nợ lần lần. Năm đứa con, đứa thì "áo dài ủi cháy cũng phải mặc hết ba năm học", tiền bảo hiểm cũng phải xin nhà trường cắt đi, đi học bằng xe buýt, xe đạp nhưng đều học khá giỏi, nối nhau học lên.
"Thằng lớn với đứa con gái kế đều phải vừa học vừa làm để phụ mẹ, đứa thì phục vụ đám cưới, đứa thì bưng bê ở nhà hàng. Thằng lớn cũng bảo hay để nó nghỉ học đi làm cho các em đi học nhưng ai nỡ. Nó học giỏi lắm. Con chịu học thì phải ráng, đâu cho đứa nào bỏ học được", chị Giàu nói.
Con học giỏi là mừng rồi
Chỉ có gánh chè bán buôn mỗi sáng và đồng lương bữa đực bữa cái từ nghề sửa điện tự do của chồng, hai vợ chồng chị Trần Nguyễn Sơn Ca (ngụ phường 3, quận Phú Nhuận, TP.HCM) cũng đang ráng gồng gánh nuôi hai đứa con ăn học. Con gái đầu đã học lớp 11, còn cậu con trai sắp tới lên lớp 8.
"2-3h sáng là tôi dậy nấu chè để bán sáng rồi. Cực vậy nhưng tháng nào bán dữ lắm thì được khoảng 6 triệu", chị Sơn Ca kể.
Lấy nhau về, hai vợ chồng chị chuyển xuống Củ Chi để thuê mướn nhà cho rẻ và tiện buôn bán. Nhưng con lớn, để con đi học xa mỗi ngày bằng xe buýt vất vả quá, cả nhà lại dắt díu về ở nhờ căn nhà của bố mẹ chị. Căn nhà bé tẹo chừng 9-10 mét vuông với cái gác nhỏ những ngày nóng bức, nức nội là nơi ở của 6 người.
"Hai đứa ham học lắm, năm nào cũng là học sinh giỏi nên hai vợ chồng phải cố gắng nuôi nó học đến nơi đến chốn để con có cơ hội thay đổi cuộc đời", chị Sơn Ca bộc bạch.
Như hiểu được khó nhọc của mẹ, Nguyễn Phước Hoàng Quân (lớp 7, trường THCS Trần Huy Liệu (quận Phú Nhuận) và chị gái đều rất tự giác. Suốt mấy tháng nghỉ hè, sáng hai em phụ mẹ bán chè, chiều 4h là ra quán cơm trước ngõ phụ bưng bê, rửa chén tới 10h tối. "Mỗi buổi vậy được 50.000 đồng. Con với chị cùng làm để đầu năm có tiền mua sách vở", Quân bảo.
100 suất học bổng Đèn đom đóm
Từ ngày 10-6 đến 30-8, Tuổi Trẻ Online giới thiệu 100 gương học sinh vượt khó vươn lên trong học tập. Mỗi tấm gương hiếu học sẽ nhận một suất học bổng Đèn đom đóm trị giá 3 triệu đồng. Chương trình do Công ty FrieslandCampina Việt Nam phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức.
Theo ông Trần Quốc Huân - phó tổng giám đốc Công ty FrieslandCampina Việt Nam, quỹ khuyến học Đèn đom đóm ra đời từ năm 2002 với sứ mệnh thắp lên ước mơ đến trường cho hàng ngàn trẻ em Việt Nam.
Đến nay, chương trình đã trao tặng 25.500 suất học bổng và xây mới, sửa chữa 21 trường học từ Nam ra Bắc. Quỹ Đèn đom đóm muốn lan tỏa tinh thần hiếu học, đem đến động lực học tập và niềm tin vào cuộc sống cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận