26/08/2015 10:14 GMT+7

Thương hoài nụ cười Hoài Thương

GIÁNG HƯƠNG
GIÁNG HƯƠNG

TT - Có lẽ cũng đã lâu lâu rồi, tôi mới có được cảm giác hào hứng khi cầm một tờ báo mà chỉ cần nhìn vào bức ảnh chính trên trang nhất là thấy lòng nhẹ nhõm.

Báo Tuổi Trẻ ngày chủ nhật 23-8-2015
Báo Tuổi Trẻ ngày chủ nhật 23-8-2015

Đó chính là tờ báo Tuổi Trẻ hôm chủ nhật 23-8. 

Ở đó là câu chuyện bằng hình ảnh về cô bé 7 tuổi - một nạn nhân của chất độc da cam - đã chào đời dưới một ngôi sao xấu, khi cả hai tay hai chân đều dị tật. Nhưng, nụ cười của em thì như thiên thần.

Lật vào trong, hai trang phóng sự ảnh ghi hình em vui đùa bên chuồng chim, em tám chuyện với bạn chung lớp, em lí lắc với đôi chân giả, hay đến cả chuyện uống nước bằng cách dùng hai chỏm tay ngắn ngủn để ôm lấy chiếc ca, em cũng cười thật thoải mái... đã làm cho mọi người phải tự nhìn lại mình.

Tôi tự tin viết “mọi người” là bởi, ngay trong ngày chủ nhật ấy, nhiều người đã chụp lại gương mặt thiên thần của Hoài Thương để tung lên Facebook.

Một bạn tôi đã viết thẳng trên dòng trạng thái của mình: “Bao ngày nay quá u ám với hàng loạt vụ giết người, quá mệt mỏi với chuyện thi cử của giáo dục, và cả thế giới cũng không yên với chứng khoán sụt giảm nghiêm trọng, IS nay chặt đầu người này mai đốt người kia... Bỗng dưng sáng chủ nhật bắt gặp được nụ cười thiên thần của Hoài Thương, thấy đời thật đáng yêu biết bao. Cảm ơn cô bé. Thương hoài nụ cười Hoài Thương!”.

Nhiều người còn tranh thủ những hình ảnh của Hoài Thương để dạy con. Một cô đồng nghiệp trẻ lúc nào cũng kêu rêu chuyện con khảnh ăn, 8 tuổi rồi mà còn phải đút từng muỗng, đã nói như reo:

“Em đưa trang báo cho bé con nhà em xem, và bảo em Hoài Thương thiệt thòi đến thế mà giỏi chưa này. Thế là con bé nhà em tự tin tuyên bố từ nay con sẽ tự ăn để không thua em Hoài Thương!”.

Bài học không chỉ dành cho trẻ con, mà cả người lớn cũng tìm được sự răn mình qua nụ cười thiên thần Hoài Thương.

Kiểu, đời mình đã có gì đến độ bi kịch như cô bé này đâu, thế tại sao lúc nào cũng than thân trách phận, cũng nhìn đời u ám? Hay, việc gì phải khóc vì không vào được đại học năm nay. Thua keo này bày keo khác, vì mình có bất hạnh bằng bé Hoài Thương đâu, sao lại sớm bi quan?...

Xin đừng nghĩ việc mượn nụ cười của Hoài Thương là để tự an ủi mình, là trốn chạy với thực tại như con đà điểu rúc đầu xuống cát. Tôi nghĩ nụ cười của cô bé Hoài Thương là một nụ cười có sức chiến đấu mãnh liệt.

Nụ cười này khiến tôi nhớ đến một nụ cười lừng danh trong lịch sử - “Nụ cười chiến thắng” của cô gái 23 tuổi Võ Thị Thắng vào năm 1968.

Đứng trước kẻ thù, nào phải nghiến răng, trợn mắt tóe lửa mới là thể hiện tính chiến đấu! Khi bị tòa án quân sự chế độ cũ tuyên 20 năm tù, nở nụ cười tươi và nói: “Tôi sợ chính quyền các ông không đủ thời gian tồn tại để thi hành án của tôi”!

Nụ cười ấy mạnh gấp biết bao nhiêu lần so với súng đạn.

Vì vậy, cảm ơn nụ cười của Hoài Thương. Nụ cười của bé đã làm cho người lớn chúng tôi mạnh mẽ hơn, quyết tâm hơn trong việc chiến đấu vì bản thân, chiến đấu vì gia đình và cả vì xã hội ngày càng đẹp hơn.

Bé Hoài Thương (7 tuổi) bị dị tật cả hai tay lẫn hai chân tự đút cơm ăn, uống nước và cười tươi như hoa - Ảnh: Vũ Thủy
Bé Hoài Thương (7 tuổi) bị dị tật cả hai tay lẫn hai chân tự đút cơm ăn, uống nước và cười tươi như hoa - Ảnh: Vũ Thủy
GIÁNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên