Tổng thống Iran Hassan Rouhani phát biểu tại LHQ ngày 24-9 - Ảnh: AFP
Theo Hãng tin Bloomberg, các nhà lãnh đạo từ châu Mỹ Latin, châu Phi và châu Á bày tỏ lo lắng khi Washington lẫn Bắc Kinh áp thuế lên nhau và trong thực tế chưa có dấu hiệu cho thấy bên nào chịu xuống nước, ít nhất tới khi Mỹ kết thúc cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11.
Phải dựa trên luật pháp
Phát biểu tại Hội đồng quan hệ đối ngoại ngày 24-9, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa nói: "Việc gia tăng chủ nghĩa bảo hộ thương mại đe dọa hệ thống thương mại đa phương đã được thảo luận tại Marrakesh năm 1994 cũng như tại Doha năm 2001.
Chúng ta cần củng cố hệ thống thương mại quốc tế dựa trên luật pháp và khẩn trương thay đổi các tổ chức đa phương cũng như cấu trúc quản trị toàn cầu để phù hợp với những thực tiễn hiện nay của thế kỷ 21".
Các vấn đề quan ngại về thương mại hiếm khi được nêu ra tại một kỳ họp thường niên của Đại hội đồng , sự kiện thu hút gần 200 nhà lãnh đạo thế giới vốn thường tập trung vào các vấn đề chính trị nội bộ và các cuộc khủng hoảng lớn toàn cầu, như chiến sự tại Syria và khủng hoảng tị nạn tại châu Âu. Tuy nhiên, năm nay vấn đề thương mại đã "nóng" hơn bình thường.
Tổng thống Argentina Mauricio Macri cho rằng xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là một trong các nhân tố của năm nay gây tổn hại cho những nền kinh tế mới nổi, trong đó có Argentina.
Trong khi đó, một quan chức cấp cao Hàn Quốc cho rằng cuộc chiến thương mại này sẽ còn tiếp tục vài thập kỷ nữa, khi cả hai bên tiếp tục đánh giá sai về nhau.
Duy trì quan hệ thương mại với Iran
Trong cuộc gặp tại Liên Hiệp Quốc ngày 25-9, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif đã thảo luận cam kết song phương đối với Thỏa thuận quốc tế về vấn đề hạt nhân Iran, hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).
Bộ trưởng Vương Nghị nhấn mạnh Trung Quốc ủng hộ Iran trong việc bảo vệ các quyền hợp pháp của mình, phản đối các động thái đơn phương, đồng thời kêu gọi duy trì thỏa thuận toàn diện về vấn đề hạt nhân Iran.
Về phần mình, Ngoại trưởng Zarif đã đánh giá cao vai trò quan trọng của Trung Quốc trong việc duy trì JCPOA, lưu ý rằng Iran tin tưởng hầu hết các thành viên của cộng đồng quốc tế sẽ tiếp tục ủng hộ thỏa thuận này.
Ông khẳng định Tehran sẵn sàng duy trì các kênh liên lạc với Trung Quốc và các nước khác để thực hiện thỏa thuận này cũng như giải quyết tình hình hiện nay.
Trước đó, theo TTXVN, ngày 24-9, các bên còn lại tham gia JCPOA đã đạt nhất trí tiếp tục nỗ lực thành lập một cơ chế đặc biệt duy trì thương mại với Iran, trong đó có lĩnh vực dầu mỏ, nhằm tránh các trừng phạt của Mỹ.
Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp các quan chức cấp cao Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc với Iran, đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu về an ninh và đối ngoại Federica Mogherini cho biết các bên hoan nghênh sáng kiến thành lập một phương tiện đặc biệt tạo điều kiện cho hoạt động thanh toán liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Iran, trong đó có dầu mỏ.
Tháng 5-2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi JCPOA, sau đó tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran, yêu cầu các nước ngừng mua dầu của Tehran kể từ ngày 4-11.
Tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự phiên thảo luận chung cấp cao khóa 73 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York, Hoa Kỳ.
Phiên thảo luận này sẽ diễn ra từ ngày 25-9 đến 1-10 với chủ đề "Làm cho Liên Hiệp Quốc gắn bó với tất cả người dân: Lãnh đạo toàn cầu và chia sẻ trách nhiệm vì các xã hội hòa bình, công bằng và bền vững".
Tham dự phiên họp, đoàn Việt Nam nhấn mạnh thông điệp: "Tăng cường đối tác toàn cầu vì một thế giới hòa bình, công bằng và phát triển bền vững cho mọi người dân", trong đó đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, ngăn ngừa và giải quyết hòa bình các tranh chấp, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực.
Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu chia sẻ trách nhiệm; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải tổ để Liên Hiệp Quốc trở nên mạnh mẽ, dân chủ, hiệu quả hơn, đồng thời bảo đảm nguồn lực đầy đủ cho các hoạt động của Liên Hiệp Quốc, nhất là hỗ trợ các nước đang phát triển.
Phát biểu khai mạc phiên họp cấp cao Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 73 ngày 25-9, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh cuộc khủng hoảng lòng tin nghiêm trọng đang lan rộng trên toàn cầu, tình trạng phân cực đang gia tăng, chủ nghĩa dân túy trở nên phổ biến.
Trong quan hệ giữa các quốc gia, hợp tác trở nên ít chắc chắn và khó khăn hơn.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc kêu gọi các quốc gia nối lại cam kết duy trì một trật tự dựa trên các quy định, với Liên Hiệp Quốc đóng vai trò trung tâm cùng những thể chế và hiệp ước khác nhau đã làm nên Hiến chương Liên Hiệp Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận