Bà Phạm Thị Minh Huệ, chủ nhiệm đề tài, cho biết nhóm nghiên cứu đã làm chủ công nghệ sản xuất thuốc điều trị ung thư và kháng nấm dạng tiêm liposome doxorubicin và amphotericin B thế hệ mới (thuốc hướng đích) quy mô phòng thí nghiệm, với giá thành chỉ bằng 25-30% so với thuốc cùng loại sản xuất tại Mỹ.
Theo nhóm nghiên cứu, có ba điểm mới ở sản phẩm này và nhờ đó công trình đã được đăng tải trên ba tạp chí quốc tế. Đó là công nghệ nanolyposone (lyposone ở dạng nano), thuốc truyền được qua đường tĩnh mạch và tá dược gần gũi với màng tế bào, làm chất mang để thuốc giải phóng hiệu quả hơn.
“Việc làm chủ công nghệ sản xuất loại thuốc này cũng giúp chúng tôi có thể nghiên cứu, sản xuất các loại thuốc điều trị ung thư khác, trước mắt là Paclitaxel là thuốc điều trị ung thư vú và ung thư buồng trứng ở phụ nữ” |
Bà Phạm Thị Minh Huệ |
Qua thử nghiệm trên chuột mang tế bào ung thư người, với các tế bào ung thư phổi, đại tràng, lưỡi, tiền liệt tuyến cho thấy thuốc giúp giảm kích thước khối u rõ rệt, tương đương với sản phẩm thuốc hướng đích nhập ngoại, còn so với sản phẩm thông thường thì tỷ lệ chuột sống sau điều trị bằng thuốc mới nghiên cứu cao hơn hẳn.
Đại diện Cục Quản lý Dược cho biết hiện tại VN có 3-4 thuốc cùng có tác dụng điều trị các nhóm ung thư kể trên và cùng thế hệ thuốc hướng đích, việc nghiên cứu thành công tại VN mở ra cơ hội sản xuất được sản phẩm thế hệ mới tại VN và giảm giá thành điều trị vốn rất đắt đỏ, nhiều người bệnh nghèo không có cơ hội sử dụng thuốc thế hệ mới.
Bà Huệ cho biết hiện Bộ Khoa học công nghệ đã có dự định hỗ trợ giai đoạn 2 của nghiên cứu này, mục đích là sản xuất thuốc trên quy mô lớn, tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người, thử tương đương sinh học và đưa thuốc ra thị trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận