
Nhiều xưởng may cung cấp hàng cho Shein và Temu lo ngại về ảnh hưởng từ chính sách thuế quan mới của Mỹ - Ảnh: Caijing Magazine
Hôm 4-2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hủy bỏ quy định miễn thuế quan đối với các gói hàng có giá trị dưới 800 USD (de minimis) từ Trung Quốc, một chính sách quan trọng giúp các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc phát triển tại Mỹ. Điều này có thể tác động trực tiếp đến Shein và Temu.
Tuy nhiên, vào ngày 7-2, ông Trump đã ký sắc lệnh hành pháp hoãn quyết định này, cho phép các gói hàng giá trị thấp tiếp tục được miễn thuế cho đến khi hệ thống xử lý thuế của Mỹ được hoàn thiện.
Theo báo cáo từ Ủy ban đặc biệt về Cạnh tranh Chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc năm 2023, chỉ riêng số hàng hóa từ hai nền tảng Shein và Temu đã chiếm hơn 30% tổng số gói hàng giá trị thấp từ Trung Quốc gửi sang Mỹ mỗi ngày.
Nếu chính sách này bị hủy bỏ, giá sản phẩm trên Shein và Temu có thể tăng khoảng 25%, khiến họ mất lợi thế cạnh tranh. Hiện tại, các nhà cung cấp của hai nền tảng này chỉ có lợi nhuận khoảng 10%, thấp hơn so với Amazon từ 15% đến 20% nên khó có thể giảm giá thêm để bù vào chi phí thuế.
Mở rộng chuỗi cung ứng để đối phó chính sách thuế của Mỹ
Trước áp lực từ chính sách thương mại Mỹ, Shein và Temu đã nhanh chóng triển khai các chiến lược nhằm giảm thiểu rủi ro.
Tờ Wall Street Journal ngày 15-2 đưa tin Shein đã đa dạng hóa chuỗi cung ứng bằng cách mở rộng sản xuất ra nhiều quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và Ấn Độ. Đồng thời, công ty này cũng xây dựng các trung tâm logistics tại Mỹ và đang xem xét mở kho bãi, nhà máy tại Long An và Vũng Tàu (Việt Nam).
Trong khi đó, Temu đẩy mạnh chiến lược "giao hàng tại chỗ" (local to local), cho phép người bán lưu kho tại các thị trường địa phương. Hiện có hơn 1/3 đơn hàng tại Mỹ trên Temu đã được thực hiện theo mô hình này.
Ngoài ra, Temu khuyến khích các nhà cung cấp tại Trung Quốc chuyển hàng tồn kho ra nước ngoài để được hưởng chính sách thuế quan thuận lợi hơn. Hãng tin CNA hôm dẫn lời một số nhà cung cấp tại Quảng Đông của Temu cho biết họ đã thuê kho ở Los Angeles để giảm ảnh hưởng từ quy định thuế.
Song song với việc điều chỉnh chuỗi cung ứng, Temu cũng thay đổi chiến lược quảng cáo. Dữ liệu từ công ty phân tích Sensor Tower cho thấy chi tiêu quảng cáo trực tuyến của Temu tại Mỹ đã giảm từ 65% trong năm 2023 xuống còn 47% trong năm 2024, trong khi quảng cáo ở các thị trường khác lại tăng lên.
Các nhà cung cấp đứng giữa thuế quan và kỳ vọng
Quận Phiên Ngung, thành phố Quảng Châu (Trung Quốc) là trung tâm sản xuất may mặc lớn với hàng nghìn xưởng may, cung cấp sản phẩm cho các nền tảng thương mại điện tử như Shein và Temu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tại đây đang phải đối mặt với áp lực từ chính sách thuế mới của Mỹ.
Một số chủ xưởng cho biết doanh thu của họ phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ và sự thay đổi này có thể ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, một số khác nhận định đây chỉ là tác động ngắn hạn và cho rằng các nhà bán lẻ sẽ có điều chỉnh để thích ứng.
Chuyên gia tư vấn thương mại điện tử tại Thâm Quyến Joe Zhang nhận định với tờ Straits Times rằng việc hủy bỏ miễn thuế de minimis có thể thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển chuỗi cung ứng sang Đông Nam Á để giảm thiểu thuế và tiếp tục cung cấp sản phẩm cho thị trường Mỹ.
Tuy nhiên theo các chủ xưởng ở địa phương, việc di dời các xưởng may tại "làng Shein" là không khả thi do hạn chế về tài chính. Dù vậy, các chủ xưởng vẫn tin rằng Trung Quốc có thể duy trì lợi thế cạnh tranh nhờ vào chuỗi cung ứng mạnh mẽ trong ngành thời trang nhanh, điều mà họ cho rằng khó có thể bị sao chép trong thời gian ngắn tại khu vực Đông Nam Á.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận