Ông Trần Hữu Huỳnh (nguyên trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp VN):
Gộp nhiều nội dung cần kiểm tra vào một lần
Theo quy định pháp luật về thanh tra - kiểm tra, trừ những trường hợp doanh nghiệp (DN) vi phạm pháp luật hoặc có dấu hiệu bất thường, mỗi năm DN chỉ phải tiếp một đoàn kiểm tra. Tuy nhiên VN hiện có đến hơn 20 cơ quan quản lý khác nhau, chỉ cần mỗi ngành có một đoàn đến thanh tra - kiểm tra, DN cũng đủ mệt.
Trong thực tế, nhiều địa phương thường lập kế hoạch thanh tra - kiểm tra từ cuối năm trước hoặc đầu năm sau, sau đó trình UBND địa phương xem xét phê duyệt. Nghĩa là việc thanh tra - kiểm tra đã có sự chủ động, có sự giám sát.
Như vậy chỉ cần lồng ghép nội dung và thành phần cần kiểm tra gần như nhau vào chung một đợt kiểm tra. Cơ quan chức năng có thể sử dụng kết quả những lần kiểm tra gần nhất của ngành khác để phân loại DN. Nếu sau nhiều năm không thấy DN vi phạm thì không kiểm tra nữa hoặc miễn kiểm tra.
Theo tôi biết, có DN suốt mấy chục năm nay chưa từng vi phạm điều gì cả nhưng cứ phải bị kiểm tra. Còn nếu đã kiểm tra, đã phát hiện DN vi phạm pháp luật rồi thì phải phạt thật nặng, rút giấy phép kinh doanh, chứ không nên để tình trạng phạt cho tồn tại cũng như không.
Kết quả khảo sát của PCI các năm cho thấy chi phí bôi trơn cách đây 10 năm ở mức 25-26%, nhưng nay đã vọt lên 65%. Như vậy, việc đến kiểm tra để nhận phong bì đã trở nên phổ biến và thành “chuyện thường ngày ở huyện”.
Thậm chí đã có hẳn một câu vè “Thanh cha (tra), thanh mẹ, thanh dì (cái gì). Hễ có phong bì anh lại thanh-kiu (cảm ơn)”. Nghe qua thì cười, nhưng ngẫm kỹ lại thấy rất đau...
Luật sư Nguyễn Mạnh Hùng (Công ty tư vấn thuế C.M, Hà Nội):
Phân định nhiệm vụ của các cơ quan thanh tra chuyên ngành
Sau khi Luật thanh tra được ban hành, ngành nào cũng có thanh tra chuyên ngành, từ Bảo hiểm xã hội đến Kho bạc Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra thuế...
Trong khi nhiều cơ quan thanh tra chuyên ngành lại có sự giẫm chân nhau, như Tổng cục Hải quan vừa có Cục kiểm tra sau thông quan vừa có Thanh tra hải quan nên khó tránh khỏi sự chồng chéo chức năng nhiệm vụ.
Việc phân định chức năng giữa các cơ quan cũng chưa rõ ràng nên một số cơ quan thanh tra chuyên ngành liên quan đến tài chính thường tập trung xuống DN, trong khi tình hình sử dụng ngân sách tại nhiều địa phương rất tùy tiện và lãng phí lại chưa được quan tâm.
Do đó, giải pháp căn cơ để cắt cơn “nghiện kiểm tra” DN của công chức, Chính phủ phải phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị thanh tra chuyên ngành. Cơ quan thanh tra chuyên ngành nào chỉ thực hiện thanh tra chuyên ngành đó.
Khi một cơ quan chuyên ngành đã thanh tra DN rồi, cơ quan khác không được vào thanh tra nữa. Chẳng hạn, thanh tra tài chính có nhiệm vụ thanh tra việc sử dụng ngân sách tại các cơ quan quản lý nhà nước, tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Còn đối với thanh tra thuế DN, chỉ cơ quan thuế làm... Đặc biệt, cơ quan thuế chỉ thanh tra, kiểm tra DN nếu có đủ căn cứ chứng minh DN có dấu hiệu sai phạm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận