Một bé thơ từng bị chính cha mẹ bạo hành ở Bình Dương đang được chăm sóc, yêu thương - Ảnh: BÁ SƠN
Và cũng có lẽ do hoàn cảnh tuổi thơ, tôi rất nhạy cảm với buồn vui của con trẻ, kể cả khi bé bị đòn roi lẫn yêu thương từ cha mẹ.
Đấm đá con trẻ
Tôi ở trọ trong con hẻm nhỏ đường Tôn Thất Thuyết, quận 4. Đây chính là nơi tôi có rất nhiều trải nghiệm với tình cảnh trẻ em ở xóm lao động.
Phòng trọ tôi có nhà bên trái là một cặp vợ chồng với cô con gái xinh xắn, dễ thương. Người chồng ngày đêm chạy xe ôm, thường chỉ về nhà khi đã tối mịt. Người vợ bán lặt vặt nước uống ở vỉa hè khu phố Tây, quận 1.
Cô con gái năm ấy học lớp 4 ở chung với bà nội, và ngoài giờ học hành, bé còn phụ bà lựa lông gà lông vịt cho cơ sở sản xuất chổi lông gà. Một công việc của người nghèo chỉ kiếm được ít tiền lẻ mà tôi không hề biết cho đến khi về trọ ở hẻm nghèo này.
Điều đầu tiên khi mới về đây là tôi nhận ra ngay cặp cha mẹ này rất thương con gái, tình thương thể hiện ra mặt khi người mẹ đi bán về hay mua cho con bánh này kẹo nọ, thi thoảng còn ngồi chải tóc cho con ở trước cửa căn nhà nhỏ xíu. Thậm chí, mẹ con còn râm ran hát cùng với nhau bài "nhạc vàng" bolero hay nghe ở xóm lao động.
Bất ngờ, một buổi tối, tôi đang học bài thì nghe tiếng bịch, bịch, bịch như ai đấm đá trong căn nhà đó. Lúc đầu tôi tưởng vợ chồng đánh nhau, nhưng không phải vì người chồng chưa chạy xe ôm về. Vậy ai đánh, ai bị đánh? Tôi chạy ra xem thì nhà đóng kín cửa, chỉ có tiếng người mẹ hét trong nhà: "Tao nói mày... đồ ăn hại... đồ mất dạy... hỗn láo...".
Hoàn toàn không nghe tiếng bà nội đâu, cũng không nghe tiếng đứa bé khóc la, chỉ có tiếng bịch, bịch như đấm đá vào cơ thể người tiếp tục vang lên với những lời chửi bới duy nhất từ người mẹ.
Từng là đứa trẻ triền miên bị đòn đau ở quê nhà Tiền Giang, tôi có giác quan rất nhanh với chuyện này. Tôi biết đó là một trận đòn và trong nhà có lẽ chỉ một nạn nhân duy nhất là cô bé.
Với cậu sinh viên nhà quê lên phố, mọi thứ đều còn lạ lẫm, bỡ ngỡ như tôi, ban đầu lúng túng chưa biết xử lý ra sao, nhưng sau đó tôi thử kêu cửa, kêu "bà Bảy, bà Bảy" là bà cụ nhặt lông gà mà tôi đã kịp vài lần thưa hỏi khi đi ngang qua.
Bà cụ mở cửa, ló đầu ra, nhìn thấy tôi lại đóng ập cửa lại. Tôi đứng xớ rớ chưa biết làm gì tiếp theo thì ông hàng xóm nhà kế bên nói: "Cậu đi vô đi, để cha mẹ người ta dạy con, dính vô coi chừng bị chửi sấp mặt bây giờ".
Tôi vừa lúng túng vừa khó chịu quay lui vô phòng trọ của mình, chưa biết phải xử lý ra sao, cũng may lúc đó tiếng đòn đã ngớt lại. Sau này ở trọ tại đây thêm thời gian, tôi dần biết chuyện cô bé hàng xóm dễ thương hay bị ăn đòn từ mẹ.
Người phụ nữ gần 40 tuổi bình thường rất cưng con gái, nhưng có chuyện gì không vừa ý với con, cô nổi nóng lên là đánh. Còn cô bé có lẽ đã ăn đòn nhiều nên cũng ... "lì đòn", cứ đứng chịu trận mà tôi rất ít khi nghe tiếng khóc rên. Điều kỳ lạ nữa là hầu như lúc nào cũng có bà nội ở nhà nhưng bà không can mà cứ để yên cho con dâu dạy cháu.
Tìm cách can gián trực tiếp không thành, tôi thử bắt chuyện để can gián tiếp khi người mẹ đã nguôi giận. Bất ngờ chị ta lại nổi xung, trừng mắt nhìn tôi: "Đừng xía chuyện tao dạy con". Thái độ rất nóng nảy, khó chịu, khác hẳn ngày thường khi chị luôn vui vẻ, xởi lởi với cậu sinh viên như tôi.
Hàng xóm cũng đồng tình chuyện này, rằng bà mẹ đó thương con mà lại hay đánh con, mà mỗi lần đánh thì rất đau. Nhưng khi nghe tôi nói cần phải can, chứ để tội nghiệp cô bé, thì hầu hết hàng xóm lại không đồng tình với tôi: "Để cha mẹ người ta dạy con, chừng nào quá lắm mình hãy dính, chứ lú đầu vô coi chừng lại bị vạ lây".
Trọ lâu trong hẻm dân lao động này, tôi tiếp tục phát hiện ra nhiều nhà cũng hay dạy con kiểu bạo lực như thế. Nhiều nhà cũng chỉ một, hai con, bình thường cũng thể hiện rõ sự yêu thương, chiều chuộng, nhưng khi nóng giận lên thì đũa tre, cán chổi quét nhà, bạt tai, kể cả nắm đấm ập xuống những đứa trẻ tội nghiệp.
Tiếng cha mẹ văng tục, chửi bới, đánh đập, tiếng con nhỏ đau đớn, khóc xin dần trở thành âm thanh quen thuộc ở con hẻm và làm sống lại ký ức bị đòn roi của chính tôi.
Thương các đứa bé, tôi vẫn kiên trì can gián trực tiếp lẫn gián tiếp, nhưng hầu hết đều không thành công. Thậm chí, tôi còn tiếp tục bị phản ứng như chửi lại: "Đừng xía chuyện tao dạy con".
Mấy lần tôi đã nói tình trạng này với những người lớn tuổi và chức trách ở khu vực. Ai cũng thừa nhận hẻm dân lao động hay có cảnh dạy con bằng đòn roi với quan điểm "thương cho roi cho vọt". Nhưng đó là những cha mẹ, ông bà ruột thịt dạy dỗ con cháu và đều dừng lại ở mức "chỉ răn đe, chưa có gì nguy hiểm, phải dính đến pháp luật".
Tôi nói với họ đòn roi an toàn hay nguy hiểm là vô cùng mong manh, nếu lỡ tay thì...
Tình yêu thương của cha mẹ sẽ lan truyền điều tốt đẹp cho con thơ - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Có cách dạy nào khác không?
Đời ở trọ không gắn mãi một nơi, nhưng sau này đi rồi tôi vẫn nhớ mãi những đứa bé hay bị ăn đòn trong hẻm nghèo. Tôi nhớ cả cô bé "lì đòn", chỉ im lìm chịu trận, và nhớ cả những đứa bé sợ hãi, khóc la rền rĩ cả xóm cùng với tiếng chửi bới um xùm của cha mẹ chúng.
Ra trường, tôi đi làm, lập gia đình và trụ lại được ở thành phố. Tôi có nhiều bạn bè là các gia đình trẻ và hầu hết đều thương yêu con, đôi khi còn chiều chuộng quá mức. Tuy nhiên, tôi cũng biết vài trường hợp ngược lại, đã cứng rắn quá mức với con theo cách trừng phạt đòn roi.
Hình ảnh cái roi mây trong nhà thì tôi ít thấy, nhưng tôi bắt gặp không ít cây thước gỗ lớn hay đôi đũa dài nấu bếp, cán chổi lông gà bằng tre được dành riêng để trừng phạt con. Cha nóng nảy cho "ăn" bạt tai hay cú phát thật lực vào mông con trẻ. Mẹ nổi giận thì vụt cây thước, cây đũa, chổi lông gà đến lằn đỏ da thịt con.
Có lần tôi đã góp ý thẳng thắn với vợ chồng người bạn đang làm doanh nghiệp và giảng viên tiếng Anh: "Còn cách nào dạy bảo con hiệu quả mà không cần đòn roi không?". "Tụi mình hiểu hết mà, lý thuyết thì đúng nhưng thực tế khó lắm. Lâu lâu không cho ăn roi, mấy đứa nhỏ lờn mặt" - người chồng đang là giáo viên tiếng Anh trả lời tôi.
Bình tĩnh kể chuyện chính gia đình mình, tôi nói tôi cũng là đứa từng bị đòn roi của cha mẹ đến ám ảnh. Nhưng tôi quyết không "truyền thừa" cách dạy bạo lực đó với con mình, mà áp dụng biện pháp "nếu con thế này... thì con sẽ thế kia...".
Con tôi làm xong hết bài tập cô giáo cho, tôi sẽ cho con nghỉ sớm để đọc sách hay xem tivi. Nhưng nếu con tôi mải chơi, không làm bài tập, tôi sẽ phạt bằng cách tăng gấp đôi số bài tập con phải làm. Bé lớn đã đến tuổi đỡ đần mẹ rửa chén, dọn cơm. Nếu bé không làm, tôi sẽ phạt bé bằng cách lau thêm nhà bếp.
Tôi vẫn đang trải nghiệm cách giáo dục con kiểu này. Tôi chưa biết đúng hay không và phải nghe thêm ý kiến các nhà chuyên môn để có thể tiếp tục điều chỉnh, nhưng ít nhất tôi đã không dùng đòn roi với con mình. Cách răn đe bạo lực và sợ hãi mà đời tôi từng bị và vẫn còn mãi ám ảnh!
Sao cứ ép con trẻ phải giống người lớn?
Khi trưởng thành, tôi nhận ra một điều nữa là nhiều cha mẹ cứ ép con trẻ phải "khuôn phép" như mình. Thực tế làm sao có thể "giú ép" một đứa trẻ 5, 10 tuổi đang thời hồn nhiên, vui nghịch phải nề nếp như bậc cha mẹ 40 tuổi.
Cách ép con trẻ theo khuôn mẫu người lớn có phải đã sai không? Tại sao không để cho con trẻ được sống đúng với tâm sinh lý tuổi thơ các bé?
*****
Một cô giáo kể chuyện mình từng vụt học trò và hối hận. Một nhà tâm lý học nói hãy quẳng đòn roi vào kho quá khứ để không bao giờ mở ra nữa.
>> Kỳ tới: Hãy quẳng đòn roi vào quá khứ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận