PGS.TS Nguyễn Hữu Đức - Ảnh tư liệu |
Thuốc kém chất lượng cũng được xem là thuốc giả. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra định nghĩa về thuốc giả như sau:
“Thuốc giả là sản phẩm được gắn nhãn hiệu sai một cách gian dối và có chủ đích về đặc tính hoặc nguồn gốc. Thuốc giả có thể bao gồm sản phẩm với đúng hoặc sai hoạt chất, không có hoạt chất hoặc không đủ hàm lượng hoạt chất hoặc với bao bì giả”.
Như vậy, thuốc giả theo WHO bao hàm cả , là thuốc có chứa hoạt chất nhưng không đủ hàm lượng.
Nói rộng hơn, thuốc kém chất lượng là thuốc có chứa hoạt chất nhưng không đạt tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.
Thuốc kém chất lượng có thể là thuốc có chứa hoạt chất nhưng thấp không đúng với hàm lượng thuốc đã đăng ký. Như thuốc amoxicillin 500mg kém chất lượng là thuốc mà 1 viên khi kiểm nghiệm chỉ chứa 400mg amoxicillin thay vì 500mg như đã đăng ký...
Thuốc là sản phẩm có tác dụng phòng bệnh, chữa bệnh. Hoạt chất chứa trong thuốc quyết định tác dụng chữa bệnh, phòng bệnh. Vì vậy, thuốc được sản xuất và lưu hành phải đạt tiêu chuẩn chất lượng, không để thuốc kém chất lượng đến tay người tiêu dùng.
Trong giai đoạn sản xuất, phải phát hiện thuốc kém chất lượng và tiêu hủy thứ có hại này ngay. Khi lưu hành trên thị trường, phải phát hiện và thu hồi kịp thời thuốc kém chất lượng để người dùng thuốc không sử dụng nó.
Về mặt nguy hại, do thuốc kém chất lượng có chứa hoạt chất nhưng không đạt tiêu chuẩn chất lượng, người dùng thuốc sẽ không hết bệnh hoặc bệnh càng ngày càng nặng thêm.
Như người bị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường gần như phải dùng thuốc suốt đời, thế mà dùng thuốc trị tăng huyết áp, trị đái tháo đường kém chất lượng không kiểm soát được bệnh thì thật tai hại.
Nguy hại hơn, hoạt chất, thậm chí tá dược chứa trong thuốc kém chất lượng không tinh khiết và nếu lẫn độc chất thì người dùng thuốc có thể tử vong.
Cách đây không lâu, ở một số nước châu Phi đã xảy ra tình trạng thuốc dành cho trẻ chứa tá dược lẫn độc chất propylene glycol làm cho nhiều trẻ bị tử vong.
Nguy hại hơn nữa, thuốc kém chất lượng không chỉ gây hại cho người sử dụng nó mà có thể gây hại cho cộng đồng, thậm chí cho toàn thế giới.
Như thuốc kháng sinh kém chất lượng khi dùng không tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh, vi khuẩn trở thành chủng đề kháng mà kháng sinh đã sử dụng sẽ không còn tác dụng đối với chủng này nữa, thế là bệnh không chữa khỏi. Nguy hại hơn, vi khuẩn đề kháng lan tràn khắp nơi.
Vấn đề đề kháng kháng sinh không chỉ nguy hại cho số nhỏ người bệnh bị nhiễm khuẩn mà đang là vấn nạn toàn cầu.
Tóm lại, thuốc kém chất lượng luôn là mối nguy hại ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của người dân ở nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển và các nước kém phát triển là nơi tỉ lệ thuốc kém chất lượng lưu hành khá cao.
* Bác sĩ NGUYỄN XUÂN HÒE (nguyên trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhân dân Gia Định): Đó là tội ác! Sản xuất, nhập khẩu thuốc kém chất lượng không đơn thuần là vi phạm hành chính mà đó thật sự là tội ác. Sức khỏe con người là quý nhất nhưng khi bệnh cần sử dụng thuốc lại uống phải thuốc kém chất lượng, như vậy còn gì là sức khỏe nữa. Những thuốc kém chất lượng bị thu hồi trước khi nhập khẩu vào VN đều được kiểm nghiệm để kiểm tra chất lượng, được giám sát bởi cơ quan quản lý chất lượng là Cục Quản lý dược rồi mới được cấp số đăng ký lưu hành để cung ứng cho các cơ sở y tế. Thế thì vì sao vẫn còn thuốc kém chất lượng nhập vào VN? Việc đưa thuốc kém chất lượng vào VN rồi ra thông báo thu hồi đâu có đơn giản như vậy? Đã bao nhiêu người sử dụng phải những thuốc kém chất lượng này? Tác hại của những thuốc này đối với sức khỏe người bệnh thế nào? Vì sao thuốc kém chất lượng lại có thể nhiều như thế? Trách nhiệm của nhà quản lý, hàng rào thương mại thế nào?... Tất cả những vấn đề này, theo tôi, cần phải làm rõ và Bộ Y tế phải có chiến lược, mục tiêu cụ thể trong việc cung ứng thuốc có chất lượng cho người dân VN. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận