Gói hàng 3 chiếc iPhone của anh lê Văn Hiệp bị đánh tráo thành đất đá - Ảnh do nhân vật cung cấp
Điều này cũng làm suy giảm thiện cảm của người dân khi mua hàng trên thương mại điện tử - vốn đang phát triển rất tốt tại Việt Nam vài năm gần đây.
Một món hàng từ khi được chọn mua trên mạng phải qua nhiều khâu tiếp nhận, xử lý của nhiều người nên các công ty kinh doanh thương mại điện tử phải nghiên cứu, xây dựng quy trình để đảm bảo hàng đến tay người tiêu dùng đúng như khách đã chọn.
Thế nhưng, những trường hợp mà Tuổi Trẻ đã phản ánh lại cho thấy quy trình có kẽ hở. Đành rằng, bốn sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam hiện mỗi ngày phải giao nhận hàng trăm ngàn đơn hàng, dù chỉ có một số đơn hàng "lỗi", không phải là quá nhiều nhưng với người tiêu dùng, họ bỏ tiền mua hàng không thể chấp nhận các lỗi đó.
Vì vậy, hoàn thiện quy trình để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng phải là yêu cầu sống còn với các sàn thương mại điện tử. Trong quy trình đó, người giao hàng - cầu nối giữa bên bán và bên mua - việc đồng kiểm đối với họ rất khó. Bởi họ chỉ là người đi nhận, giao món hàng. Nhiều sàn thương mại điện tử không cho đồng kiểm cũng có lý do.
Nhưng cũng phải thừa nhận thực tế có những người bán cố tình bán đồ dỏm, lừa đảo hoặc các công ty giao nhận có những kẻ tráo đổi hàng. Để chiều lòng khách hàng, có sàn chấp nhận rủi ro nhận lại hàng khi người mua kiểm hàng nhưng không nhận hàng.
Các đơn vị cũng đang cố gắng bịt kẽ hở để bảo vệ quyền lợi người mua hàng. Bởi họ hiểu nếu không bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng, họ đã tự xóa sổ mình, không có chỗ đứng trên thị trường thương mại điện tử đang cạnh tranh khốc liệt.
Có thể, những vụ việc Tuổi Trẻ phản ánh thời gian qua không phải là phổ biến, là một số "con sâu làm rầu nồi canh", vì thế cần phải có giải pháp dập tắt ngay trước khi nó kịp nở rộ do thấy "ngon ăn". Những đơn vị liên quan phải xác định mình có trách nhiệm cao nhất, thẳng thắn nhìn vào vụ việc cụ thể để xử lý tới nơi tới chốn. Trước hết là bảo vệ quyền lợi của người mua, sau là răn đe những kẻ buôn gian, bán lận.
Các công ty giao nhận phải bịt lại kẽ hở trong quy trình cung cấp dịch vụ của mình. Các sàn thương mại điện tử rà soát người bán... Đặc biệt, cơ quan quản lý và các hội bảo vệ người tiêu dùng cũng cần tăng cường vai trò của mình, không chỉ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn giúp xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh.
Có làm vậy, những cá nhân, đơn vị kinh doanh gian dối, chụp giựt sớm phải rời khỏi thị trường. Không kiên quyết, cứ để "buôn gian, giao lận" hoành hành, không khéo có lúc người tiêu dùng lại sợ mua hàng qua mạng. Đó là bước thụt lùi chết người!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận