Kẹt xe kéo dài trên quốc lộ 22 (hướng Củ Chi về trung tâm TP.HCM) vì đơn vị thi công đã rào chắn 1/2 làn đường nhưng không cử người điều tiết giao thông - Ảnh: V.BÌNH
Các công trình rào chắn trên đường phố cần phải treo bảng thông tin về dự án. Trong trường hợp phát hiện sai phạm hoặc sự cố, người dân sẽ phản ảnh đến các cơ quan thẩm quyền giải quyết.
Thực tế ghi nhận nhiều nhà thầu không treo bảng thông tin ở công trình, hoặc có treo nhưng để ở một góc khuất ít người thấy nhằm "né" sự giám sát của người dân.
Việc chiếm dụng lòng, lề đường đã gây cản trở giao thông, rồi thêm việc thi công bê bối góp phần làm tăng ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến đi lại của người dân. Đây không phải là "căn bệnh" mới nhưng...
Có công trình là có nhà thầu vi phạm
Giữa tháng 5-2020, trời nắng như đổ lửa, các loại xe chạy qua nút ngã tư An Sương rất lớn. Tại khu vực này, công trình xây dựng hầm chui An Sương ở giao lộ quốc lộ 22 - quốc lộ 1 và đường Trường Chinh (Q.12, H.Hóc Môn) dựng hàng rào thu hẹp mặt đường.
Vì vậy, dòng xe chen chúc nối đuôi nhau từ trung tâm TP hướng về quốc lộ 22, ở chiều ngược lại cũng tương tự.
Theo người dân, tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên ở khu vực này. Còn tại thời điểm ghi nhận mặc dù lượng xe khá đông, di chuyển chậm chạp nhưng chúng tôi không thấy có người của công trình tổ chức hướng dẫn giao thông.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện đội tham mưu thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM cho biết đã xử phạt 4 nhà thầu thi công hầm chui An Sương gồm liên danh Tổng công ty Thăng Long CTCP - Nasaco - Đạt Phương - Hoàng Huy Toàn.
Lỗi vi phạm không bố trí người hướng dẫn, điều khiển giao thông khi xảy ra kẹt xe với mức phạt 4 triệu đồng. Còn nhà thầu giải trình rằng có bố trí bảo vệ làm nhiệm vụ điều tiết giao thông, nhưng không phải lúc nào bảo vệ cũng có mặt 24/24 giờ.
Thanh tra Sở GTVT cũng cho biết đã xử phạt 5 nhà thầu thi công trên các tuyến đường Cô Bắc (Q.1), Nguyễn Chí Thanh - Lý Nam Đế (Q.11), đường số 355 xã Tân An Hội (H.Củ Chi) và đường Linh Hòa (H.Bình Chánh)...
Các đơn vị trên thi công cống thoát nước, điện và cấp nước cũng không cử người hướng dẫn giao thông dù giao thông qua các khu vực này khá phức tạp. Điều này cho thấy nhiều nhà thầu thi công công trình ít quan tâm đến việc hướng dẫn người dân qua lại khu vực công trình để hạn chế tình trạng ùn tắc, nguy cơ tai nạn giao thông...
Trong khi đó, các công trình sau khi hoàn thành nâng cấp mặt đường, lắp đặt hệ thống thoát nước ở đường Lê Văn Khương (Q.12), đường 71 và 79-83 xã Tân Phú Trung, đường Bàu Trâm, Hà Văn Lao (H.Củ Chi)... có đến 5 nhà thầu vẫn để vật liệu đất, đá, vật dụng chình ình trên mặt đường, gây cản trở giao thông và nguy cơ tai nạn.
Trong 5 công trình trên có 4 công trình do Ban Quản lý chương trình mục tiêu quốc gia tại các xã ở H.Củ Chi làm chủ đầu tư và một công trình do Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn làm chủ đầu tư. Bên cạnh việc xử phạt, cơ quan chức năng đã yêu cầu các nhà thầu phải có ngay biện pháp khắc phục.
"Thuốc đặc trị" là gì?
Theo quy định của UBND TP.HCM, các công trình rào chắn trên đường phố cần phải treo bảng thông tin về dự án. Cụ thể là nội dung tên chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn, thời gian thi công, số điện thoại đường dây nóng...
Việc này cũng giúp người dân sẽ theo dõi, giám sát công trình thực hiện có đúng quy định hay không. Trong trường hợp phát hiện những sai phạm hoặc sự cố do công trình gây ra, người dân sẽ phản ảnh kịp thời đến các cơ quan thẩm quyền giải quyết.
Thực tế ghi nhận ngoài các lỗi như đề cập phần trên, nhiều nhà thầu không treo bảng thông tin ở công trình hoặc để bảng thông tin ở một góc khuất ít người thấy nhằm "né" sự giám sát của người dân.
Câu chuyện nhà thầu thi công bê bối, vi phạm nhiều lần không phải là câu chuyện mới nhưng hậu quả gây ra luôn hiện diện như: tình trạng kẹt xe, nguy cơ tai nạn lao động, tai nạn giao thông... Vấn đề đặt ra là cần có "thuốc đặc trị" đối với "bệnh bê bối này".
Ông Lê Văn Thường, phó chánh thanh tra Sở GTVT TP, cho biết sau khi thực hiện xử phạt nhà thầu vi phạm, các đội thanh tra sẽ thực hiện tái kiểm tra. Nếu nhà thầu chưa khắc phục thì tiếp tục xử phạt.
Theo quy định, nếu nhà thầu chưa hoặc không chấp hành quyết định xử phạt, thanh tra sở sẽ kiến nghị Sở GTVT tạm dừng tiếp nhận hồ sơ, không cấp phép thi công đối với đơn vị chủ đầu tư, đơn vị tư vấn vi phạm.
Cũng theo thanh tra sở, việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng là cần thiết, do mặt bằng chật hẹp nên có nhiều công trình đã chiếm dụng lòng, lề đường, hạn chế khả năng đi lại, người dân cũng chia sẻ.
Ở chiều ngược lại, các chủ đầu tư dự án, đơn vị thi công cũng cần "có qua, có lại" bằng cách nhắc nhở, chấn chỉnh các nhà thầu chấp hành các quy định, hạn chế mức thấp nhất ảnh hưởng. "Còn các trường hợp vẫn để xảy ra vi phạm chúng tôi sẽ xử lý nghiêm, thậm chí đề xuất không cấp phép đào đường đối với đơn vị vi phạm nhiều lần", ông Thường cho hay.
* Ông Nguyễn Bá Hoàng (phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM):
Tăng nặng mức phạt
Việc xây dựng, tu sửa đường sá, các công trình hạ tầng giao thông là vô cùng cần thiết, không chỉ giải quyết nhu cầu đi lại cho người dân, giảm ùn tắc, kẹt xe mà còn đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại TP.
Tuy nhiên, tại nhiều công trình có tình trạng đổ vật liệu xây dựng bừa bãi, vương vãi, không lắp bảng báo hiệu công trình, không bố trí người điều tiết giao thông dễ dẫn tới ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông nguy hiểm.
Hiện nay mức xử phạt các vi phạm này chưa cao, mỗi trường hợp chỉ bị phạt tầm vài triệu đồng chưa đủ tính răn đe. Do đó, TP cũng nên nghiên cứu tăng nặng mức xử phạt, nếu tái phạm có thể rút giấy phép thi công có thời hạn.
THU DUNG ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận