Nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc hạn chế và cấm hẳn các loại hóa chất diệt cỏ, trừ sâu bệnh độc hại. Trong ảnh: nông dân phun thuốc diệt mầm bệnh cho củ kiệu tại An Giang - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Việc lạm dụng các loại , trừ sâu bệnh trong thời gian dài không những tàn phá môi trường mà còn để lại hậu quả nặng nề trước hết với sức khỏe của nông dân - những người thường xuyên tiếp xúc với các loại hóa chất này và cả những người tiêu dùng.
Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng VN nên tập trung vào nông nghiệp hữu cơ, không cần hóa chất.
GS VÕ TÒNG XUÂN:
Càng để lâu, càng có tội với dân
Tôi đề nghị đã đến lúc Bộ NN&PTNT cần ngay lập tức cho rà soát một lần nữa và cấm nhập khẩu, ngưng lưu hành, sử dụng loại thuốc bảo vệ thực vật do Monsanto sản xuất được xác định có hóa chất độc hại gây , không nên trì hoãn và cho "ân hạn" thêm nữa vì càng chậm trễ càng có tội với người dân.
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cần giải quyết cái gốc của vấn đề bảo vệ thực vật của nông dân, sớm xác định tác dụng các loại phân bón vi sinh (PGPR) đang lưu hành, cấp kinh phí cho các tổ chức đang nghiên cứu theo chiều hướng này, đồng thời tổ chức cho nông dân tiếp cận kiến thức mới (tuy đã có trên 15 năm nay rồi) để đưa vào quy trình sản xuất nông nghiệp của nước ta.
Làm sao cho đồng ruộng và cây trồng hồi phục trạng thái lành mạnh trước đây, để không tạo điều kiện cho sâu bệnh về gây hại.
GS.TS NGUYỄN THƠ (phó chủ tịch Hội Bảo vệ thực vật Việt Nam):
Nên quay về với nông nghiệp sinh thái
Khi các quốc gia tiên tiến trên thế giới có những kết luận về tác hại của glyphosate, VN cũng nên cân nhắc đưa hóa chất này vào danh mục hạn chế, tiến tới cấm sử dụng. Và không chỉ glyphosate mà tất cả các hóa chất độc hại khác cũng phải được xem xét nghiêm túc và định hướng giảm sử dụng trên ruộng đồng.
Không có lý do gì để một hóa chất có thể diệt cỏ trên diện rộng lại không tác động đến hệ vi sinh vật đất hay môi trường xung quanh. Việc đánh đổi môi trường lấy năng suất là điều cần cân nhắc.
Nhiều ý kiến cho rằng nếu không dùng hóa chất, nông nghiệp sẽ sụp đổ, sâu bệnh hoành hành, năng suất giảm và người dân thiếu đói. Tôi cho rằng đó là những lý lẽ không chính xác và hoàn toàn có những phương thức canh tác nông nghiệp có thể đáp ứng được nhu cầu lương thực của con người nhưng bền vững hơn.
Những mô hình canh tác nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ theo hướng giảm tối đa phân bón hóa học, hóa chất bảo vệ thực vật, sử dụng thiên địch trong quản lý dịch hại... đã chứng tỏ hiệu quả.
Ngay tại VN, nhiều mô hình như vậy cũng đã được triển khai và đem lại hiệu quả, cho năng suất không thua kém nông nghiệp hóa chất.
Bà TỪ TUYẾT NHUNG (trưởng Ban điều phối PGS Việt Nam):
Có thể sống được với nông nghiệp hữu cơ
Hơn 10 năm hỗ trợ nông dân canh tác nông nghiệp hữu cơ, tôi có thể nói rằng không cần đến hóa chất vẫn có thể làm nông nghiệp đem lại năng suất cao.
Tất nhiên, để chuyển từ sản xuất nông nghiệp hóa chất sang nông nghiệp hữu cơ cần có một khoảng thời gian chuyển tiếp, sẽ có nhiều khó khăn.
Nếu cung cấp đủ phân bón hữu cơ cho đất, sẽ mất khoảng 2-3 năm sâu bệnh nhiều hơn, năng suất giảm đi rồi sau đó khi hệ vi sinh vật trong đất phục hồi, hệ sinh thái đã cân bằng trở lại thì năng suất cây trồng tăng lên. Rào cản lớn nhất để nông dân chuyển sang làm hữu cơ là thu nhập trong những năm đầu.
Thế nên mới cần có những dự án phi lợi nhuận hay những đơn vị đồng hành hỗ trợ nông dân. Đến nay nhiều nông dân tham gia mô hình PGS của chúng tôi đã sống được bằng nông nghiệp hữu cơ không hóa chất.
Ông PHẠM VIỆT SÔ (xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng):
Chỉ sợ không quyết tâm
Tôi làm 7 công ruộng và trồng 8 công mãng cầu gai. Do thuê mướn lao động khó khăn và muốn tiết kiệm chi phí nên mọi công việc đồng áng tôi tự làm. Làm cực không ngại, tôi chỉ sợ phun thuốc.
Mỗi năm tôi phun khoảng 10 lần, trong đó 2 lần trước lúc sạ lúa, còn lại phun trong vườn cây ăn trái. Không định kỳ, hễ thấy cỏ mới nhú là phun. Không một côn trùng có lợi nào sống sót được trong vườn, ngay cả con ong bay tới bay lui cũng không sống nổi, cá dưới ao cũng chết sạch.
Sau mỗi lần phun thuốc trừ cỏ, tôi nóng ran ngực, rát cổ họng, uống rất nhiều nước. Tiếp xúc lâu ngày nên da tay, da chân bị sần sùi như vảy tắc kè. Gần đây, lại nghe thông tin một số hoạt chất từ thuốc diệt cỏ có thể gây bệnh ung thư, tôi rất lo.
Có điều tôi không hiểu vì sao những chất độc hại như vậy vẫn được phép lưu hành. Đúng ra khi xác định độc hại cho sức khỏe con người và môi trường, phải cấm ngay. Không có gì khó cả, cấm là được, chỉ sợ chúng ta không quyết tâm.
Tuy nhiên, Chính phủ cần quan tâm và có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu, sản xuất những hoạt chất để làm thuốc diệt cỏ không độc hại. Nghiêm cấm quảng cáo thuốc hóa học, thuốc diệt cỏ độc hại trên sóng truyền hình các địa phương trọng tâm sản xuất nông nghiệp.
Ông NGUYỄN MINH NHỊ (nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang):
Cấm sử dụng để bảo vệ người Việt
Sau khi tòa án ở Mỹ xác định thuốc diệt cỏ Roundup từ chất glyphosate gây ung thư, VN nên mạnh dạn cấm sử dụng loại thuốc diệt cỏ này để bảo vệ sức khỏe người Việt.
Các hoạt chất gây hại không chỉ đơn giản đối với con người, mà khi sử dụng lượng thuốc đã đi sâu vào lòng đất và ảnh hưởng rất nhiều đến cả khu vực.
Mình không thể vì một lý do nào đó mà dây dưa hoài được. Vì tòa án họ kết luận một vấn đề không phải đơn giản. Họ đã nghiên cứu rất kỹ khi kết luận một sự việc.
Tôi nghĩ Bộ NN&PTNT nên chấm dứt càng sớm càng tốt các hoạt chất gây hại, đừng dây dưa nữa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận