Ông Kim và ông Trump đi dạo trò chuyện trong khuôn viên khách sạn Metropole ngày 28-2 - Ảnh: REUTERS
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, các chuyên gia đều nhận định trước hết cần xây dựng lòng tin lẫn nhau mới có thể đưa đàm phán đến hiệu quả thực chất.
Ông Nguyễn Thành Trung (giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế SCIS, ĐH KHXH&NV TP.HCM):
Vẫn còn thiếu lòng tin
Tôi luôn đặt kỳ vọng vào nền hòa bình, không chỉ cho bán đảo Triều Tiên, mà còn cho toàn khu vực và thế giới.
Tôi nghĩ rằng nếu không ra được kết luận đột phá, bước tiếp theo cả hai bên sẽ thể hiện quan điểm cùng cố gắng để giải quyết vấn đề và cần giảm sự mong đợi vào đối phương sẽ nhượng bộ mình như thế nào.
Ông Nguyễn Thành Trung - Ảnh: Tuổi Trẻ Online
Mỹ nên cụ thể hóa yêu cầu của mình và không nên yêu cầu quá nhiều trong một lần về phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Họ nên có chính sách cụ thể hơn về vấn đề này.
Tôi nghĩ hiện tại vấn đề chính là thiếu lòng tin chiến lược giữa hai quốc gia. Một bên không tin rằng nếu tôi giải giáp hết vũ khí hạt nhân thì tôi sẽ được bồi thường tương ứng. Tôi cho rằng việc thiếu lòng tin chính là khúc mắc lớn nhất hiện tại.
Ông Nguyễn Minh Mẫn (trưởng Bộ môn Quốc tế học, ĐHSP TP.HCM):
Cần nhiều thời gian
Quan điểm của tôi là chúng ta không nên áp đặt hội nghị nào cũng phải có một kết quả nhất định.
Ông Nguyễn Minh Mẫn cho biết không nên áp đặt việc đàm phán phải có kết quả - Ảnh: Tuổi Trẻ Online
Theo kinh nghiệm quốc tế thì phải trải qua rất nhiều vòng thương thuyết mới đạt được kết quả thỏa đáng. Tôi cho rằng để giải quyết vấn đề khúc mắc giữa hai bên, quan trọng nhất là niềm tin lẫn nhau và thiện chí đàm phán. Mà điều này thì cả hai nước đều chưa thể hiện rõ.
Còn về việc chính quyền Mỹ có làm những bước tiếp theo hay không còn phụ thuộc vào sách lược đối ngoại của Nhà Trắng, đặc biệt là sách lược trong quan hệ với Triều Tiên của ông trong thời gian tới.
Điều quan trọng nhất ở đây là hai nước đã có cơ hội bày tỏ quan điểm của mình. Vấn đề hạt nhân và tiến trình hòa bình đều cần nhiều thời gian và thiện chí của đôi bên. Không thể giải quyết trong một sớm một chiều.
Dù trước đó tôi mong có một kết quả cụ thể nhưng cũng không quá kỳ vọng vào điều này.
Ông Terry Buss (Học viện Hành chính quốc gia Mỹ):
Thành quả đáng ghi nhận
Dù cho không đạt được thỏa thuận chung, đôi bên vẫn sẽ ra về và nói những điều tích cực. Ông Trump rất nổi tiếng về khoản nói mọi thứ đã ổn trong khi thực tế không hề ổn. Ông Kim cũng không thể chỉ quay về và nói không gặt hái được gì.
Ông Terry Buss nhận xét tích cực về thành quả của ông Trump - Ảnh: Tuổi Trẻ Online
Đôi bên sẽ nói đại loại như "chúng tôi đã có cuộc trao đổi tích cực, hiểu rõ về nhau hơn" rồi sau đó mọi thứ lại cuốn theo chiều gió. Hiện giờ họ đang làm điều đó rồi. Cả hai bên đều đưa ra những khía cạnh tích cực từ cuộc đàm phán. Nhưng chúng ta không rõ điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Nhưng tôi cho rằng, việc kéo ông ngồi vào bàn đàm phán đã là một thành quả đáng ghi nhận của ông Trump. Đây là điều không tổng thống Mỹ nào trước đó làm được. Đây quả thực là hội nghị thượng đỉnh phức tạp nhất và bất ổn nhất từ trước tới nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận