12/04/2025 09:52 GMT+7

Thương lắm tô cơm hến ngọt lành, tà áo dài Đồng Khánh hiền dịu

Phi Tân bày tỏ ông thực sự là người hạnh phúc khi có ký ức và có thể tỉ mẩn gom nhặt, nâng niu những ký ức đó, viết thành trang văn về Huế.

Huế - Ảnh 1.

Nhà văn, nhà báo Phi Tân - Ảnh: NVCC

Huế chuyện xưa thành cũ là tập tản văn thể hiện những suy nghĩ, tình cảm của nhà văn, nhà báo Phi Tân, một người con xứ Huế trước cảnh sắc, thiên nhiên, con người và những giá trị văn hóa đặc trưng của vùng đất cố đô qua dòng chảy thời gian. 

Ở đó có sông, phá, biển như: sông Hương, sông Ô Lâu, phá Tam Giang; miền thương với những ký ức rặt Huế như: cơm hến, áo dài Đồng Khánh, "mưa ướt mềm trên Huế" hay rau trái vườn xưa với nấm tràm, sứ giả mùa thu xứ Huế...

Chạm vào ký ức của tôi, của Huế và của bạn 

Với Phi Tân, viết là niềm hạnh phúc vô bờ, là một sự trở về đúng nghĩa với tuổi thơ, với những người thân yêu, quê nhà, xứ sở mà ông trìu mến gọi đó là miền thương. 

Miền thương của ông là xứ Huế, là những dòng sông chảy tha thiết qua bao tháng năm dài bồi tụ nên những bãi phù sa đẫm đầy hoa trái, thành những trầm tích văn hóa rực rỡ của vùng đất kinh kỳ một thuở, rồi xuôi ra phá Tam Giang về với biển khơi.

Ở chương đầu tiên "Sông, phá, biển", Phi Tân đưa người đọc khám phá những dòng sông Huế. 

Đó là dòng sông Hương mang trong mình vẻ đẹp lộng lẫy, kiêu sa mà cũng thật dịu dàng, hiền hòa. Ông gọi sông Hương là "một cô gái thị thành" mà ông "chỉ biết lặng ngắm trong niềm ngưỡng mộ".

Không chỉ có sông Hương, người đọc còn thấy những con sông, dòng nước khác đã gắn bó với cuộc đời Phi Tân, từ sông Ô Lâu, sông Bồ, sông An Cựu, cho đến những làng chài ven biển và phá Tam Giang

Phi Tân như muốn nói rằng mỗi con sông giống một mạch sống, nối liền quá khứ - hiện tại, để những ký ức đẹp về Huế, góc phố, cơn mưa, buổi chiều tà sống dậy trong tâm trí độc giả. 

Đọc sách, độc giả cảm nhận tình yêu mà tác giả dành cho Huế không ồn ào, phô trương mà âm thầm, kiên cường, như chính những con sông vẫn lặng lẽ chảy qua thành phố, dù năm tháng có trôi đi.

Trong bài Những bến đò ngang qua sông Hương, Phi Tân nêu góc nhìn của mình về Huế: "Bây chừ, mỗi lần ngang qua đường Kim Long, tôi vẫn dò tìm dấu tích bến đò xưa và nhận ra Huế đó, một thành phố nhỏ và hiền như những bến đò bên dòng Hương Giang, nhưng để đi hết chiều sâu của Huế thì… thăm thẳm như lòng sông Hương, không biết đi mãi đến bao giờ!".

Và ông giãi bày với độc giả: "Khi bạn đọc sách là bạn đang chạm vào ký ức của tôi, của Huế, cũng có thể là ký ức của bạn. Mong rằng bạn cũng sẽ ngập tràn hạnh phúc như tôi! Bởi ký ức không đơn thuần là nỗi nhớ mà là tình yêu vĩnh cửu của đời người". 

Huế đó, một thành phố hiền như những bến đò bên dòng Hương Giang

Viết về Huế, Phi Tân không chỉ kể lại chuyện xưa, ký ức một thời đã qua mà còn khắc họa những nét đẹp của cảnh sắc, con người với những giá trị văn hóa đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Huế - Ảnh 2.

Sách Huế chuyện xưa thành cũ - Ảnh: HỒ LAM

Ông nhắc đến cơm hến, món ăn đặc sản của xứ Huế. 

Theo Phi Tân, cơm hến có nhiều gia vị nhất trong các món ăn trứ danh của xứ Huế, từ mặn nhạt đến chua cay và ngọt bùi đều có cả. 

Nào là có hến đã xào chín, rau sống với cây môn bạc hà, rau hành ngò, rau thơm, rau quế, bạc hà, khế chua, giá đậu xanh; 

Rồi đậu phộng chiên giòn để nguyên vỏ, tóp mỡ rang, nước ruốc, ớt hạt, bột ngọt...

"Vị hến trong tô cơm hến chỉ thoáng qua. Nhưng những người sáng tạo ra món ăn của đất kinh kỳ cũng thật tinh tế khi có tô nước hến đi kèm. 

Chính tô nước hến mới cho người thưởng thức món cơm hến biết vị của con hến sông Hương thế nào. 

Những gánh cơm hến đi trong sương, những tô cơm hến ngọt lành buổi trưa hay những quán cơm hến bữa lỡ xế chiều... đều ngon như nhau!" - nhà văn Phi Tân viết.

Rồi khi viết về chiếc áo dài Đồng Khánh màu tím, được xem như biểu tượng của người con gái Huế, Phi Tân nhớ lại cô giáo cũ của mình: "Cô giáo của chúng tôi là cựu nữ sinh Đồng Khánh đã nâng niu tà áo dài lên bục giảng như mang một nét Huế mát lành, hiền dịu về với những học trò vùng gió cát Tam Giang quê tôi". 

Tác giả Phi Tân sinh năm 1973 tại Điền Lộc, Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Hiện ông công tác tại Đài Phát thanh và Truyền hình Thừa Thiên Huế.

Một số tác phẩm đã xuất bản của ông gồm: tản văn Bên sông Ô Lâu (2021); Về Huế ăn cơm (2021); Cổ tích của ba (2023)... Trong đó Về Huế ăn cơm được tặng thưởng Tác phẩm xuất sắc năm 2022 của Giải thưởng của Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế.

Huế đó, một thành phố hiền như những bến đò bên dòng Hương Giang  - Ảnh 3.Người Huế không ăn chén tô to, ăn chi mô cũng phải nhỏ nhỏ vừa vừa

'Tôi viết ẩm thực vỉa hè Huế như một tùy bút dọc đường ăn bụi ở Huế... Tôi cảm nhận món ăn Huế theo khẩu vị của riêng tôi' - tác giả Vũ Thế Thành, một người Sài Gòn, viết trong sách 'Ẩm thực ven đường Huế'.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên