Các lọ đựng thuốc chữa ung thư làm bằng bột than tre được phát hiện tại chi nhánh của Công ty Vinaca ở Q.5 - Ảnh: CTV
Thực ra, chuyện hàng giả, hàng kém chất lượng không phải bây giờ mới có. Tuy nhiên, theo thời gian, nhiều kẻ vì lợi ích cá nhân bất chấp sự nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng đã nhẫn tâm sáng tạo và khủng khiếp hóa những thực phẩm độc hại.
Vậy ai sẽ lấy lại niềm tin cho người tiêu dùng nếu như không phải chính từ người sản xuất? Ai sẽ đòi lại công bằng cho người tiêu dùng nếu như không phải chính mình?
Sau mỗi sự việc thực phẩm bẩn bị phát giác, chúng ta lại nghe câu: "Hãy làm người tiêu dùng thông minh".
"Căn bệnh "sạch dạ dày của mình, bẩn dạ dày người khác" đã quá trầm trọng. Làm sao để thay đổi? Nếu như cơ quan chức năng mãi ậm ừ, không triệt để trừng trị, khi mà sai phạm trong khâu sản xuất, vi phạm an toàn thực phẩm chỉ bị phạt tiền thì chắc chắn sẽ còn nhiều vụ tương tự xảy ra".
Nguyệt Minh
Nhưng thông minh thế nào khi mà tràn lan trên thị trường là vô số thực phẩm bẩn, kém chất lượng? Thông minh làm sao khi mà người tiêu dùng như đang phải đối mặt với cuộc chiến thực phẩm bẩn?
Mỗi khi đi chợ, chúng tôi vẫn thường đùa: "Bà nội trợ thời nay đang bị hoa mắt giữa muôn trùng vây thực phẩm bẩn". Có người bạn tôi còn nói: "Giờ ra chợ đố tìm được đâu một mớ rau sạch thật sự".
Những câu nói đó không phải là không có lý. Bởi vì sao? Hàng ngày, trên báo đài đâu đâu cũng có tình trạng thực phẩm bẩn bị phát giác. Có lúc tôi tự hỏi: Còn bao nhiêu cơ sở, sản phẩm sai phạm chưa bị bóc mẽ, vẫn còn nằm trong bóng tối?
Nhiều năm trở lại đây chúng ta đã quá quen với những cụm từ: "Ăn cũng chết, không ăn cũng chết" hoặc "ăn sẽ chết từ từ", "con đường từ dạ dày đến nghĩa địa sao gần lắm thay"…
Thi thoảng, lại có vụ cá nhiễm độc, thịt bơm nước, rau quả ngâm hóa chất…
Phải chăng vì quá quen, nghe quá nhiều nên trở nên bình thường? Không phải, quan trọng là người tiêu dùng đã quá bất lực! Hoang mang, lo lắng hay phẫn nộ cũng vẫn phải ăn.
Nghĩa là, người tiêu dùng đang phải "đơn thương độc mã" đương đầu với cuộc chiến thực phẩm bẩn. Người tiêu dùng đâu thể ngăn được thịt bò giả từ thịt lợn, bún có chất tẩy trắng…? Mấu chốt nó nằm ở cái tâm của người sản xuất.
Trong dịp về quê năm ngoái, tôi được một bác mời ăn mít. Bác nói: "Cháu ăn đi, mít này nhà trồng, không có thuốc thang gì đâu. Bác phân loại rồi". Nghĩa là những quả "dính thuốc thang" khác đã được bác đẩy ra thị trường cho người ta sử dụng rồi. Được ăn múi mít "sạch" mà tôi thấy lòng đắng chát.
Người tiêu dùng phải biết nói không với những thực phẩm không có bao bì, dán mác cẩn thận. Muốn trị tận gốc hẳn không thể "nối giáo cho giặc". Chúng ta không thể tiếp tục chờ đợi những giải pháp vĩ mô mà cần phải giải cứu chính mình.
Cơ sở sản xuất cà phê ấy sẽ bị xử phạt, bị đóng cửa… nhưng cái mất lớn hơn chính là niềm tin của công chúng. Người tiêu dùng đang là nạn nhân thực sự của những kẻ kinh doanh, sản xuất thiếu lương tâm. Thử hỏi, đến thuốc trị ung thư còn làm giả được thì còn có gì mà người ta không làm giả được?
Phải chăng, tình trạng làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không có dấu hiệu dừng lại do pháp luật chưa đủ sức răn đe. Vậy làm sao để họ tự thức tỉnh lương tri?
Tôi nghĩ, chẳng còn cách nào khác, muốn đòi lại công bằng cho người tiêu dùng phải đi từ phía các cơ quan chức năng. Đừng vì một lý do nào mà để lọt sản phẩm lỗi, sản phẩm nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng.
Cũng đã đến lúc chúng ta nên định nghĩa lại những sản phẩm "rẻ" trên thị trường. Lật lại xem, thi thoảng dư luận lại rùng mình với những tấn nội tháng thối được "thổi" vào nhiều nhà hàng.
Chúng ta lại hoang mang khi nhiều loại trái cây được tiêm hóa chất mà vẫn hồn nhiên sử dụng hàng ngày. Tại sao những sản phẩm ấy vẫn "đều như vắt chanh" chui ra thị trường một cách trót lọt?
Chúng ta cũng phải nhìn nhận lại khâu kiểm định chất lượng hàng hóa, thuốc trước khi đưa ra thị trường. Nếu như một sự việc sai phạm nhỏ không được giải quyết triệt để làm gương thì chắc chắn sẽ giống "nấm mọc sau mưa", đâu đó sẽ còn nhiều vụ việc sai phạm khác.
Ở một khía cạnh khác, cơ quan quản lý thị trường, ngành y tế để cho viên thuốc than tre ra đời cũng phải chịu trách nhiệm không nhỏ, nếu đứng ngoài cuộc là vô lý.
Với thực trạng hàng hóa "vàng thau lẫn lộn" như hiện nay càng cần hơn bao giờ hết khâu quản lý sản phẩm. Thay vì chúng ta chỉ biết lên án, phẫn nộ qua những bàn phím, mỗi người hãy tự giải cứu lấy mình.
Làm sao để diệt tận gốc những hành vi hám lợi dẫn đến đầu độc người tiêu dùng? Xử lý bằng cách nào để đủ sức răn đe? Hãy chia sẻ ý kiến của bạn qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email: [email protected]. Cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận