17/08/2017 16:04 GMT+7

​Thuốc nam chữa viêm đường hô hấp

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe tỉnh Đắk Nông
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe tỉnh Đắk Nông

Khi trời trở lạnh, các bệnh về đường hô hấp cũng gia tăng. Xin giới thiệu với bạn đọc một số cây thuốc nam dễ trồng, vừa để làm cảnh hoặc làm rau, kết hợp làm thuốc chữa viêm nhiễm đường hô hấp rất hiệu quả.

Các cây thuốc này khi nấu lên có vị dễ uống, không phải sắc lâu nên được nhiều người ưa dùng.

Cây sò huyết

Cây sò huyết còn có tên gọi là lẻ bạn hay bạng hoa. Cây cao 30-45cm, phủ bởi bẹ lá, không phân nhánh; lá dài 15-30cm, rộng 3-5cm, không cuống, có bẹ; mặt trên lá màu lục, mặt dưới màu tía. Cụm hoa hình tán đựng trong 2 mo úp vào nhau giống con sò mọc ở nách lá.

Hoa có màu trắng vàng. Theo Đông y, lẻ bạn có vị ngọt, nhạt, tính hàn, tác dụng thanh nhiệt, nhuận phế, đàm trừ ho, lương huyết (làm mát máu) giải độc, dùng chữa viêm khí quản cấp và mãn tính.

Cách dùng: lá tươi hoặc cụm hoa rửa sạch, cắt nhỏ, sắc uống; có thể thêm ít đường hoặc đường phèn cho dễ uống. Trường hợp bệnh nhân ho do cảm lạnh hoặc đi đại tiện lỏng thì sắc thêm với vài lát gừng hoặc vỏ quýt.

Lưu ý, có một loại cây cảnh cũng có đặc điểm thân, lá, màu sắc giống cây lẻ bạn. Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa hai loại cây này là cây lẻ bạn có hoa hình con sò mọc ở nách lá, còn cây cảnh kia thì không có.

Tần lá dày

Tần lá dày được trồng rộng rãi khắp nơi, chỉ cần một đoạn thân chừng 10 cm đem cắm xuống đất sau một thời gian ngắn đã cho ta một bụi tần lá dày. Đây là loài cây thảo, nếu trồng ở hàng rào, cây cao đến 1m, phần thân sát đất hoá gỗ.

Lá mọc đối, mọng nước, mép khía răng, hình trứng rộng 2-5cm, dài 3-6cm. Trong lá có tinh dầu thơm như mùi chanh nên còn có tên gọi là húng chanh, thành phần chủ yếu là cavaron, tác dụng chữa bệnh của tần lá dày là do tinh dầu này.

Theo Đông y: tần lá dày có vị cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng lợi phế, trừ ho, tiêu đờm, giải cảm, tiêu độc; được dùng chủ yếu để chữa cảm cúm, ho hen, viêm họng, ho ra máu, sốt cao, sốt không ra mồ hôi.

Cách dùng: lấy 15-20g lá tươi của cây tần lá dày nhai với muối nuốt nước dần hoặc giã vắt nước cốt để uống. Nhưng để cho dễ uống, ta cắt nhỏ lá cây này đem đun sôi kỹ với một chút đường phèn hoặc hấp cơm uống 2-3 lần/ngày. Đối với trường hợp bị cảm lạnh: dùng tần lá dày 15-20g, gừng tươi 8g, tía tô 12g, vỏ quýt 4g sắc uống.

Bạn đọc nên lưu ý để phân biệt giữa tần lá dày và một loại rau thơm khác rất giống tần lá dày: đó là loại rau ấy có lá nhỏ hơn và không mọng nước.

Rẻ quạt

Rẻ quạt còn có tên là xạ can, là một loại cỏ sống dai, có thân rễ mọc bò; lá mọc thẳng đứng, hình mác, hơi có bẹ, dài 20-40cm, rộng 15-20cm. Cụm hoa dài 20-40cm, cuống gầy, mềm. Hoa có cuống, bao hoa có 6 cánh màu vàng cam đỏ, điểm những đốm tía. Quả nang hình trứng, có 3 van, dài 23-25mm, hạt xanh đen, hình cầu bóng, đường kính 5mm.

Rẻ quạt là vị thuốc quý có tác dụng điều trị các trường hợp viêm nhiễm vùng hầu họng, tiêu đờm, khản tiếng, có thể dùng tươi hoặc khô. Theo các tài liệu, người ta dùng thân, rễ rẻ quạt làm thuốc. Trên thực tế, dùng lá rẻ quạt cũng cho tác dụng tốt.

Cách dùng: dùng 3-6g khô hoặc 10-20g tươi cắt nhỏ, nấu sôi kỹ với nước và đường phèn để uống. Không dùng cho phụ nữ có thai. Khi dùng sống, rẻ quạt thường gây tác dụng nóng rát.

Các bài thuốc chữa ho, tiêu đờm hiệu quả:

1. Rẻ quạt, lẻ bạn và tần lá dày cắt nhỏ, nấu với nước và đường phèn uống 2-3 lần trong ngày.

2. Rẻ quạt, hoa đu đủ đực, tần lá dày và đường phèn nấu nước hoặc giã nát chưng cách thuỷ uống.

Do liều lượng thuốc hàng ngày không lớn nên khó cân, vì vậy, bạn đọc có thể tuỳ theo độ tuổi từ trẻ nhỏ đến người lớn mỗi ngày dùng như sau:

- Cây lẻ bạn: Loại lá lớn từ ½ - 3 lá/ngày, cụm hoa từ 10-20 cụm/ngày

- Cây tần lá dày: nếu lá lớn, dùng từ 3-10 lá/ngày.

- Cây rẻ quạt: loại lá lớn dùng từ ½ - 3 lá/ngày.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe tỉnh Đắk Nông
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên