22/05/2019 16:00 GMT+7

Thuốc nhỏ mắt 'công nghệ kín' loại trừ mọi nguy cơ nhiễm khuẩn

HỒNG HÀ
HỒNG HÀ

TTO - Dây chuyền sản xuất thuốc nhỏ mắt 'công nghệ kín' vừa ra mắt ở thị trường Việt Nam hơn 1 năm, với ưu điểm loại trừ mọi nguy cơ nhiễm khuẩn đang hấp dẫn người dùng.

Quy trình sản xuất thuốc nhỏ mắt công nghệ mới

Theo PGS.TS Lê Văn Truyền - chuyên gia cao cấp dược học, nguyên thứ trường Bộ Y tế, cấu trúc mắt và nhãn cầu phức tạp và tinh tế, niêm mạc mắt mỏng manh, dễ thương tổn.

Vì thế, là thuốc dùng ngoài đặc biệt, yêu cầu độ vô trùng tuyệt đối như thuốc tiêm truyền, trong khi các công nghệ trước thuốc nhỏ mắt phổ thông trước đây có nhược điểm về phân liều, định lượng nồng độ, các công đoạn sản xuất tồn tại nhiều khâu trung gian "hở" trong quá trình sản xuất như xử lý bao bì, đóng nút, nắp, rót dịch...

"Công nghệ kín" là gì?

Tại Việt Nam, dây chuyền thuốc nhỏ mắt công nghệ kín đầu tiên đưa sản phẩm ra thị trường là của Công ty . Dây chuyền này áp dụng công nghệ kín hoàn toàn, cho ra đời các sản phẩm đạt độ vô khuẩn cao nhất, tương đương các chế phẩm tiêm truyền.

Bà Đào Thúy Hà - giám đốc marketing Công ty Traphaco, cho biết đặc điểm nổi trội của công nghệ này là tính tự động hóa cao, tiết kiệm thời gian sản xuất, góp phần làm giảm giá thành sản phẩm.

Bà cũng tiết lộ là dù sản phẩm sản xuất trên dây chuyền hoàn toàn tự động kể cả khâu chế tạo vỏ lọ, nhưng giá thành lại... tương đương thuốc nhỏ mắt sản xuất trên dây chuyền thông thường.

Cụ thể, dây chuyền công nghệ kín sẽ tự động bắt đầu từ khâu pha chế dịch trên hệ thống pha chế tự động - tạo bao bì nhựa trực tiếp từ hạt nhựa nguyên sinh - rót dịch điện tử - hàn kín lọ - hoàn thiện sản phẩm.

Toàn bộ quy trình từ khi cấp hạt nhựa cho đến khi tạo thành lọ thuốc hoàn chỉnh chỉ 13 giây. Tất cả quy trình này đều được thực hiện trong một khuôn máy ở cấp sạch cao nhất (LAF A), hoàn toàn xóa bỏ các khâu xử lý bao bì như tồn trữ, làm sạch, khử trùng bao bì... từ đó giúp hạn chế tối đa ô nhiễm vi sinh vật.

Theo ông Truyền, công nghệ cũ chiết rót dịch thuốc bằng pittong, định kỳ phải dỡ máy để vệ sinh, trong khi công nghệ mới rót dịch điện tử, tiệt trùng vệ sinh tự động, theo dõi online toàn bộ quy trình và gửi về máy tính trung tâm, nếu các thông số vượt ngưỡng thì cả quy trình sẽ ngừng. "Không có nhiều nhà máy ở Việt Nam sản xuất theo công nghệ 4.0 như thế này" - ông Truyền nhận xét.

Chú ý các bệnh về mắt

Theo bác sĩ Hoàng Cương - Bệnh viện Mắt Trung ương, trong số những người đến khám tại bệnh viện, có khoảng 20% có tình trạng khô mắt, khô mắt kèm các bệnh lý khó chữa khác chiếm 30-40%. Vào mùa nóng, số bệnh nhân đi khám, chữa các bệnh về mắt tăng cao lên tới 3.000 người/ngày.

Việc các thiết bị điện tử xâm nhập nhiều vào đời sống và ô nhiễm không khí cũng là nguy cơ đe dọa sức khỏe của mắt, như các triệu chứng khô mắt, mỏi mắt, đục thủy tinh thể, cườm khô hay thoái hóa hoàng điểm, viêm nhiễm ở mắt.

Người thường xuyên đi bơi cũng cần được chăm sóc mắt. Trong khi đó, nếu sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa vi khuẩn, tạp chất, nấm mốc, thuốc không thể phát huy được hiệu quả điều trị, thậm chí gây nhiễm khuẩn mắt.

Hiện công nghệ kín hoàn toàn (BFS) đã được Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) công nhận là quy trình vô trùng cấp cao nhất. Tại Việt Nam, thuốc nhỏ mắt sản xuất theo công nghệ kín đang có triển vọng lớn, đặc biệt là khi người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm đến chất lượng và độ an toàn của sản phẩm dành cho sức khỏe.

Đại diện Công ty Traphaco cho biết dây chuyền sản xuất thuốc nhỏ mắt công nghệ kín đặt tại Nhà máy sản xuất thuốc tân dược Traphaco Hưng Yên là sự đầu tư nằm trong chiến lược phát triển bền vững của Công ty giai đoạn 2017-2020, nhằm góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và giảm thiểu các tai biến y khoa.

Mục tiêu của Traphaco năm 2019 này là sản xuất 4,5 triệu lọ thuốc nhỏ mắt, gấp đôi so với 2018 để đáp ứng yêu cầu của thị trường.

HỒNG HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên