Tùy viên quân sự Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine (giữa) đến vùng chiến sự Donetsk ngày 19-11-2021 Ảnh: Bộ Quốc phòng UkraineTùy viên quân sự Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine (giữa) đến vùng chiến sự Donetsk ngày 19-11-2021 - Ảnh: Bộ Quốc phòng Ukraine
Một cuộc gặp trực tuyến dường như là không đủ để hóa giải các lo ngại và hiềm khích chất chứa nhiều thập niên.
Nguồn cơn căng thẳng hiện nay bắt nguồn từ việc Ukraine, một nước cộng hòa thuộc Liên Xô (cũ) có quan hệ lịch sử và văn hóa chặt chẽ với Nga, muốn "hướng Tây" và cậy nhờ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ dẫn dắt.
SWIFT vẫn đang ở trên bàn nghị sự, nhưng đó sẽ là phương sách cuối cùng.
Cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine John Herbst nói về đối sách tối thượng của Mỹ để buộc Nga giảm sức ép với Ukraine.
Lằn ranh đỏ của Nga
Tổng thống Nga Putin đã nói rất rõ lằn ranh đỏ với Mỹ và NATO: không mở rộng về phía Đông và không đưa vũ khí tấn công đến Ukraine.
Việc NATO tiến sát biên giới Nga không còn là điều bí mật. Sau khi kết nạp các nước Baltic thuộc Liên Xô (cũ), tổ chức này còn triển khai hệ thống tên lửa đến các nước thành viên gần Nga.
Những bất an của Nga hiện nay cũng có thể là cảm giác Mỹ từng trải qua khi Liên Xô (cũ) bí mật đưa tên lửa đạn đạo đến Cuba năm 1962 để đáp trả lại việc Mỹ triển khai tên lửa trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Động thái của hai bên đã suýt dẫn đến chiến tranh hạt nhân giữa hai cường quốc.
Nếu Ukraine, một nước giáp biên giới với Nga, đồng ý cho NATO hay Mỹ triển khai tên lửa thì hậu quả của việc này có thể không kém khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.
Cho đến thời điểm hiện tại chưa có dấu hiệu nào cho thấy phương Tây sắp triển khai vũ khí đến Ukraine, nguyên nhân lớn nhất là do Kiev chưa phải là thành viên NATO. Cố vấn đối ngoại của Tổng thống Putin, ông Yuri Ushakov, tiết lộ ông Putin sẽ chỉ nêu một yêu cầu trong cuộc hội đàm trực tuyến với ông Biden.
Đó là một thỏa thuận ràng buộc pháp lý "loại trừ bất kỳ sự mở rộng nào của NATO về phía Đông và việc triển khai các hệ thống vũ khí có thể đe dọa Nga trên lãnh thổ của các nước láng giềng, bao gồm cả Ukraine".
Theo ông Ushakov, Nga từ lâu đã thúc đẩy thỏa thuận như vậy nhưng Mỹ và đồng minh dường như đã phớt lờ và tiếp tục đẩy mạnh về phía Đông. Những phản ứng hiện nay của Nga, bao gồm việc đưa quân đến các vùng sát biên giới Ukraine, là thông điệp của Matxcơva cho thấy các hành động của phương Tây nên ngừng lại.
Thế lưỡng nan an ninh
Trong quan hệ quốc tế, thế lưỡng nan an ninh hiểu đơn giản là việc một nước tìm kiếm sự đảm bảo an ninh bằng cách tăng cường năng lực tấn công. Điều này tạo ra sự bất an và mất an ninh ở những nước kế cận, dẫn đến việc những quốc gia này cũng tìm cách đảm bảo an ninh bằng cách tăng cường năng lực phòng thủ và tấn công.
Nga và phương Tây đang rơi vào trường hợp này.
Việc Matxcơva sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, dù sau một cuộc trưng cầu ý dân, bị Mỹ và NATO xem là một động thái nguy hiểm, đi ngược lại luật quốc tế. Cùng năm 2014, lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine giáp Nga nổi dậy chống chính quyền Kiev càng khiến quan hệ Nga - Ukraine và Nga - phương Tây trượt dốc.
Kể từ năm 2014, Mỹ đã áp dụng một loạt biện pháp trừng phạt đối với các thực thể và cá nhân Nga vì can thiệp bầu cử, tấn công mạng, vi phạm nhân quyền. Các nước châu Âu cũng áp lệnh trừng phạt Nga vì "sáp nhập bán đảo Crimea và hỗ trợ quân ly khai ở miền đông Ukraine".
Phương Tây cũng giúp Ukraine xây dựng quân đội, điển hình gần đây nhất các máy bay không người lái tấn công do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất xuất hiện tại Ukraine. Vì vậy, trong khi ông Putin phủ nhận mọi ý định phát động một cuộc tấn công vào Ukraine, quân đội của ông sẽ phải cân nhắc nhiều hơn trước một Ukraine có khả năng chiến đấu tốt hơn năm 2014.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong tuần này tuyên bố Nga không có quyền hạn trong việc quyết định Ukraine có tham gia NATO hay không.
"Việc quyết định thời điểm Ukraine sẵn sàng tham gia liên minh là tùy thuộc vào Ukraine và 30 đồng minh. Nga không có quyền phủ quyết, không có quyền can thiệp vào quá trình đó", ông Stoltenberg nói.
Phát ngôn của tổng thư ký NATO cho thấy sự thỏa hiệp giữa Nga và phương Tây quanh vấn đề Ukraine xem ra vẫn còn xa vời.
Mỹ muốn trừng phạt kinh tế
Mỹ đang bắn tín hiệu sẽ liên kết với các đồng minh để buộc Nga phải rút quân khỏi biên giới Ukraine. Các biện pháp trừng phạt hiện áp dụng đối với người Nga bao gồm đóng băng tài sản, cấm kinh doanh với các công ty Mỹ và từ chối nhập cảnh.
Theo Hãng thông tấn AP, phương Tây đang cân nhắc những hình phạt tài chính cứng rắn hơn nữa, trong đó có biện pháp loại Nga khỏi hệ thống thanh toán tài chính SWIFT có trụ sở tại Bỉ - vốn là nền tảng giúp chuyển tiền giữa hàng ngàn ngân hàng trên thế giới.
Nghị viện châu Âu đã thông qua một nghị quyết không ràng buộc, kêu gọi thực hiện bước đó nếu Nga xâm lược Ukraine.
Maria Shagina, một chuyên gia thuộc Trung tâm Carnegie Matxcơva (Nga), cho biết nền kinh tế Nga phụ thuộc vào xuất khẩu dầu, khí đốt tự nhiên và dựa vào SWIFT để thực hiện thanh toán.
Mỹ đã gây áp lực thành công với SWIFT để ngắt kết nối với các ngân hàng Iran vì chương trình hạt nhân/tên lửa của nước này, dẫn đến việc Tehran mất gần 50% doanh thu xuất khẩu dầu và 1/3 hoạt động ngoại thương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận