Xung đột tại Ukraine và Dải Gaza liên tục leo thang trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, giao tranh tại Dải Gaza dường như không nhận được nhiều sự quan tâm tại hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Ukraine là tâm điểm chú ý
Sự leo thang ngày càng tăng trong xung đột Nga - Ukraine thời gian gần đây đã trở thành trọng tâm thảo luận của các nhà lãnh đạo NATO tại thủ đô Washington ngày 9-7.
Trong hội nghị thượng đỉnh NATO lần này, Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng các nhà lãnh đạo Đức, Ý, Hà Lan và Romania đã ra tuyên bố chung với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, thông báo sẽ chuyển thêm các hệ thống Patriot và các hệ thống phòng không chiến lược khác cho Kiev.
Theo tuyên bố chung, các lãnh đạo thế giới tuyên bố sẽ cung cấp cho Ukraine thêm các hệ thống phòng không chiến lược. Tổng thống Joe Biden gọi đây là “khoản viện trợ thiết bị phòng không mang tính lịch sử cho Ukraine”.
Cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc diễn ra trong bối cảnh Ukraine cáo buộc Nga không kích hàng loạt vào các thành phố của nước này, cùng một bệnh viện nhi tại thủ đô Kiev ngày 8-7.
"Phương Tây đạo đức giả" vì ngó lơ Gaza
Bên cạnh khoản viện trợ lịch sử dành cho Ukraine, Mỹ và phương Tây cũng bị chỉ trích khi các nước này phẫn nộ trước cuộc không kích nhằm vào Ukraine được cho là do Nga gây ra, nhưng lại thờ ơ trước việc Israel liên tục tấn công và phá hủy các cơ sở y tế và trường học Gaza.
Tại hội nghị thượng đỉnh NATO ngày 9-7, giới quan sát quốc tế nhận thấy Gaza có vẻ như không nhận được nhiều sự quan tâm như mong đợi.
Mặc dù trước đó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan - vị lãnh đạo từng lên án gay gắt Israel kể từ khi xung đột tại Dải Gaza diễn ra vào tháng 10-2023 - cho biết ông muốn đưa giao tranh tại Gaza trở thành “tâm điểm chú ý tại hội nghị”.
Ông Erdogan tiếc nuối vì cộng đồng quốc tế đã thất bại trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công của Israel, đồng thời nói thêm rằng nỗi đau chiến tranh sẽ không thể nào nguôi ngoai nếu không vun đắp một nền hòa bình công bằng và lâu dài tại Palestine.
Tờ Washington Post dẫn lời một đại biểu cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ lập luận việc phương Tây thiếu cứng rắn khi lên án các cuộc tấn công của Israel vào thường dân khiến sự ủng hộ của NATO dành cho Ukraine trở nên tương phản và nổi bật hơn bao giờ hết.
Nói với tờ báo Mỹ, ông Numan Kurtulmus - chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ - cho biết hành động của phương Tây rõ ràng là “đạo đức giả” và “tiêu chuẩn kép”.
“Đây là một dạng phân biệt chủng tộc nếu bạn không chấp nhận những nạn nhân Palestine ngang hàng với những nạn nhân Ukraine”, ông Kurtulmus nhấn mạnh.
Chỉ chưa đầy một năm, các đợt ném bom của Israel vào Dải Gaza đã tàn phá khu vực này hơn thiệt hại trong nhiều năm của xung đột Nga - Ukraine. Lãnh thổ Gaza từng đông đúc giờ đây đã bị san bằng và dự kiến cần hàng thập kỷ để tái thiết.
Theo tạp chí y khoa danh tiếng The Lancet (Anh), số người chết thật sự trong xung đột Dải Gaza, bao gồm cả những người chết do suy dinh dưỡng, bệnh tật và các nguyên nhân khác do chiến tranh, có thể vào khoảng 186.000 người, chiếm 8% dân số Gaza.
Trước những mất mát kinh hoàng trên, một số nhà lãnh đạo trên thế giới bày tỏ lo lắng và nhắc lại rằng khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, phương Tây từng dẫn đầu các chiến dịch toàn cầu khi kêu gọi thế giới lên án Nga nhân danh nhân quyền và luật pháp quốc tế.
“Tuy nhiên hiện nay chính những quốc gia này (Mỹ và phương Tây) lại cho phép một cuộc xung đột khác diễn ra, lần này là ở Dải Gaza”, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận