Thuốc nào cho "hội chứng" ế?
TTO - Sau tâm sự của bạn đọc Anh Ha, nhiều ý kiến tham gia diễn đàn đã hiến kế "kê toa" cho "hội chứng ế".
Có phải ế là vì sống nguyên tắc, chỉn chu quá mức? Có phải làm cho mình ngày càng hấp dẫn, quyến rũ hơn là liều thuốc "đặc trị" cho hội chứng ế? Có phải muốn có tình yêu thì phải tích cực đi tìm chứ không thể "bó gối" ngồi than ế? Mời bạn đọc theo dõi và chia sẻ những trải nghiệm của riêng mình liên quan đến chủ đề này.
Phóng to |
Hấp dẫn hơn, quyến rũ hơn để giảm độ ế
Tôi là một phụ nữ 42 tuổi, lập gia đình năm 38 tuổi và hiện có hai con. Tôi đã có một thời gian dài độc thân và… ế nên rất hiểu tâm trạng của bạn tieuthugiobui2007@... (tâm sự ) và bạn Anh Ha (tâm sự ). Từ hoàn cảnh của mình, tôi rút ra những điều sau:
Trong nhiều trường hợp, các cô gái bị “ế” là người có lối sống nguyên tắc, chỉn chu quá mức. Họ có suy nghĩ cứng nhắc, hay dị ứng với những kiểu tán tỉnh, thổ lộ tình cảm, ỡm ờ đưa đẩy của người khác. Họ được giáo dục từ nhỏ rằng thật không đứng đắn nếu tỏ ra yêu thích hay bày tỏ tình cảm với ai đó. Những suy nghĩ này ăn sâu vào tiềm thức họ, sau đó quy định đến cách hành xử của họ hằng ngày. Nhìn họ cứ tưởng như họ lệch lạc về giới tính, vì chẳng khi nào họ để ý đến chàng trai nào, tưởng như họ hoàn toàn dửng dưng với chuyện lập gia đình, ai buông lời chọc ghẹo là tỏ ra khó chịu, nhăn nhó, lạnh lùng, nghiêm nghị đến phát sợ.
Nhưng có mấy ai biết rằng họ cũng khao khát được yêu thương, được nũng nịu, được yêu chiều và chiều chuộng một người con trai nào đó. Họ cũng là người nhạy cảm, có thể đoán ý người khác rất nhanh, chính vì vậy họ càng giỏi trong việc che giấu cảm xúc thật của mình. Điều đó tạo cho họ một hình ảnh khô khan, không cảm xúc, lãnh đạm với chuyện yêu đương, để rồi lại quay ngược trách cứ người xung quanh sao lại thiển cận, hời hợt, không chịu tìm hiểu tâm hồn của họ, đàn ông thật không có mắt...
Phải hiểu ra một điều là khi hai người khác phái làm quen với nhau, không phải chỉ vì người kia tốt, tự lập, tự tin, giỏi giang…, mà thường vì sự hấp dẫn giới tính rất khó xác định. Bởi vậy, có những người mà ta cho là rất tệ mà vẫn cứ có chồng, có vợ vậy. Chuyện hôn nhân hay cặp bồ không phân biệt người xấu và người tốt, chỉ là kiểu "nồi nào vung nấy" mà thôi.
Điều bạn Anh Ha - tác giả tâm sự - cần làm bây giờ là thay đổi nhận thức, thay đổi cách hành động, cách ứng xử hằng ngày sao cho thu hút, quyến rũ, gợi cảm hơn. Phải tập dần dần bạn à, đừng xấu hổ. Có như thế thì mới tìm được nửa kia chứ!
Bạn hãy tỏ ra quan tâm đến người khác phái, đừng ngại khen họ điều gì đó về ngoại hình có liên quan đến giới tính, ví dụ: "Nước da anh dạo này rắn rỏi hẳn ra", "Bộ đồ này của anh nhìn bụi bụi hay hay nhỉ"... Hoặc tiết lộ chút ít về mình một cách kín đáo, tự nhiên như: "Em thích đàn ông mang giày thể thao như thế này. Trông rất mạnh mẽ"...
Ngày trước, tôi rất thấy ngại khi một bạn gái khen ai đó “đẹp trai”. Tôi cho đó là kỳ cục, là lẳng lơ, không đứng đắn. Nhưng bây giờ, các bạn trẻ khen nhau đẹp trai rầm rầm, thậm chí còn tuyên bố rõ ràng: "Tôi chỉ thích trai đẹp!". Thử nghĩ xem, nếu có ai đó khen bạn duyên dáng, nữ tính thì bạn có thích không? Vậy thì hãy khen mọi người một cách tự nhiên, không chỉ với những đối tượng bạn nhắm tới.
Hãy mở lòng ra, cứ bày tỏ một số suy nghĩ, những điều bạn yêu ghét. Đừng giấu kín những nỗi niềm và chỉ biết chờ ai đó kiên nhẫn đọc cho ra. Không có ai muốn chơi đánh đố mà không biết phần thưởng là gì. Tất nhiên không phải cứ mở toang ra, bạ gì cũng nói, cũng nhận xét được.
Những điều trên tôi vẫn phải còn áp dụng trong cuộc sống vợ chồng hằng ngày. Điều mình mong muốn người bạn đời làm cho mình thì rất nhiều, nhưng không phải đức ông chồng nào cũng đoán và hiểu được ý vợ. Vậy nên, mình muốn người ta làm gì cho mình thì thay vì ngồi đó trông chờ thì hãy làm điều đó cho người ta trước, rồi mình sẽ tìm thấy hạnh phúc khi thấy người đó vui.
Hãy học hỏi, hãy thay đổi, hãy xem việc làm cho mình hấp dẫn hơn như một nhiệm vụ. Rồi đến một ngày, hạnh phúc sẽ mỉm cười với bạn!
HOÀNH OANH
Không ai phải "ế kinh niên" Người xưa có câu “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” hay "Nồi nào úp vung nấy”. Vậy nên, không có ai nằm trong diện “ế kinh niên" - tức chẳng có ai thèm để mắt tới, trừ khi họ đóng hết mọi cánh cửa, thờ ơ với tất cả. Khi đã tới tuổi cập kê, những khát khao yêu thương tự nhiên xuất hiện. Ta thao thức kiếm tìm một nửa rồi bất chợt “chộp” lấy cơ hội khi có đối tượng xuất hiện. Đầu tiên là hợp nhãn, sau đó là hợp ý, hòa hợp về suy nghĩ, lý tưởng, tâm hồn… thì dễ đi vào tim nhau hơn. Tình yêu nảy nở, lớn dần lên từ những rung động đầu tiên, từ sự lắng nghe, hiểu, chia sẻ. Xét về quá trình như thế để mỗi người tự “bắt bệnh” xem, phải chăng mình chưa phát đi thông điệp: “Tôi đang tìm một nửa”? Không ai phủ nhận việc “gái sắc” hay "trai tài" dễ làm xao lòng người khác. Tuy nhiên, để chọn lựa ai đó làm người yêu thì không chỉ đẹp hay tài quyết định mà đôi khi còn nhiều “phụ kiện” khác như một chút duyên dáng, thùy mị, một chút hài hước hay sự quan tâm, chia sẻ với người khác... Do vậy, chúng ta cần học kỹ năng sống từ nhiều kênh và ứng dụng chúng bằng tất cả sự chân thành chứ không phải là “vai diễn khô khan trên sân khấu cuộc đời”. Đó cũng chính là thành công thật sự của một người rèn luyện bản thân. Tóm lại, nếu bạn đang không ngừng tự hỏi nhưng lại đồng thời đóng mọi cánh cửa lòng mình bằng sự rụt rè, nhút nhát, đợi chờ "sung rụng" thì bạn sẽ còn ế dài dài. Có những cơ hội chỉ đến một lần và bạn rất cần tinh tế, chủ động nhận ra để nắm bắt kịp thời. LƯU ĐÌNH LONG |
Bạn đọc thân mến, bạn có từng hoặc đang đau đầu với câu hỏi "Vì sao tôi ế?" khi tự nhìn nhận mình không quá tệ, thậm chí có nhiều ưu điểm? Mời bạn chia sẻ những trải nghiệm của riêng bạn trong chủ đề này. Bài viết vui lòng gửi về email [email protected] (vui lòng gõ có dấu tiếng Việt, có đầy đủ thông tin tác giả). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận