30/09/2021 06:44 GMT+7

Thương chiến Mỹ - Trung 'nóng' trên mặt trận mới: máy bay thương mại

NGUYÊN HẠNH
NGUYÊN HẠNH

TTO - Trung Quốc đang thúc đẩy ngành sản xuất máy bay thương mại nội địa, trong khi thị trường hàng không quá béo bở ở nước này khiến Hãng Boeing của Mỹ không thể buông tay. Mâu thuẫn lợi ích này đã thổi bùng cuộc chiến mới nhất giữa hai nước.

Thương chiến Mỹ - Trung nóng trên mặt trận mới: máy bay thương mại - Ảnh 1.

Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào năm 2019 của phiên bản máy bay Comac C919 thứ 5 - Ảnh: REUTERS

Hồi tuần trước, Boeing đã dự đoán các hãng hàng không Trung Quốc sẽ cần thêm 8.700 chiếc máy bay mới trong vòng 20 năm nữa. Nếu tính theo đơn giá hiện nay, số lượng máy bay này có trị giá lên đến 1.470 tỉ USD.

Nỗi lo của Boeing

Hôm 29-9, bà Sherry Carbary - chủ tịch Boeing tại Trung Quốc - vui mừng thông báo đợt bay thử nghiệm của chiếc 737 MAX hồi tháng 8 vừa qua đã thành công rực rỡ. Với thành công này, bà Carbary kỳ vọng 737 MAX sẽ thoát lệnh cấm bay tại Trung Quốc vào cuối năm nay.

Một số quốc gia châu Á và phương Tây đã bỏ lệnh cấm bay đối với 737 MAX, trong khi nguồn tin của Reuters cho biết Trung Quốc có thể nới lỏng cho dòng máy bay này vào tháng 11 năm nay. Đối với Boeing, đây rõ ràng là một diễn biến đáng mừng khi Trung Quốc là một thị trường hàng không quan trọng của hãng.

Trước khi 737 MAX bị cấm bay vào tháng 3-2019 sau hai vụ tai nạn kinh hoàng liên tiếp, ¼ số đơn hàng của Boeing đều đến từ Trung Quốc. Việc làm ăn của Boeing ở Trung Quốc ngày càng trở nên khó khăn, trong bối cảnh tranh chấp thương mại diễn ra gay gắt giữa hai nước.

Giới quan sát cho rằng không chỉ Boeing mà cả Hãng máy bay Airbus của châu Âu cũng đang gặp khó ở thị trường Trung Quốc. Một trong những nguyên nhân chính khiến cho Boeing và Airbus lo âu là Bắc Kinh đang "dọn đường" cho dòng máy bay chở khách C919 do Hãng máy bay Comac của Trung Quốc phát triển.

Trong bài bình luận hồi tháng 7-2021, báo Financial Times nhận định Comac sẽ trở thành đối thủ đáng gờm của Airbus và Boeing với sự ra mắt của C919 - máy bay phản lực chở khách thân hẹp đầu tiên do Trung Quốc phát triển.

Được rót nhiều vốn và chính quyền chống lưng, tính đến thời điểm đó Comac đã công bố gần 1.000 đơn đặt hàng cho C919, chủ yếu đến từ các hãng nội địa. Comac dự tính sẽ giao đơn hàng C919 đầu tiên cho Hãng hàng không China Eastern Airlines vào cuối năm nay.

Theo Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Bắc Kinh không hề giấu giếm ý định phá thế độc quyền của Boeing và Airbus, khi hỗ trợ gần 72 tỉ USD cho việc phát triển C919.

Ông David Yu - chuyên gia tài chính trong ngành hàng không, hiện đang giảng dạy tại ĐH New York ở Thượng Hải - cho biết các hãng hàng không Trung Quốc "không bị yêu cầu cụ thể" phải mua C919 nhưng ông "chắc chắn rằng chính quyền đã gợi ý khá rõ ràng".

Mỹ tố Trung Quốc vi phạm cam kết

Báo Financial Times nhận định C919 không phải đối thủ của dòng máy bay Airbus A320 hay Boeing 737 về cả mặt tiết kiệm nhiên liệu hay tính năng, mẫu mã. "Vấn đề lớn nhất đối với cả hai doanh nghiệp phương Tây này là lượng đơn hàng ở Trung Quốc sẽ giảm đáng kể. Quốc gia này đang trên đường trở thành thị trường hàng không lớn nhất toàn cầu" - Financial Times chỉ ra.

Ông Richard Aboulafia - phó chủ tịch Hãng tư vấn hàng không Teal Group - cũng có quan điểm tương tự. "Comac không phải mối đe dọa cho bất cứ ai bên ngoài Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất toàn thế giới" - ông Aboulafia nói.

Với cơ hội hấp dẫn đến từ thị trường Trung Quốc, Chính phủ Mỹ cũng không thể đứng nhìn doanh nghiệp của họ chật vật. Hôm 28-9, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo tuyên bố Chính phủ Trung Quốc đang ngăn các hãng hàng không nội địa chi "hàng chục tỉ đôla" để mua máy bay của Boeing.

Bà Raimondo cho rằng Trung Quốc đã không tuân thủ cam kết của họ về việc mua hàng hóa Mỹ trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 - được ký kết vào năm 2020 dưới thời của chính quyền cựu tổng thống Donald Trump. 

"Chính phủ Trung Quốc đang ngáng đường các hãng hàng không Trung Quốc muốn mua số lượng máy bay Boeing có trị giá lên đến hàng chục tỉ đôla" - bà Raimondo phát biểu tại Washington (Mỹ).

Trong cuộc phỏng vấn sau đó với Đài phát thanh NPR, bà Raimondo nhấn mạnh: "Trung Quốc cần làm theo luật. Chúng ta cần phải bắt họ chịu trách nhiệm".

Mỹ siết xuất khẩu công nghệ cho C919?

Dòng máy bay C919 của Trung Quốc đã vắng bóng tại Triển lãm hàng không Chu Hải 2021. Theo 3 nguồn thạo tin của Reuters, việc Washington siết chặt xuất khẩu công nghệ đã khiến Trung Quốc gặp khó khăn trong việc phát triển máy bay C919.

Hơn 60% nhà cung cấp chính cho chương trình phát triển máy bay C919 là các doanh nghiệp Mỹ, bao gồm động cơ và hệ thống điện tử hàng không. Do không có phụ tùng thay thế, các máy bay C919 không thể cất cánh nên không đủ số giờ bay để nhận được chứng nhận từ Cơ quan Quản lý hàng không Trung Quốc. Theo Reuters, chương trình C919 bị trì hoãn có thể dẫn tới việc các hãng hàng không từ bỏ cam kết mua máy bay với Comac.

Ngày 28-9, Thời báo Hoàn Cầu, một tờ báo của chính quyền Trung Quốc, đã phản bác thông tin của Reuters. Tờ báo này cho biết dòng máy bay đang trong giai đoạn bay thử quan trọng và bận rộn, nên đó là lý do C919 không thể xuất hiện trong Triển lãm hàng không Chu Hải 2021.

BẢO DUY

Lãnh đạo Mỹ - Trung điện đàm lần đầu tiên sau 7 tháng Lãnh đạo Mỹ - Trung điện đàm lần đầu tiên sau 7 tháng

TTO - Ngày 9-9, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên sau 7 tháng, chia sẻ mong muốn sự cạnh tranh giữa hai nước không trở thành "xung đột".

NGUYÊN HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên