"Phải có chế tài kê toa điều trị ngay, không phải thứ gì làm sai đạo đức nhưng lại không bị pháp luật xử lý" - bạn đọc Anh Kiệt bức xúc.
Theo đề xuất của nhiều bạn đọc, Luật an ninh mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông nên vào cuộc, phải xử lý dứt điểm chuyện này bởi thời buổi hiện nay ranh giới thực và ảo không còn là khoảng cách. Và nếu quản lý không chặt, hệ lụy cả một thế hệ trẻ thì phải trả giá 4-5 thế hệ xây dựng lại.
Nhìn vấn đề một cách sâu xa, bạn đọc Minh Trần viết: "Hành vi chửi thề nói tục trên mạng sẽ dần ăn vào máu của giới trẻ và sẽ ảnh hưởng đến tính cách của các bạn này. Ngày nay ra đường không khó để nhìn thấy một em gái, em trai ăn mặc lịch sự nhưng mở miệng ra là văng tục, cay nghiệt, thật sự rất ngán ngẩm khi thấy cảnh này mà không biết làm sao. Góp ý không chừng bị chửi luôn nên thôi".
Giải pháp cụ thể, bạn đọc A Thìn đề xuất: "Những trường hợp này Nhà nước cần rà soát lại quy định pháp luật, nếu được thì tạm giam rồi khởi tố vài trường hợp để răn đe. Phải làm trong sạch môi trường sống xã hội trên mạng, không ảnh hưởng tiêu cực tới thế hệ trẻ".
Cùng suy nghĩ đó, bạn đọc nick name HSPD bổ sung: "Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông có hành động quyết liệt trong việc để một số người có hành vi vô văn hóa thường xuyên lên mạng xã hội làm ảnh hưởng đến thế hệ trẻ Việt Nam".
Trong khi chờ pháp luật xử lý, một số bạn đọc cũng kêu gọi nhau đề phòng và nói không với những hành vi lệch chuẩn.
Về ý này, bạn đọc Da Nang hiến kế: "Cộng đồng mạng tẩy chay những sản phẩm quảng cáo lồng ghép vào các clip chửi thề, chửi tục... là hết đường sống. Họ chửi, người xem nhiều, sau đó lồng quảng cáo để trả tiền cho mấy "thánh" này. Xong mấy "thánh' rủng rỉnh tiền bạc, thừa sức chửi tiếp".
Mở rộng vấn đề, bạn đọc An viết: "Ước gì YouTube, Facebook và TikTok có thể lọc và cấm các trang nội dung xấu. Giờ phải cấm nhãn hàng nào book họ quảng cáo. Mà cái chính nhất là chúng ta, không bấm vào không xem không cổ xúy cho những thể loại này phát triển".
Góp thêm, bạn đọc 5 Mì Lát viết: "Các "cái máy chửi" này tồn tại và phát triển do tổ chức, cá nhân cho họ đất dụng võ. Nếu chúng ta không mở thông tin này để xem/nghe thì làm sao họ phát được và phát cho ai nghe, chẳng lẽ họ làm ra để phục vụ cho chính họ sao?".
Nhân chi sơ tính bổn thiện, bạn đọc nick name Chú ÚT Trương viết: "Càng lớn lên, bổn thiện càng đi xa. Xã hội ngày càng có ít thời gian cho con người ta ngồi nghiền và ngẫm giáo điều của triết lý: Sống thực tài và hành xử thực tâm. Bấy nhiêu thôi đã đủ nhận 2 chữ 'cảm ơn' của xã hội".
Trước thực trạng ngày càng có nhiều cá nhân lên mạng mạt sát mắng mỏ, chê bai, có hành vi lệch chuẩn..., theo bạn cần làm gì để trả lại môi trường online trong sạch?
Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... kính mời bạn đọc gởi đến Tuổi Trẻ Online qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc địa chỉ email: [email protected].
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận