TTCT - 8h30 sáng thứ ba 26-2, ông Kim Jong Un rời ga Đồng Đăng lên xe trực chỉ Hà Nội. Trước đó, vào nửa đêm (giờ Việt Nam), ông Donald Trump từ chiếc Air Force One đăng dòng tweet: “Trên đường tới Việt Nam cho cuộc gặp của tôi với Kim Jong Un. Hướng tới một thượng đỉnh rất kết quả”. Sân khấu sáng đèn rực chiếu lên hai ông này. Tuy nhiên, trong cánh gà còn những ai nữa? Ảnh: The Intercept Một hội nghị thượng đỉnh luôn là màn phô diễn quan hệ với công chúng (PR), ông Kim và ông Trump thừa biết cách thu hút sự chú ý, nhất là khi ông Trump nguyên là nhà sản xuất kiêm “chủ sô” của chương trình truyền hình thực tế nổi tiếng The Apprentice, còn ông Kim thì hưởng lợi thế “hữu xạ tự nhiên hương” nhờ chính bức màn bí ẩn bao quanh ông, gia đình dòng họ ông, và đất nước ông. Trang 1 của 2 nhân vật chính Từ cả tuần trước, báo chí đặt câu hỏi về lộ trình và phương tiện đi lại của ông Kim. Và rồi khi có tin ông sẽ đáp tàu lửa là đủ mọi lý giải giả đoán được đưa ra, bao gồm việc thể hiện quan hệ thắm thiết với Trung Quốc, làm gì cũng “qua ngả” Trung Quốc, hoặc để tỏ rõ ông là người kế thừa của gia tộc họ Kim, đi lại hành trình mà ông nội ông - Kim Nhật Thành - đã đi khi tới thăm Việt Nam vào năm 1958 và 1964. Thủng thẳng một ngày sau khi ông Kim lên đường, trang Twitter của thông tấn xã Triều Tiên KCNA mới đưa tin: “Lãnh tụ tối cao Kim Jong Un rời Bình Nhưỡng cho cuộc gặp và đàm phán thượng đỉnh CHDCND Triều Tiên - Hoa Kỳ lần thứ hai”. Nhưng trước đó thì báo chí quốc tế đã làm quá tốt việc quảng bá hình ảnh lãnh tụ tối cao Kim Jong Un đi vạn dặm đàm phán hạt nhân rồi. Ông Kim cũng tự “quảng bá”: nếu như lần trước ở Singapore ông thường không cười, trừ khi chụp ảnh với ông Trump, thì lần này ông đã tươi như hoa, thậm chí hạ kính xe vẫy chào… Muốn hay không muốn, sân khấu là của ông Kim - người lần đầu tới Việt Nam! Ông Trump không có lợi thế “bức màn bí ẩn” của ông Kim. Báo chí thế giới đã quá quen những “quái thú” chống đạn hay “ngựa thồ” chở hàng của không quân Mỹ cũng như cảnh ông Trump đặt chân đến Hà Nội. CNN chỉ chiếu chèn màn hình cảnh đón ông Trump ở sân bay trên một diện tích bằng… con tem. Thế nhưng ông Trump cũng có cách để đưa mình lên trang nhất. Trên Twitter, ông loan báo trong buổi dạ hội tối 24-2 chiêu đãi các thống đốc bang ở Mỹ: “Chúng tôi sẽ đi Hà Nội, Việt Nam ngày mai. Thoạt đầu, tôi định đi rất sớm nhưng bây giờ tôi sẽ đi muộn hơn một chút. Tôi có một lựa chọn hoặc đi lúc 6 giờ sáng hoặc 11 giờ. Và tôi đã chọn 11 giờ. Bằng cách này, chúng tôi có thể dành chút thời gian với quý vị vào sáng mai, khi quý vị đang ăn sáng. Tôi sẽ đến dùng bữa sáng với quý vị”. Một cách bắn tiếng rằng ông không gấp gáp gì lắm chuyện đi Hà Nội, chưa rõ có phải chỉ với ông Kim không. Với chọn lựa khởi hành lúc 12h34 (giờ kênh Đông), ông đến Hà Nội vào chạng vạng tối thứ ba thay vì vào buổi chiều. Ai cần đều có mặt Trong khi báo chí thế giới tập trung tại Hà Nội chờ đón hai ông Trump và Kim, thì Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đến TP.HCM cùng Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn chủ trì hội thảo Việt - Nga lần thứ nhất với chủ đề “Hợp tác quốc tế trong một thế giới biến động”, vốn là một sự kiện nằm trong khuôn khổ Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai, một diễn đàn do Nga bảo trợ. “Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chúng tôi muốn thúc đẩy chương trình nghị sự về các vấn đề an ninh và kinh tế, mà liên kết và hướng tới duy trì hòa bình, đảm bảo sự phát triển bền vững, củng cố nền tảng của giao tiếp giữa các quốc gia” - ông Lavrov nhấn mạnh. Trong hội thảo đã đặt ra những đề tài thảo luận như “Nga đã sẵn sàng đi xa bao nhiêu ở châu Á?”, “Nga và Việt Nam trong một châu Á mới”… Còn nhớ, ba tháng trước, 22-10-2018, tại cuộc họp thường niên lần thứ 15 của CLB Valdai ở Sochi (Nga), trưởng Ban đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì từng nói, theo Tân Hoa xã: “Dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin, mối quan hệ này (Nga - Trung) đã rất hiệu quả trong những năm gần đây và là tốt nhất trong lịch sử”. Lộ trình Nga - Trung mà ông Tập nhắc tới như “kim chỉ nam” cho việc giải bài toán Triều Tiên, được đặc phái viên của Trung Quốc - Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị, giới thiệu sau cuộc họp hôm 4-5-2018 với người đồng cấp Nga Lavrov, theo trang tiếng Anh của Bộ Ngoại giao Trung Quốc: “Đầu tiên, chúng ta phải tuân thủ định hướng chung về phi hạt nhân hóa. Phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là chìa khóa chính để giải quyết tất cả các vấn đề liên quan đến bán đảo Triều Tiên cũng như con đường chung dẫn đến hòa bình và ổn định lâu dài của bán đảo. Tất cả các bên nên kiên quyết tuân thủ định hướng chung này. Thứ hai, chúng ta nên tuân thủ “cách tiếp cận kép”, cụ thể là hiện thực hóa phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và thiết lập một cơ chế hòa bình trên bán đảo. Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên có liên quan mật thiết đến các mối đe dọa an ninh dài hạn mà tất cả các bên phải đối mặt, đặc biệt là CHDCND Triều Tiên. Do đó, trong việc thúc đẩy quá trình phi hạt nhân hóa, giải quyết các mối quan tâm an ninh hợp pháp của CHDCND Triều Tiên là một yêu cầu chính đáng, hợp lý… Thứ ba, chúng ta nên bám sát các giải pháp theo từng giai đoạn, đồng bộ và từng gói một”. Đường hướng đó hẳn cũng đã được trao đổi trong các chuyến thăm gần đây của ông Kim tới Bắc Kinh: lần thứ nhất từ ngày 25 đến 28-3-2018, lần thứ hai ngày 7 và 8-5-2018 (trước thượng đỉnh Singapore), lần thứ ba ngày 19 và 20-6-2018 (sau thượng đỉnh Singapore), và mới đây nhất từ ngày 7 đến 10-1-2019 (trước thượng đỉnh Hà Nội). The Diplomat còn cho biết hôm 9-10-2018, sau chuyến thăm mới nhất của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo tới Triều Tiên, các thứ trưởng ngoại giao Igor Morgulov (Nga), Khổng Huyễn Hựu (Trung Quốc) và Choe Son Hui (Triều Tiên) đã họp lần đầu tiên tại Matxcơva để thảo luận về việc nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên. Sau cuộc họp, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Morgulov đã tuyên bố rằng các biện pháp nên phản ánh tính hỗ tương, song song, đồng bộ và từng bước, và nhấn mạnh rằng tình hình trên bán đảo Triều Tiên sẽ được giải quyết theo lộ trình Nga - Trung. “Vòng đàm phán ba bên gần đây nhất giữa các quan chức Trung Quốc, Nga và Triều Tiên củng cố thông điệp rằng không phải mọi quyết định sẽ được đưa ra tại Washington” - The Diplomat kết luận. Bằng chứng là trước thượng đỉnh Hà Nội, ông Trump đã dịu giọng: “Tôi không vội vàng. Tôi chỉ không thích thử nghiệm (vũ khí hạt nhân). Chừng nào còn không thử nghiệm, thì còn vui”. Tối thứ tư 27-2, hai ông Trump và Kim gặp nhau tại khách sạn Metropole Hà Nội rồi cùng ăn tối, nhưng thật rõ, bữa tiệc không chỉ có hai người.■ Báo chí quốc tế ca ngợi Việt Nam Trang tin Đức Faz.net viết: “Khi từ thứ tư tới, khoảng 2.500 nhà báo tề tựu về cuộc gặp thượng đỉnh thứ nhì giữa Donald Trump và Kim Jong Un, vấn đề bàn thảo sẽ là tương lai của Triều Tiên, châu Á, có thể là cả thế giới. Nhưng câu chuyện cũng là về nước chủ nhà, về Việt Nam, khi quốc gia này cho thấy họ là một địa điểm nghiêm túc cho một cuộc gặp như thế. Đây là một bước đi nữa trong hành trình phi thường của đất nước này trong những năm gần đây”. Bài viết điểm lại những thành tựu của Việt Nam, nhắc tới mức tăng trưởng 7% trong năm vừa rồi và thực tế là kể từ khi đổi mới, GDP của Việt Nam tăng ở mức 6,7% mỗi năm. “Quần chúng rộng lớn đã được hưởng lợi từ sự tăng trưởng kinh tế - bài báo viết - Những trường học, bệnh viện, và nhu cầu việc làm gia tăng ở các nhà máy hiện đại. Xuất khẩu chiếm hơn 90% sản lượng kinh tế và về giá trị tuyệt đối cao hơn cả Thụy Điển và của một niềm hi vọng Đông Nam Á khác, Indonesia. Trong khi đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 1991 chỉ là hơn 1 tỉ đôla, ngày nay gần 20 tỉ đôla đang đổ vào Việt Nam. Samsung hiện đang sản xuất hơn một nửa số điện thoại di động của họ ở bảy nhà máy tại Việt Nam. Điều này hẳn sẽ gây hứng thú với ông Kim… Trong chỉ mười năm, lượng khách du lịch đã tăng từ 10 lên 20 triệu người, và ngày càng nhiều người quay trở lại…, và thu nhập bình quân đầu người tăng từ 360 lên 2.400 USD”. Đài truyền hình Mỹ CNN thì nhắc về lịch sử: “Hà Nội đã từ chỗ bị Washington đánh bom trở thành chủ nhà cho thượng đỉnh Trump - Kim thế nào?”, điểm lại những bước phát triển vượt bậc của thành phố thủ đô Việt Nam kể từ cuộc chiến, với kết luận: “Khi đi qua thành phố, họ (tức ông Trump và Kim) sẽ đi qua một cây cầu mới trên sông Hồng, qua những tòa nhà mới, những cao ốc, nhà máy, trung tâm mua sắm, nhà hàng và khách sạn. Họ sẽ nhìn thấy một thành phố đã hồi sinh từ cuộc chiến tranh khốc liệt và đang thịnh vượng trong nền kinh tế toàn cầu - một siêu đô thị tự tin vào những hứa hẹn tương lai”. 4 điểm then chốt của tuyên bố thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 1 tại Singapore: 1. Hai bên cam kết thiết lập mối quan hệ mới “phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước vì hòa bình và thịnh vượng”. 2. Hai bên sẽ cùng nỗ lực xây dựng cơ chế hòa bình lâu dài và ổn định trên bán đảo Triều Tiên. 3. Tái khẳng định Tuyên bố Bàn Môn Điếm ngày 27-4-2018, theo đó CHDCND Triều Tiên cam kết hợp tác hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. 4. Mỹ và Triều Tiên cam kết xúc tiến việc tìm kiếm hài cốt tù nhân chiến tranh và lính Mỹ mất tích khi làm nhiệm vụ, bao gồm hồi hương ngay lập tức những di thể đã được xác định. Tags: Triều TiênKim Jong UnThượng đỉnh Mỹ TriềuPhi hạt nhânSân ga không chỉ hai người
Bầu cử Mỹ: Hòa ở điểm bỏ phiếu đầu tiên, ông Trump tiếp tục vận động xuyên đêm NGỌC ĐỨC 05/11/2024 Đúng 0h ngày 5-11 (giờ địa phương), người dân Dixville Notch (bang New Hampshire) bỏ những lá phiếu đầu tiên trong ngày bầu cử Mỹ năm 2024.
Cận cảnh thủy lợi Bản Mồng sau 14 năm khởi công, đội vốn hơn 1.800 tỉ đồng DOÃN HÒA 05/11/2024 Sau 14 năm khởi công, dự án hồ thủy lợi Bản Mồng có tổng mức đầu tư hơn 5.550 tỉ đồng ở Nghệ An vẫn chưa hoàn thiện như dự kiến.
Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy 'giải oan' cho bệnh nhân mắc Wilson bị chẩn đoán nhầm tâm thần nhiều năm THU HIẾN 05/11/2024 Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy vừa 'giải oan' cho một bệnh nhân nữ mắc bệnh Wilson hiếm gặp nhưng bị chẩn đoán nhầm thành tâm thần phân liệt nhiều năm.
Cha mẹ giao xe máy cho con đừng vì 'con người ta có thì con mình cũng có' LÊ TẤN THỜI 05/11/2024 Phụ huynh nên cân nhắc khi giao xe máy cho con vì đó là sự an toàn, là tính mạng của con em mình.