09/04/2025 09:43 GMT+7

Thương chiến Mỹ - Trung tiếp tục leo thang

Một sự thật không ai mong muốn, nhưng ai cũng phải chấp nhận thực tế đã hiển hiện: cuộc chiến thương mại mới giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bắt đầu, đe dọa thay đổi sâu sắc nền kinh tế toàn cầu trị giá 115.000 tỉ USD.

Thương chiến - Ảnh 1.

Cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung từ đầu nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống Donald Trump - Nguồn: Tax Foundation, China Briefing, CNBC, CNN - Ảnh: AFP - Dữ liệu: THANH HIỀN - Đồ họa: T.ĐẠT

Chính quyền Mỹ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump không cho thấy bất kỳ dấu hiệu nhượng bộ nào, trong khi Trung Quốc cũng đã không còn đáp trả một cách kiềm chế.

Căng thẳng đối đầu

Tối 7-4 (giờ Việt Nam), thương chiến Mỹ - Trung leo thang nấc mới khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa áp thêm 50% thuế lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc nếu Bắc Kinh không rút lại mức thuế trả đũa 34% mà nước này vừa công bố. 

Mức thuế này, nếu được thực thi, sẽ nâng tổng rào cản thuế quan của Mỹ lên tới 104% đối với hàng Trung Quốc - con số đủ để khiến bất kỳ đơn vị nhập khẩu nào cũng phải chùn tay.

Ngay sau đó, Trung Quốc đáp trả không kém phần quyết liệt. Sáng 8-4, Bộ Thương mại nước này tuyên bố "sẽ chiến đấu đến cùng". 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm sau đó cũng khẳng định Bắc Kinh "không chủ động gây rối, nhưng cũng không sợ rắc rối". Giới quan sát nhận định khác với những lần trả đũa có phần kiềm chế trong nhiều tuần qua, Bắc Kinh giờ đã sẵn sàng theo đuổi cuộc chiến đến cùng.

Không dừng lại ở các biện pháp thuế quan "ăn miếng trả miếng" cân xứng với Washington, Trung Quốc còn sử dụng các công cụ kinh tế khác như siết xuất khẩu đất hiếm - nguyên liệu chiến lược trong sản xuất hàng công nghệ cao, đặc biệt nhắm vào những ngành mà Mỹ đang phụ thuộc.

Theo các chuyên gia của Capital Economics, Chủ tịch Tập Cận Bình "dường như tin rằng nền kinh tế Trung Quốc đủ mạnh để chịu đựng bất kỳ đòn đánh nào từ ông Trump". Chính tờ Nhân Dân Nhật báo cũng khẳng định Bắc Kinh đã "tích lũy đủ kinh nghiệm" sau nhiều năm đối đầu với Washington. "Trời sẽ không sập. Kinh tế Trung Quốc đủ lớn và có sức bền để đương đầu với bất kỳ cuộc bắt nạt thuế quan nào từ Mỹ", bài xã luận của tờ báo này nhấn mạnh.

Dữ liệu thương mại phần nào củng cố cho sự tự tin đó. Kể từ sau cuộc chiến thương mại đầu tiên năm 2018, Trung Quốc đã đẩy mạnh chiến lược giảm phụ thuộc vào Mỹ. Tỉ trọng xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm từ 19,2% (2018) xuống còn 14,7% (2024). 

Cùng lúc, hàng hóa Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc cũng bị thay thế dần bằng hàng nội địa hoặc từ các đối tác khác, kéo tỉ trọng từ 8,3% (2017) xuống còn 6,3% (2024).

Trên mặt trận công nghệ, Trung Quốc cũng đang vươn lên mạnh mẽ. Huawei - từng là nạn nhân lớn nhất trong cuộc chiến chip với Mỹ năm 2018 - nay đã giới thiệu nhiều mẫu chip mới khiến giới công nghệ bất ngờ. DeepSeek, công ty trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu Trung Quốc, được đánh giá có thể cạnh tranh với các mô hình ngôn ngữ lớn của phương Tây với chi phí thấp hơn nhiều.

Một yếu tố khác khiến Bắc Kinh thêm vững tin là tình hình trong nước đang dần ổn định sau nhiều năm khủng hoảng bất động sản. Giá nhà tại các thành phố lớn bắt đầu tăng trở lại, niềm tin tiêu dùng cải thiện. Tờ Economist nhận định Trung Quốc đã khéo léo "xì hơi" bong bóng nhà đất đúng vào khoảng lặng giữa hai cuộc chiến thuế quan, tránh được cú sụp đổ đồng thời.

Tuy nhiên, không phải mọi tín hiệu đều tích cực. Dù đã có bước chuẩn bị, nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn phục hồi và chưa chắc đủ sức gánh toàn bộ tổn thất từ việc mất đi thị trường Mỹ - đối tác thương mại lớn thứ hai. Nhân Dân Nhật báo cũng thừa nhận rằng "thuế quan của Mỹ sẽ có tác động lớn đến Trung Quốc".

Thương chiến - Ảnh 2.

Hình ảnh minh họa chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang - Ảnh: Worldfinancialreview

Ván cược lớn của ông Trump

Với ông Trump, cuộc thương chiến lần này cũng là một ván cược tất tay. Trước đây, nhiều chuyên gia từng tin rằng ông sẽ tránh đụng vào thị trường tài chính Mỹ - vốn cực kỳ nhạy cảm. Nhưng sau khi ông tuyên bố áp thuế, hơn 6.600 tỉ USD giá trị vốn hóa đã bị "thổi bay" khỏi Phố Wall nhưng Tổng thống Mỹ vẫn không hề dao động.

Chỉ số S&P 500 - đại diện cho các doanh nghiệp lớn nhất nước Mỹ - đã giảm gần 10% so với đỉnh hồi cuối tháng 2. Economist cho rằng sự hỗn loạn tại Phố Wall có thể chỉ là màn dạo đầu cho nỗi đau mà người dân và doanh nghiệp sắp phải đối mặt. Với việc toàn bộ đối tác thương mại lớn cung cấp hàng hóa thiết yếu cho người dân Mỹ đều bị đánh thuế, gần như chắc chắn giá tiêu dùng ở nước này sẽ tăng.

Sau những nỗ lực kiềm chế lạm phát của Cục Dự trữ liên bang (Fed) trong vài năm qua, tỉ lệ lạm phát ở Mỹ đang tiến vững về mốc an toàn 2%. Tuy nhiên, Capital Economics dự báo thuế quan của ông Trump sẽ đẩy lạm phát vượt quá 4% ngay trong năm 2025.

Ngân hàng JPMorgan mới đây cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2025 từ 1,3% xuống còn -0,3%. Nhiều tổ chức tài chính quốc tế cảnh báo nếu các chính sách thuế quan hiện tại tiếp tục được duy trì, suy thoái là điều khó tránh khỏi.

Dẫu vậy, ông Trump vẫn có lý do để tin vào sức bật của nền kinh tế Mỹ. Tháng 3 vừa qua, nước này tạo thêm 228.000 việc làm - vượt xa kỳ vọng. Chỉ số theo dõi tăng trưởng của Fed Dallas cho thấy kinh tế Mỹ vẫn tăng hơn 2%/năm, cao hơn nhiều so với các nước phát triển khác. Điều này tạo ra một "lớp đệm" giúp ông Trump theo đuổi chiến lược thương mại cứng rắn mà không lo nền kinh tế sụp đổ ngay lập tức.

Cuộc chiến thương mại giờ đã trở thành màn "thi gan" giữa Mỹ và Trung Quốc. Nếu Mỹ trụ vững qua cơn bão thuế quan và thu hút được dòng chuyển dịch nhà máy từ nước ngoài, đó sẽ là một chiến thắng nữa cho ông Trump. Không chỉ khôi phục ngành sản xuất, ông còn kỳ vọng thuế quan sẽ mang về "hàng nghìn tỉ USD" cho ngân sách, giúp cắt giảm thuế và trả nợ công.

Cục diện thương mại toàn cầu sắp định hình lại

Đầu thế kỷ 20, nhân loại chứng kiến hai cuộc thế chiến thảm khốc nhằm "vẽ lại bản đồ thế giới". Với những tác động đáng kể mà nó mang lại, cuộc thương chiến lần này giữa Mỹ và Trung Quốc hoàn toàn có thể là cuộc chiến "vẽ lại bản đồ thế giới" của thế kỷ 21.

Nhà kinh tế học đầu ngành Richard Baldwin nhấn mạnh Mỹ chỉ tham gia khoảng 15% thương mại toàn cầu. Phần lớn 85% còn lại, bao gồm Trung Quốc và Liên minh châu Âu, vẫn muốn duy trì cấu trúc thương mại quốc tế hiện tại.

Điều này có thể tạo nên những liên minh mới thay đổi đáng kể cục diện thương mại thế giới. Trong ngắn hạn, thế giới có thể chia thành hai phe "tuân thủ" và "chống đối" trước làn sóng thuế quan mới của ông Trump.

Bloomberg cũng lưu ý Bắc Kinh có thể chuyển hướng xuất khẩu để bù đắp thị trường Mỹ, như từng làm sau cuộc thương chiến đầu tiên. Tuy nhiên lần này các nền kinh tế từng hỗ trợ Trung Quốc cũng đang chịu ảnh hưởng từ thuế quan Mỹ.

Sự đổ bộ ồ ạt của hàng hóa Trung Quốc có thể dẫn đến "cơn sốc Trung Quốc" lan rộng và khiến nhiều nước khác cũng tính đến việc theo chân Mỹ áp thuế lên hàng hóa của quốc gia tỉ dân này.

"Cú sốc thuế quan Mỹ sẽ dẫn đến cú sốc hàng Trung Quốc còn mạnh mẽ hơn. Cú sốc kép này sẽ dẫn đến việc các nước lớn dựng rào thuế quan chống lại Trung Quốc. Đó là viễn cảnh tôi nghĩ rất dễ xảy ra", ông Baldwin dự đoán.

Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh:

Mỹ quan tâm cải thiện hàng rào phi thuế quan

Trước mắt, hàng hóa Việt Nam sẽ phải chịu mức thuế cao do Mỹ áp đặt trong khoảng một tháng. Khi hai bên đàm phán xong, có thể không còn mức thuế 46% nữa. Giả sử đàm phán thành công, mức thuế có thể giảm từ 46% về 10%.

Hiện Mỹ muốn duy trì mức thuế nhập khẩu cao với các nước để tạo đòn bẩy trong đàm phán, trong đó có Việt Nam. Mỹ đang gây sức ép để các quốc gia phải cải thiện hàng rào phi thuế quan - đây là điều phía Mỹ rất quan tâm. Vấn đề với Mỹ lúc này không phải là thuế của Việt Nam với hàng hóa Mỹ, mà là cải thiện hàng rào phi thuế quan.

Việc Mỹ giảm thuế từ 46% xuống mức bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào cách thức đàm phán của Việt Nam. Mức thuế có thể giảm theo kiểu khuyến khích Việt Nam thể hiện thiện chí trong đàm phán.

Việt Nam nên nhìn vào bản chất cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung để ứng phó, nhằm bảo vệ tối đa lợi ích quốc gia. Nếu một hiệp định thương mại song phương mới giữa Việt Nam và Mỹ được ký kết, đây sẽ là cơ sở pháp lý mạnh mẽ bảo vệ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ.

Tuy nhiên, mấu chốt của hiệp định mới sẽ không phải là việc Việt Nam giảm thuế cho hàng hóa Mỹ. Mức thuế Mỹ đang áp dụng với hàng Việt Nam so với nhiều quốc gia khác đã tương đối hấp dẫn - đây là lý do Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ với kim ngạch lớn.

Thuế của Việt Nam với hàng hóa, dịch vụ của Mỹ cũng rất hấp dẫn. Vì vậy, mấu chốt với phía Mỹ vẫn là thay đổi hàng rào phi thuế quan của Việt Nam.

Thương chiến Mỹ - Trung tiếp tục leo thang - Ảnh 3.Trung Quốc giảm giá nhân dân tệ, chuẩn bị cho thương chiến

Tỉ giá hối đoái đồng NDT chạm mức thấp nhất từ năm 2023 sau khi được ngân hàng trung ương Trung Quốc nới nhẹ, trong khi Hong Kong muốn đa dạng hóa quan hệ thương mại để giảm phụ thuộc vào Mỹ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên