Tác dụng phụ của thuốc giảm mỡ máu có thể gây dị ứng da, ngứa, nổi mày đay. Ảnh: skintherapyletter.com
Sau khi chúng ta dùng thuốc giảm mỡ máu một thời gian dài có thể dẫn đến tác dụng phụ hay tác dụng ngoại ý từ nhẹ đến nặng. Hầu hết các bác sĩ đã điều trị, đặc biệt bác sĩ chuyên khoa tim mạch hay nội tiết lại rất thận trọng kê toa thuốc cho bạn và thường họ sẽ chọn loại thuốc thích hợp, chi phí kinh tế thích hợp và đặc biệt tác dụng ngoại ý thấp nhất có thể cũng như đúng với chỉ định, liều lượng và an toàn cho người bệnh. Tuy nhiên bạn cũng nên lưu ý một số tác dụng ngoại ý khi dùng.
Dưới đây là một số tác dụng ngoại ý khi bạn dùng các thuốc giảm lipid máu hay giảm triglyceride, giảm cholesterol toàn phần ,…
- Đối với hệ gan mật: Tác dụng phụ của thuốc có thể làm rối loạn chức năng gan như tăng men SGOT/SGPT. Nghĩa là làm hoại tử tế bào gan ít nhiều. Khi SGOT (ASAT) và SGPT (ALAT) tăng trên gấp 3 lần bình thường, bắt buộc phải ngừng thuốc đang dùng. Những trường hợp viêm gan cấp hoặc mãn có men gan tăng kéo dài thì chống chỉ định dùng thuốc trị tăng mỡ máu;
- Đối với hệ tiêu hóa: Tác dụng phụ của thuốc có thể làm rối loạn tiêu hóa (1%) như ăn uống khó tiêu, táo bón khi dùng thuốc nhóm fibrate; đầy hơi (khó tiêu, tiêu chảy, táo bón, đau bụng, chán ăn) khi dùng thuốc nhóm statin;
- Đối với hệ thần kinh: Tác dụng phụ của thuốc có thể làm phù mạch thần kinh, chuột rút, bệnh lý thần kinh ngoại biên;
- Đối với hệ da, cơ, xương, khớp: Tác dụng phụ của thuốc có thể làm đau cơ khi sử dụng loại atorvastatin hoặc yếu cơ, đôi khi nhức mỏi các khớp, dị ứng da, ngứa, nổi mày đay;
Khi phối hợp với thuốc kháng đông uống phải theo dõi hàm lượng prothombin qua chỉ số INR chặt chẽ vì dễ tăng nguy cơ chảy máu, thuốc điều trị tăng mỡ máu có thể làm tăng hoặc hạ đường máu. Tăng creatin phosphokinase (CPK) trên 10 lần mức bình thường phải ngưng dùng atorvastatin. Tuyệt đối không phối hợp với perhexiline gây viêm gan cấp tính có thể gây tử vong.
Một số lưu ý quan trọng khác là các thuốc điều trị tăng mỡ máu bị chống chỉ định trên phụ nữ có thai và phụ nữ thời kỳ đang cho con bú. Đối với nhóm fibrate nên uống thuốc trong hoặc sau bữa ăn chính; đối với nhóm thuốc statin uống trước hoặc sau ăn đều có tác dụng như nhau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận