Thương mại công bằng, chứ không phải tự do hóa thương mại

NHIÊU TỨ 14/09/2003 22:09 GMT+7

TTCN - Những tranh cãi chung quanh vấn đề tự do hóa thương mại có thể làm nhiều người rối trí. Chuyện tranh cãi là thường xuyên và dai dẳng, đến khi có hội họp gì thì nổi lên như Hội nghị bộ trưởng tài chính các nước thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) diễn ra tại Cancun (Mexico) vào tuần này.


Lập luận ủng hộ cho tự do hóa thương mại rất đơn giản: nền kinh tế toàn cầu sẽ có lợi nếu thương mại giữa các nước chỉ bị chi phối bởi qui luật cung cầu. Những rào cản như thuế, hạn ngạch, trợ cấp của nhà nước hay thủ tục hải quan phức tạp, tóm lại là những dạng “ngăn sông cấm chợ” trên qui mô quốc gia, chỉ làm tổn thương sự tăng trưởng kinh tế. 

Theo một nghiên cứu của Đại học Michigan, chỉ cần giảm 1/3 số rào cản này nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng thêm 613 tỉ USD. Còn Ngân hàng Thế giới tính toán nếu bỏ thuế trên mọi loại hàng hóa, thu nhập toàn nhân loại sẽ tăng thêm 832 tỉ USD.


Những bất bình đẳng trên thế giới

 - 20% người giàu nhất thế giới chia nhau 85% thu nhập thế giới, trong khi 20% người nghèo nhất chia nhau 1,4% số thu nhập trên.

- Phân nửa dân số của thế giới thứ ba là dưới 20 tuổi, 200 triệu trẻ dưới năm tuổi bị suy dinh dưỡng và 250 triệu trẻ phải lao động kiếm ăn.

- Với 20% dân số thế giới, Phương Bắc (tức các nước giàu) tiêu thụ 60% năng lượng toàn cầu, 75% kim loại, 85% gỗ, 75% xe hơi, 49% khí carbonic nhả vào bầu khí quyển.

Lý thuyết đẹp đẽ là như thế. Thế nhưng, trong thực tế của tự do hóa thương mại một số nước giàu lên trong khi một số nước khác nghèo hẳn đi. Ngay trong từng nước tự do thương mại cũng có lợi cho tầng lớp này nhưng lại có hại cho tầng lớp khác. 

Giả thử châu Âu bãi bỏ “Chính sách nông nghiệp chung” (PAC), ngưng trợ cấp cho nông dân, giảm thuế nhập khẩu nông sản, chắc chắn tầng lớp nông dân ở đây sẽ lâm vào cảnh khốn cùng. 

Chính vì thế chính phủ các nước, dưới áp lực của cử tri bỏ phiếu cho mình, không thể nào đồng ý những điều khoản thương mại nào có thể gây hại cho một bộ phận, một ngành kinh tế của nước họ. 

Đến đây xuất hiện điểm dễ gây ra sự rối trí: thay vì nói thẳng tình thế khó xử của mình, các nước, nhất là các nước phương Tây, luôn lớn tiếng rao giảng về tự do hóa thương mại trong khi chính mình lại có những hành động đi ngược lại với tự do thương mại. Như đã thấy trong các vụ kiện bán phá giá mà thực chất chính là để bảo vệ những ngành kinh tế không còn đủ sức cạnh tranh.

Với những ai không quen với tính “nước đôi”, “vừa ăn gian vừa la làng” này, họ sẽ không hiểu nổi vì sao một mặt Mỹ kêu gọi thúc đẩy toàn cầu hóa, đòi các nước mở cửa thị trường, lại vừa tăng mức trợ cấp cho hàng nông sản của mình đến 57 tỉ USD, tăng thuế nhập khẩu thép hay “bắt chẹt” (từ dùng của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan) ngay cả người nuôi cá ba sa ở một nước còn nghèo như VN. 

Cho đến nay các nước giàu đã thành công trong việc thiết lập “cuộc chơi” tự do hóa thương mại với những luật chơi do họ đặt ra. Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đã thành công trong việc buộc nước khác gỡ bỏ những rào cản để hàng công nghiệp và dịch vụ của mình tràn vào nước khác. 

Ngược lại, họ cũng đã lại thành công trong việc duy trì được mức thuế cao đánh vào hàng nông sản nhập khẩu và ung dung trợ cấp cho hàng nông sản để bán dưới giá thành (tức là phá giá) mà chẳng sợ ai kiện cáo. Vì lẽ, khi “luật chơi” trong tay họ có kiện cáo cũng ích gì! 

Hiện nay các nước giàu trợ cấp cho ngành nông nghiệp chừng 1 tỉ USD/ngày trong khi nông dân các nước nghèo lẽ ra có thể cải thiện cuộc sống nếu họ có cơ hội bán hàng ra thế giới với đúng giá thị trường. Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đã làm được điều đó, vì lẽ trong những vòng đàm phán trước đây các nước này đã hè nhau loại nông sản ra khỏi những qui tắc thương mại chuẩn mực.

Thế nhưng nay các nước nghèo trong WTO bất mãn trước lối chơi không đẹp này, không còn để cho các nước giàu đặt ra luật chơi như trước. Các nước này đang được sự hậu thuẫn của những nước xuất khẩu nông sản lớn như Úc, Brazil, Thái Lan, Ấn Độ và Nam Phi. Nhờ đó, cán cân lực lượng xem ra “bên chín lạng, người nửa cân”. 

Chính vì thế mà hội nghị Cancun được xem là cột mốc của vòng đàm phán hiện tại, bắt đầu từ năm 2001 tại Doha: nước giàu không chịu nhượng bộ và nước nghèo không chịu lép vế, nếu không thỏa hiệp được với nhau trong từng chút, hội nghị sẽ đi vào cảnh bế tắc. 

Tuy nhiên, các nước nghèo không thể không ngồi vào bàn đàm phán vì họ không có sự chọn lựa nào khác. Thế giới ngày nay không còn chỗ cho dạng kinh tế tự cung tự cấp hoàn toàn khép kín nữa.

Bên cạnh đó, có thêm một lực lượng khác gồm nhiều tổ chức phi chính phủ phản đối toàn cầu hóa, thương mại tự do (và ngay chính trong WTO). 

Các tổ chức này trách WTO đã đặt lợi ích của giới doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia, lên trên lợi ích của người dân các nước. Họ cáo buộc rằng WTO đang tước đoạt quyền tự chủ của nước nghèo bằng các luật lệ của mình.

Chẳng lạ gì nhận định sau của giới quan sát quốc tế: khó lòng hi vọng các nước giàu sẽ làm đúng theo “đạo lý” tại Hội nghị Cancun năm nay, do lẽ lợi ích chính trị nội bộ của các nước này quá lớn. Mỹ sắp vào mùa bầu cử; EU đang lo chuyện trợ cấp cho nông dân 15 nước thành viên mới; Nhật đau đầu về chuyện kinh tế tiếp tục trì trệ. 

Khó có những bước đột phá tháo gỡ bế tắc trong đàm phán thương mại toàn cầu. Cũng vì thế những vấn đề mở cửa cho đầu tư... sẽ không được bàn nhiều trong lần hội nghị này. 

Chính tổng giám đốc WTO Supachai Panitchpakdi trong thư ngỏ gửi 146 nước thành viên cũng thừa nhận “thành công” chỉ là một từ mang tính tương đối để chuẩn bị trước dư luận. 

Và cũng để xoa dịu sự chống đối của lực lượng phản đối toàn cầu hóa, dù không gây ảnh hưởng gì lớn, nhưng tạo ra những hình ảnh xung đột mà truyền hình và báo chí toàn cầu thích chuyển tải, các tổ chức lớn trên thế giới cũng ra lời kêu gọi các nước giàu nhượng bộ.

IMF, WB và OECD ra một tuyên bố chung với thông điệp khá rõ ràng: “Các nước viện trợ không thể một tay trao viện trợ để tạo cơ hội phát triển, còn tay kia dùng biện pháp hạn chế thương mại để tước đi những cơ hội này”.

Dẫu sao cũng có thể thấy tiếng nói của nước nghèo nay đã có trọng lượng hơn trước. Sau Cancun, đàm phán sẽ tiếp tục để đi đến chỗ thỏa hiệp lợi ích của hai khối giàu nghèo như WTO đã từng đạt thỏa thuận xóa bỏ hạn ngạch dệt may vào năm 2005 cho các nước thành viên. 

Vấn đề là VN, chưa phải là thành viên WTO, sẽ không có cơ hội nào trong quá trình này, sẽ càng chịu thiệt, vì nếu có bị xử ép cũng không biết kiện ở đâu. Và điều đó đã từng xảy ra.

Tình hình nợ nần các nước giữa năm 1990 và 1999:

Khu vựcNợ 1900Nợ 1998Trả nợ 1990 - 1998
Nam Mỹ

475 tỉ USD 

736 tỉ USD 

722 tỉ USD

Đông Á và Thái Bình Dương

286 tỉ USD 

698 tỉ USD 

525 tỉ USD

Đông Âu

221 tỉ USD 

435 tỉ USD 

331 tỉ USD

Các nước khác

491 tỉ USD 

596 tỉ USD 

        369 tỉ USD


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận