28/09/2016 10:37 GMT+7

Thương còn không hết, ghét nhau chi

LÊ ĐỖ QUỲNH HƯƠNG
LÊ ĐỖ QUỲNH HƯƠNG

TTO - "Đến con vật mà còn biết ôm choàng lấy con người để biểu lộ tình cảm, còn giữa con người chúng ta, vì sao hà tiện làm chi những cái ôm?"

Tác giả Lê Đỗ Quỳnh Hương  trong buổi ra mắt sách Thương còn không hết, ghét nhau chi - Ảnh: NVCC

Mình "share" (chia sẻ) cái clip về tình cảm của động vật hoang dã với người giải cứu nó trên mạng và viết: “Tới một cô tinh tinh bị bỏ rơi, khi được cứu và thả cho trở về rừng, cô còn biết ôm chầm lấy người từng cứu mình”, mọi người cảm thán quá chừng. Hầu hết nghiêng về hướng “Cứu vật vật trả ơn – cứu nhân nhân trả oán”.

Bài viết trích từ sách Thương còn không hết, ghét nhau chi của tác giả Lê Đỗ Quỳnh Hương (NXB Trẻ ấn hành tháng 9-2016).

Còn mình, thú thật, khi ngắm mãi cái ôm đó của con tinh tinh với người phụ nữ của trạm cứu hộ, khi viết những dòng đó, mình đã nghĩ nhiều hơn đến ý: "Đến con vật mà còn biết ôm choàng lấy con người để biểu lộ tình cảm, còn giữa con người chúng ta, vì sao hà tiện làm chi những cái ôm?".

Mình cứ xem đi xem lại cái ôm thắm thiết, đầy tình cảm thương yêu của cô tinh tinh và cái vỗ vỗ lưng đầy động viên an ủi của người phụ nữ. Mấy lần như một, cứ xem tới đoạn đấy, là nước mắt lại trào ra. Và bạn nghiệm lại đi, đâu phải chỉ có mỗi trường hợp này.

Có phải một trăm lần như một, mỗi lần bạn được ngắm cảnh hai người (hoặc mở rộng ra, chúng sanh nói chung) ôm choàng lấy nhau - dẫu đó là vợ chồng, cha con mẹ con, anh chị em, hay bạn bè, người thân, đồng nghiệp, thậm chí những người xa lạ vì thương cảm hoặc cảm kích nhau mà ôm choàng lấy nhau, trái tim bạn lại trào dâng một dòng cảm xúc ấm áp, tựa như dòng nước chảy xuôi?

Đó, tác động của những cái ôm đó. Không chỉ làm rung cảm những người trong cuộc, mà còn làm những người xung quanh ấm áp lây.

Trong bao nhiêu năm miệt mài cổ động mọi người sống yêu thương nhau, mình luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của những cái ôm thân thiết, chân thành. Thật sự điều này, có lẽ với xã hội phương Tây đã quá bình thường, nhưng ở nước mình, chắc còn nhiều ngại ngần.

Ngại ngần khi cả với chính những thành viên trong gia đình, mỗi khi các thành viên dần lớn lên là tự dưng lại đâm ra ngại ngần với nhau, chẳng dám ôm choàng nhau như ngày còn bé. Huống hồ gì giữa những người lạ.

Mình từng nói, hơi người ấm lắm. Bằng cách dùng hơi ấm của bản thân ta và sự ấm áp của đôi cánh tay ta để sưởi ấm người đối diện, dù chỉ là một khoảnh khắc, và ngược lại, nhận được hơi ấm từ cái ôm choàng dẫu ngắn ngủi từ một người đối diện, hơi ấm tinh thần ấy có lẽ sẽ đủ để nuôi dưỡng niềm vui, sự tích cực trong con người ta được cả một ngày.

Cái ôm có thể giúp vơi bớt nỗi đau... - Ảnh tư liệu
Cái ôm có thể giúp vơi bớt nỗi đau... - Ảnh tư liệu

 

Vợ chồng con cái nhà mình vẫn luôn giữ thói quen ôm choàng nhau một cái đầu ngày, trước khi chia tay nhau ai đi làm việc của người đó, và tối về trước khi đi ngủ (còn trong ngày gặp nhau lúc nào được, thích ôm choàng thêm mấy cái nữa thì cứ thoải mái, không tính đâu nha!).

Cha mẹ, dì Út của tụi mình cũng là những "cục ấm" mà mấy chị em, con cháu chúng mình mỗi ngày ôm lấy.

Ekip chúng mình, mỗi lần gặp nhau chuẩn bị chạy chương trình cũng có thói quen ôm choàng nhau một cái.

Còn những người bạn trang mình hả? Cái này hình như có "ghi nhận" rồi nè, hôm gặp nhau trong buổi ra mắt sách An nhiên mà sống vào tháng 9 năm ngoái, mình cũng kịp có những cái ôm choàng rất "tình thương mến thương" với một số bạn có mặt, để sau đó, mọi người đều hỉ hả về năng lượng tích cực truyền được cho nhau, dài mãi về sau.

Với những ai cô độc, buồn bã, những cái ôm choàng thương thiết còn mang tới sự an ủi nhiều hơn nữa.

Những cảm giác này, mình nhiều lần cảm nhận khi ôm lấy các cụ già neo đơn ở những trại nuôi dưỡng người già, hoặc các em bé sơ sinh ở những mái ấm. Những cái ôm không bao giờ là dư thừa.

Hãy để cho hơi ấm của bạn sưởi ấm những người xung quanh, và ngược lại. Hãy để năng lượng tích cực và sự chia sẻ, động viên từ bạn được lan tỏa đến những người xung quanh mình thông qua những vòng tay ôm choàng ấm áp, và ngược lại.

------------

>>Đọc thêm:

- Xuân đầu tiên không có mẹ

- Mẹ đi chân trần, con đi dép

- Á hậu Hoàng Oanh: Hãy để chính mình là điều kì diệu 

* Bạn có thể viết tản văn về những câu chuyện cuộc sống đòi thường tạo nhiều cảm hứng và chia sẻ với cộng đồng. Chuyện là của riêng bạn nhưng nhiều người có thể "thấy mình ở trong đó" hoặc đồng cảm với nó. Bạn là người trẻ và có câu chuyện trải nghiệm về đời mình, những thành công và thất bại, những hạnh phúc và buồn đau, những khi tuyệt vọng hoặc may mắn... Bạn muốn chia sẻ câu chuyện, xin hãy gửi bài về cho Tuổi Trẻ Online theo địa chỉ mail: [email protected] hoặc gửi vào phần Bình luận ngay bên dưới.

 

LÊ ĐỖ QUỲNH HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên