Đo lường hơn 50 Thương hiệu vàng TP.HCM thì kết quả cho thấy hiện chỉ có 1/3 doanh nghiệp thành công trong việc thu hút người mua, tức chuyển đổi từ nhận thức sang sử dụng. Số doanh nghiệp còn lại vẫn gặp thách thức chuyển đổi mà lý do chủ yếu là chưa có thông điệp đúng đến nhóm khách hàng tiềm năng.
Báo cáo "Sức khỏe của các thương hiệu TP.HCM: Thách thức và cơ hội" được thực hiện bởi Kantar Worldpanel cũng chỉ ra thách thức lớn nhất của các thương hiệu hàng đầu của TP.HCM chính là trẻ hóa khách hàng của mình. Phần lớn người tiêu dùng của các doanh nghiệp ở nhóm lớn tuổi, gồm gen X (từ 44 đến 60 tuổi) và Millenials (từ 28 đến 44 tuổi).
Với cách lấy mẫu khảo sát 1.000 người ở TP.HCM, 40% khách hàng là gen Z, 60% còn lại từ 28 đến 60 tuổi, khảo sát cho thấy Thương hiệu vàng TP.HCM được tin dùng nhiều nhất với người trên 44 tuổi, trong khi Việt Nam là nước có dân số trẻ, với 28% dân số thuộc gen Z.
Trong 5 năm tới, tất cả gen Z phần lớn sẽ ở trong độ tuổi lao động và có khả năng chi tiêu cao hơn. Nhưng đặc điểm của khách hàng gen Z là những người sinh trưởng trong thời đại kỹ thuật số, có khuynh hướng sử dụng nhiều thương hiệu khác nhau.
Theo bà Nguyễn Phương Nga - giám đốc khối kinh doanh Kantar Việt Nam, tỉ lệ chuyển đổi từ nhận biết thương hiệu sang sử dụng thương hiệu của gen Z cũng rất cao - tới 49% trong số đó, trong khi con số này ở những độ tuổi lớn hơn chỉ vào khoảng 41%.
Tuy vậy, Thương hiệu vàng của TP.HCM lại không đạt thứ hạng cao trong chỉ số thể hiện độ quan tâm đối với giới trẻ. Do đó, chiến lược của các thương hiệu Việt là phải tìm cách chinh phục thế hệ khách hàng chủ lực - gen Z trong vòng 5 năm tới.
Bà Nga phân tích một trong những yếu tố chủ chốt để thương hiệu tăng trưởng là tập trung tăng sức mua. Đối với thị trường trong nước, bài toán với các doanh nghiệp này là thông điệp đến người dùng về "Bền vững" và "Đổi mới".
Các thương hiệu làm tốt yếu tố trên có cơ hội thu hút người tiêu dùng cao hơn. Tuy nhiên rào cản lớn nhất để người tiêu dùng hành động vì môi trường, chính là khả năng tiếp cận của các sản phẩm thân thiện với môi trường, giá cả và mức độ hiệu quả mà sản phẩm đó mang lại. Cụ thể hơn, nhiều người dùng còn phàn nàn về việc sản phẩm đó khó có thể tìm thấy, giá thành còn thiếu tính cạnh tranh hoặc hiệu quả như quảng cáo khó được kiểm chứng.
Khảo sát của Kantar Việt Nam trong nửa đầu năm 2023 cũng ghi nhận trung bình mỗi ngày có 32 sản phẩm mới ngành tiêu dùng được tung ra thị trường nội địa, gấp đôi so với năm 2014, với 16 sản phẩm. Người tiêu dùng được cho là ngày càng ít trung thành, yêu thích trải nghiệm cái mới.
Do đó, giám đốc Kantar gợi ý những giải pháp về truyền thông cho các thương hiệu là cần đẩy mạnh truyền thông về nguồn gốc sản phẩm, quy trình sản xuất gắn với lợi ích cụ thể và "sát sườn" với người tiêu dùng. Đó sẽ là yếu tố góp phần giúp thương hiệu thu hút người mua tốt hơn.
Diễn đàn Vietnam Brand Scale Up lần thứ nhất do Sở Công Thương TP.HCM và Vietnam Brand Purpose phối hợp tổ chức là hoạt động bổ trợ cho doanh nghiệp đoạt giải Thương hiệu vàng TP.HCM.
Trước đó ngày 14-1, ban tổ chức Giải thưởng Thương hiệu vàng TP.HCM đã tổ chức vinh danh 32 doanh nghiệp có thương hiệu đạt giải thưởng này. Để đạt "Thương hiệu vàng TP.HCM" lần thứ 4 năm 2023, doanh nghiệp phải đáp ứng hàng loạt tiêu chí.
Trong đó, có tính minh bạch và tuân thủ pháp luật, hiệu quả hoạt động, đạo đức kinh doanh, các hoạt động xã hội, nhân sự và chính sách nhân sự, nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo, quảng bá và phát triển thương hiệu, hệ thống quản lý và độ phủ của thương hiệu, chất lượng và an toàn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận