Theo Hãng tin Reuters, Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng các nhà lãnh đạo Đức, Ý, Hà Lan và Romania đã ra tuyên bố chung với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, thông báo sẽ chuyển thêm các hệ thống Patriot và các hệ thống phòng không chiến lược khác cho Kiev.
"Chúng tôi sẽ cung cấp cho Ukraine thêm các hệ thống phòng không chiến lược, bao gồm các khẩu đội Patriot do Mỹ, Đức và Romania viện trợ; các thành phần Patriot do Hà Lan và các đối tác khác tặng để có thể vận hành thêm một khẩu đội Patriot nữa; và thêm một hệ thống SAMP-T do Ý viện trợ", tuyên bố chung nêu.
Tổng thống Joe Biden ngày 9-7 gọi đây là "khoản viện trợ thiết bị phòng không mang tính lịch sử cho Ukraine", trong đó có một hệ thống Patriot từ Mỹ. Đây là một phần trong nỗ lực của NATO nhằm bảo vệ Ukraine khỏi các cuộc tấn công trên không của Nga.
Nhà lãnh đạo Mỹ đánh giá các hệ thống phòng không "sẽ giúp bảo vệ các thành phố, dân thường và binh sĩ của Ukraine". Ông Biden cho biết trong những tháng tới, Mỹ và các đồng minh NATO cũng sẽ gửi cho Ukraine "thêm hàng chục hệ thống phòng không chiến thuật".
Hãng tin Reuters nhận định ông Biden đã có "bài phát biểu mạnh mẽ" tại hội nghị thượng đỉnh NATO lần này. Ông đã cam kết sẽ bảo vệ Ukraine trước cuộc tấn công của Nga, đồng thời sử dụng dịp này để cố gắng cho các đồng minh thấy rằng ông vẫn có khả năng lãnh đạo.
"(Tổng thống Nga) Putin không muốn gì hơn ngoài sự khuất phục hoàn toàn của Ukraine và xóa sổ Ukraine khỏi bản đồ. Nhưng Ukraine có thể và sẽ ngăn chặn được ông Putin" - Tổng thống Biden nói khi chào mừng lãnh đạo các nước thành viên NATO đến dự hội nghị thượng đỉnh.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đến Washington vào ngày 9-7 và dự kiến gặp ông Biden vào thứ năm (11-7).
Ông gửi thông điệp tới Mỹ: Đừng đợi đến tháng 11 mới viện trợ Ukraine. Ông Zelensky kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị Mỹ không nên chờ đợi kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 mới hành động mạnh mẽ để hỗ trợ đất nước ông chống lại Nga.
NATO ký hợp đồng tên lửa Stinger trị giá 700 triệu USD
Trong diễn biến khác, NATO đã ký hợp đồng trị giá gần 700 triệu USD để các nước thành viên sản xuất thêm tên lửa Stinger. Đây là một trong nhiều bước mà liên minh quân sự này đang thúc đẩy tại hội nghị thượng đỉnh ở Washington, để mỗi quốc gia tăng cường năng lực sản xuất vũ khí của riêng mình.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã công bố hợp đồng này. "Không có cách nào để cung cấp khả năng phòng thủ mạnh mẽ nếu không có một ngành công nghiệp quốc phòng mạnh mẽ" - ông Stoltenberg chỉ ra.
Stinger là hệ thống phòng thủ đất đối không di động, có thể được binh sĩ mang theo và khai hỏa, hoặc gắn trên xe và được sử dụng làm hệ thống phòng thủ tầm ngắn đối phó máy bay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận