05/08/2019 18:48 GMT+7

Thương chiến Mỹ - Trung có thể thay đổi vĩnh viễn mô hình thương mại khu vực

N.BÌNH
N.BÌNH

TTO - Bất luận những hệ quả của thương chiến Mỹ - Trung như thế nào thì mô hình thương mại của khu vực có thể thay đổi một cách vĩnh viễn và các doanh nghiệp với tầm nhìn chiến lược sẽ là những đối tượng hưởng lợi đầu tiên.

Thương chiến Mỹ - Trung có thể thay đổi vĩnh viễn mô hình thương mại khu vực - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp cần cân nhắc về phương pháp đảm bảo tăng trưởng trong hoàn cảnh phải đối mặt với sự gián đoạn thương mại lâu dài. Trong ảnh: Doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận người tiêu dùng Thái Lan để mở rộng thị trường - Ảnh: N.BÌNH

Báo cáo đánh giá tác động chiến tranh thương mại Mỹ - Trung được Tổ chức Grant Thornton phát ra chiều 5-8 cho rằng bất luận những hệ quả của cuộc chiến này như thế nào thì mô hình thương mại của khu vực có thể thay đổi một cách vĩnh viễn và các doanh nghiệp với tầm nhìn chiến lược sẽ là những đối tượng hưởng lợi đầu tiên.

Cuộc chiến thương mại đang gây ảnh hưởng xấu đến khu vực, cuốn theo bất ổn kinh tế toàn cầu cũng như làm giảm sút niềm tin trên toàn châu Á - Thái Bình Dương. 

Thực tế trong Báo cáo kinh doanh quốc tế (IBR) mới nhất của Grant Thornton đã ghi nhận chỉ số lạc quan của khu vực APAC giảm 8 điểm phần trăm kể từ nửa cuối năm 2018 và thấp hơn 50% so với nửa đầu năm trước.

Tuy nhiên, các dữ liệu ghi nhận cũng cho thấy tại Việt Nam 72% người được khảo sát cảm thấy lạc quan về triển vọng kinh tế trong 12 tháng tới. Chỉ số lạc quan của Việt Nam xếp hạng nhì trên toàn bảng, vượt trên mức trung bình toàn khu vực APAC (26%) và mức trung bình toàn cầu (32%). 

Các doanh nghiệp cần cân nhắc về phương pháp đảm bảo tăng trưởng trong hoàn cảnh phải đối mặt với sự gián đoạn thương mại lâu dài. Điều này đòi hỏi sự đương đầu với những thách thức từ gián đoạn chuỗi cung ứng, cải tổ công nghệ, và việc tăng cường các yêu cầu pháp lý và tuân thủ cũng có thể cản trở việc tiếp cận những thị trường mới.

Tranh chấp thương mại đã gây ra các tác động không đồng đều trên toàn khu vực. Vận may kinh tế của các quốc gia cũng không giống nhau do các mức độ ảnh hưởng khác nhau của chiến tranh thương mại đến các nền kinh tế.

Trong đó, chiến tranh thương mại tạo ra những tác động đến thương mại và chuỗi cung ứng trên phạm vi toàn cầu, để đối mặt, các doanh nghiệp cần cân nhắc về chiến lược phát triển của mình trong tương lai để tận dụng và biến những ảnh hưởng này thành các cơ hội phát triển.

Đối với các doanh nghiệp đang mở rộng quy mô nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển dịch thương mại, thách thức tồn tại không chỉ ở thời gian chuyển giao năng lực sản xuất giữa các quốc gia mà còn là vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng.

Báo cáo cho rằng việc sở hữu nhiều chuỗi cung ứng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Cho đến gần đây, các doanh nghiệp tìm nguồn cung hàng hóa và nguyên liệu từ Trung Quốc thường dựa trên chiến lược chuỗi cung ứng "Trung Quốc cộng một". Các doanh nghiệp sẽ có nhà cung ứng thứ cấp tại một quốc gia khác nhằm đề phòng trường hợp gián đoạn chuỗi cung ứng. Chiến lược này có thể không còn đủ để đảm bảo chuỗi lưu thông hàng hóa.

Ngoài ra, công nghệ đang được xem là vấn đề trọng tâm trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc và làm nhòe đi ranh giới giữa cạnh tranh kinh tế và an ninh quốc gia. Xung đột đang dần đè nặng lên ngành công nghiệp điện tử và công nghệ của cả hai nước, không có dấu hiệu rõ ràng nào về phương hướng giải quyết.

Bất chấp chiến tranh thương mại, kỳ vọng vào đầu tư công nghệ trong khu vực quốc gia Đông Nam Á đều dự đoán một mức tăng trưởng đáng kể. Các doanh nghiệp Ấn Độ dự kiến tăng trưởng ròng của đầu tư công nghệ ở mức 75%, Indonesia dự kiến mức tăng 74% trong 12 tháng tới. Theo IBR, đầu tư công nghệ ở Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng 63%.

N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên