Từ Shopee đến xuất khẩu trực tuyến toàn cầu
Báo cáo của Access Partnership (năm 2022) cho hay các các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) tại Việt Nam coi Đông Nam Á và Đài Loan là điểm đến hàng đầu trong khu vực về xuất khẩu qua thương mại điện tử. Tầm quan trọng gia tăng của thị trường Đông Nam Á và Đài Loan được ghi nhận với 58% MSME xác định Đông Nam Á và Đài Loan là một trong những ưu tiên của họ trong 5 năm tới. (Báo cáo"Người bán hàng địa phương, Khách tiêu dùng toàn cầu năm 2022: Nắm bắt cơ hội xuất khẩu qua TMĐT tại Việt Nam").
Shopee hiện là nền tảng thương mại quốc tế tại Việt Nam có nhiều nhà bán hàng, doanh nghiệp nội địa kinh doanh trực tuyến thị trường khu vực này. Lợi thế lớn nhất của nền tảng là kết nối hầu hết thị trường Đông Nam Á, Đài Loan (Trung Quốc).
Hiện có khoảng hơn 350.000 nhà bán hàng Việt Nam bán hàng toàn cầu qua Shopee Quốc tế, trong đó có hơn 1.000 thương hiệu Việt. Hiện có hơn 15 triệu sản phẩm, hàng hoá từ Việt Nam được đăng bán tại thị trường nước ngoài thông qua nền tảng này.
Hiện nay, hàng tháng, doanh số trung bình của các nhà bán hàng Việt Nam tham gia nền tảng Shopee Quốc tế tăng đều đặn từ 20-30%, phần lớn đến từ ngành hàng thời trang & tiêu dùng nhanh.
"Từ năm 2021 đến nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đưa hàng hóa đến thị trường tiêu dùng Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines hay Đài Loan.
Chúng tôi hỗ trợ việc vận hành của các cửa hàng tại thị trường nước ngoài, bao gồm việc đồng bộ tự động cửa hàng của người bán tại Việt Nam qua thị trường quốc tế, làm thủ tục xuất nhập khẩu và lưu kho cho hàng hóa, tiếp nhận xử lý các câu hỏi hoặc khiếu nại của người mua nước ngoài, và hỗ trợ thanh toán quốc tế.
Đặc biệt, người bán sẽ không phải thanh toán thêm bất kỳ chi phí nào liên quan đến thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, vận chuyển quốc tế, lưu vận kho bãi tại quốc gia khác" , theo ông Jason Yu, trưởng nhóm Nền tảng Shopee Quốc tế.
Đầu tư bài bản, nghiên cứu kỹ đặc tính thị trường
Thái Khang là một doanh nghiệp may mặc nội địa ở TP.HCM với năng lực sản xuất trung bình khoảng 50 nghìn sản phẩm/tháng, hiện đang bán sỉ cho nhiều đối tác tại thị trường Đông Nam Á.
Ngoài sản xuất sỉ theo đơn, các sản phẩm của Thái Khang bán lẻ chủ yếu qua các nền tảng thương mại điện tử, trong đó các sản phẩm bán trên nền tảng Shopee Việt Nam và Shopee Quốc tế cho người mua ở Thái Lan, Malaysia và Singapore.
Ông Hồng Thái, chủ doanh nghiệp, cho hay doanh nghiệp này mới đầu tư mạnh về năng lực sản xuất trong khi tiếp cận các thị trường khu vực đòi hỏi những đầu tư bài bản, nhất là nghiên cứu kỹ đặc tính thị trường.
"Đông Nam Á là thị trường khá thuận lợi, phù hợp với hàng hoá Việt Nam. Họ có thể đón nhận những dòng sản phẩm OEM chất lượng ổn, giá cả tốt. Nhưng làm thế nào hiểu được văn hoá tiêu dùng của thị trường nước ngoài là một vấn đề. Để chinh phục những thị trường hàng đầu như Thái Lan, Singapore cần có những đầu tư nghiên cứu thị trường, thương hiệu bài bản. Bên cạnh đó là phát triển thương hiệu. Chúng tôi rất muốn phát triển thương hiệu ở thị trường khu vực Đông Nam Á", ông Thái chia sẻ.
Ông Trịnh Việt Hải, giám đốc Vina World Food, một công ty sản xuất nông sản sấy khô, cho hay lợi thế của sản phẩm thuần Việt là có nguồn nguyên liệu tại chỗ, không phụ thuộc, giúp chủ động kế hoạch sản xuất và kiểm soát chất lượng, từ đó tự tin mở rộng thương hiệu.
Công ty này đang ấp ủ kế hoạch xuất khẩu trực tuyến long nhãn sấy khô thông qua các thị trường Singapore, Đài Loan và Indonesia.
"Chúng tôi bắt đầu thử nghiệm với thị trường nội địa và hiệu quả thu lại thật đáng bất ngờ, tốt hơn nhiều so với dự đoán. Thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ cho doanh nghiệp cơ hội xuất khẩu thương hiệu và sản phẩm trực tiếp đến khách hàng toàn cầu. Đấy là điều mà những doanh nghiệp như chúng tôi rất cần lúc này", ông Hải nói.
Chương trình Chuyển đổi số doanh nghiệp Việt qua thương mại điện tử
Kể từ tháng 4 năm nay, Shopee Việt Nam thực hiện một chương trình có tên gọi Chuyển đổi số doanh nghiệp Việt qua thương mại điện tử. Chương trình giúp đưa lên sàn thương mại điện tử các hàng hoá, sản phẩm Việt Nam và sau đó bán ra thị trường Đông Nam Á.
Theo kế hoạch của chương trình, đến cuối năm 2024, Shopee sẽ kết nối với hơn 1.000 hộ sản xuất trên khắp các tỉnh, thành (gấp 25 lần so với hiện tại), mở rộng tối đa danh mục hàng hóa phục vụ người tiêu dùng, mở rộng phạm vi phủ sóng của hàng nội địa.
Chương trình này nhằm phát triển nền tảng thương mại điện tử thông qua chuỗi giá trị, kết nối các nhà sản xuất lớn, các nhà phân phối vừa và nhỏ, các nhà bán buôn và các kênh thương mại bán lẻ, các công ty thương mại điện tử cùng cấu thành nên chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tại các địa phương.
"Mục tiêu lâu dài hơn đó là đưa các sản phẩm có thương hiệu, chất lượng vươn ra tiêu thụ ở thị trường Đông Nam Á và khu vực. Đầu tháng 7 tới, chúng tôi sẽ bắt đầu triển khai đưa hàng hoá của các nhà sản xuất nội địa Việt Nam đăng bán tại thị trường Singapore và Malaysia", theo ông Tuấn Anh- giám đốc điều hành Shopee Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận