28/06/2019 11:00 GMT+7

Thượng đỉnh Trump - Tập hâm nóng G20

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Cuộc gặp được mong chờ nhiều nhất ở G20 giữa lãnh đạo Mỹ - Trung đã được khẳng định.

Thượng đỉnh Trump - Tập hâm nóng G20 - Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump (phải) trong cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình tại Trung Quốc tháng 11-2017 - Ảnh: Reuters

Kết quả cao nhất có thể chỉ là một thỏa thuận đình chiến, vừa tạo thêm thời gian cho hai bên đàm phán đi tới thỏa thuận cuối cùng, vừa giữ thể diện cho lãnh đạo hai phía.

Đòn dọa của ông Trump rằng sẽ tăng thuế nhập khẩu lên "600 tỉ USD hàng Trung Quốc" nếu không đạt được một thỏa thuận với Bắc Kinh ở Nhật Bản nhiều khả năng sẽ không trở thành sự thật. 

Báo South China Morning Post của Hong Kong ngày 27-6 tiết lộ Mỹ và Trung Quốc đã đạt được một thỏa thuận đình chiến tạm thời ngay trước thềm cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo.

Dù thực tế là Tổng thống Trump có thể thay đổi ý định vào phút chót, thỏa thuận đình chiến giờ như chiếc bánh đã vào lò nướng.

Một nguồn thạo tin của South China Morning Post

Đình chiến rồi đàm

Chi tiết về thỏa thuận đình chiến này sẽ được công bố bằng một thông cáo báo chí do hai bên phối hợp soạn thảo. 

Việc nó được công bố dưới dạng thông cáo báo chí "chung" thay vì "riêng" cho thấy cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn kiểm soát câu chữ được đưa ra. Trong khi đó, một tuyên bố chung dường như là quá trịnh trọng với một thỏa thuận chỉ mang tính hòa hoãn, kéo dài thời gian.

Khả năng hai bên đạt được một thỏa thuận cuối cùng để chấm dứt thương chiến ngay tại G20 thật sự không cao. 

Đầu tiên, xét đến yếu tố thời gian, Mỹ và Trung Quốc đã không có bất kỳ cuộc đàm phán nào kể từ giữa tháng 5 khi ông Trump bắt đầu áp thuế nhập khẩu 25% lên 200 tỉ USD hàng Trung Quốc và khai mào cuộc chiến chống lại Huawei. Theo tiết lộ của South China Morning Post, quan chức hai bên chỉ mới bí mật gặp nhau ở Nhật hồi tuần trước.

Thứ đến là việc giải quyết các bất đồng liên quan đến những nguyên tắc cốt lõi của Trung Quốc. Nguyên nhân các cuộc đàm phán thương mại đổ vỡ vào phút chót là do Bắc Kinh không chấp nhận các yêu cầu cải cách thể chế sâu rộng của Mỹ. 

Các vấn đề này được xem là cực kỳ nhạy cảm với Trung Quốc, chẳng hạn sửa hàng loạt bộ luật để bảo vệ sở hữu trí tuệ Mỹ, nên khả năng dàn xếp được trong thời gian ngắn là không cao.

Kết quả khả quan nhất có thể đạt được sau cuộc gặp lần này là một thỏa thuận đình chiến tương tự ở thượng đỉnh G20 năm ngoái tại Argentina, nhưng thời gian dự kiến sẽ dài hơn - có thể là đến hết năm nay.

Chiến thuật "cớm tốt/cớm xấu"

Trump cho thấy ông là một tay tung đòn gió lão luyện, nhưng có lẽ nó đã bị lạm dụng nhiều quá đến mức người ta bắt đầu quen với những phát ngôn kiểu này. 

Một trong những chiến thuật tâm lý của cảnh sát Mỹ khi điều tra tội phạm đang được ông Trump vận dụng, đó là "good cop/bad cop" - tạm dịch nghĩa là "cớm tốt/cớm xấu". Theo đó, thường sẽ có hai cảnh sát cùng lấy lời khai một đối tượng, người vào vai "cớm xấu" sẽ buộc tội, thậm chí sỉ nhục, đe dọa nghi phạm cốt để tạo ra sự ác cảm. 

Bởi vì sự ác cảm này sẽ tạo tiền đề tốt cho "sự thông cảm" mà "cớm tốt" sẽ có được khi tiếp cận đối tượng. Bằng cách thể hiện sự thấu hiểu, lắng nghe, thậm chí bảo vệ nghi phạm trước "cớm xấu", người sắm vai "cớm tốt" có thể chiếm được niềm tin của đối tượng và khai thác được những thứ họ muốn.

"Thị trường đã quá quen chiêu này nên không phản ứng tiêu cực nữa, họ biết Trump đang sắm cớm xấu, còn Mnuchin diễn hoàn hảo vai cớm tốt" - nhà phân tích thị trường Stephen Innes nhận định với Hãng Reuters. 

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin luôn là người phát đi các tín hiệu lạc quan về đàm phán thương mại Mỹ - Trung, bao gồm thông tin hai nước đã hoàn tất được khoảng 90% thỏa thuận thương mại.

Các nhận định của ông Innes xuất phát từ sự bình tĩnh của thị trường châu Á. Trước những lời đe dọa tăng thuế với Trung Quốc của ông Trump, thị trường chứng khoán châu Á lại đồng loạt tăng trong phiên giao dịch sáng 27-6. Một thông điệp hòa hoãn sau cuộc gặp là điều cần thiết để trấn an các nhà đầu tư ở cả châu Á và Mỹ trong phiên giao dịch thứ hai tuần sau.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ phát biểu tại G20

Chiều 27-6, chuyên cơ chở Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn cấp cao Việt Nam đến Osaka, bắt đầu chuyến tham dự Thượng đỉnh G20 và thăm Nhật Bản từ ngày 27-6 đến 1-7.

Thủ tướng dự kiến có bài phát biểu tại phiên họp toàn thể của Hội nghị G20, chia sẻ tầm nhìn, ý tưởng hợp tác và nỗ lực của Việt Nam trong việc xử lý các vấn đề kinh tế toàn cầu, vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Theo chương trình, bên cạnh việc tham dự các phiên thảo luận, Thủ tướng sẽ có nhiều cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo các quốc gia tham dự Thượng đỉnh G20. Thủ tướng cũng sẽ có một số cuộc gặp gỡ với các doanh nghiệp, tổ chức hữu nghị vùng Kansai trong thời gian ở Osaka.

D.AN

Huawei nằm trong thỏa thuận?

Tờ Wall Street Journal ngày 27-6 dẫn nguồn các quan chức Trung Quốc tiết lộ ông Tập Cận Bình đã chuẩn bị sẵn một loạt điều khoản để dàn xếp căng thẳng thương mại với Mỹ trong cuộc gặp bên lề G20.

Trong số các điều kiện tiên quyết, Bắc Kinh có thể buộc Mỹ hủy bỏ lệnh cấm bán công nghệ của Mỹ cho tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei. Bắc Kinh cũng muốn Mỹ bỏ mọi mức thuế trừng phạt đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc và thôi ra sức buộc Trung Quốc mua nhiều hàng xuất khẩu của Mỹ hơn.

Cũng theo các quan chức Trung Quốc, ông Tập sẽ phác thảo một mối quan hệ song phương tối ưu, bao gồm sự hỗ trợ của Trung Quốc trong các vấn đề an ninh gây phiền toái cho Mỹ, đặc biệt là Iran và Triều Tiên.

NGÔ HẠNH

Việt Nam là khách mời đặc biệt của hội nghị G20

TTO - Chiều 27-6, chuyên cơ chở Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn cấp cao Việt Nam đã đến sân bay quốc tế Kansai ở TP Osaka, bắt đầu chuyến tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm G20.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên