Ảnh minh họa: TUYỀN NGUYỄN
Người này kiên nhẫn, người kia mở lòng
Chị Xuân Đức (29 tuổi, Q.Phú Nhuận) vừa kết hôn được 1 năm. Người chồng hiện tại của chị chính là người đã làm thay đổi quan điểm của chị về tình yêu, hôn nhân.
"Tôi từng nghĩ sẽ sống độc thân, như thế thoải mái, tự do hơn. Nhưng rồi anh ấy đã khiến tôi suy nghĩ nhiều hơn về cuộc sống gia đình để đi đến kết hôn", chị Đức tâm sự.
Chị Đức từng trải qua mối tình 5 năm với một người và phải chia tay vì cảm thấy quá ngột ngạt. Người yêu lúc ấy của chị muốn phải gặp nhau mỗi ngày, muốn chiếm hữu khiến chị không có không gian, thời gian riêng. Sống trong một cuộc sống hôn nhân như vậy chắc chắn sẽ mệt mỏi nên chị chủ động chia tay.
"Tôi dồn tất cả thời gian cho công việc. Ngày tôi làm việc mười mấy tiếng. Thu nhập cũng tương đồng với sức lao động, nên tôi cảm thấy hài lòng với hiện tại ấy. Rồi tôi mở một quán cà phê, càng bận rộn hơn, không còn thời gian suy nghĩ về mối tình cũ, cũng không có thời gian để yêu thêm ai", chị Đức tâm sự.
"Và tận cùng suy nghĩ tôi không muốn yêu ai, không muốn ràng buộc bởi mối quan hệ nào, không phụ thuộc vào ai và không ai lệ thuộc vào mình. Sống với gia đình nên có người lo lắng, chăm sóc, tôi thấy không cần phải có thêm ai".
Rồi một người bạn cấp II sau gần 10 năm không gặp bỗng nhắn tin hỏi kinh nghiệm mở quán cà phê. Cả hai hẹn gặp trao đổi, chị chỉ coi là bạn nên có phần khách sáo.
"Sau vài lần gặp gỡ, nhận thấy bạn ấy có ý định nghiêm túc, tôi thẳng thắn chia sẻ quan điểm không lập gia đình. Nhưng bạn đó - chính là chồng tôi bây giờ - là người rất kiên nhẫn và bao dung", chị Đức nhớ lại.
"Tôi đi đâu về anh cũng đón, dù tôi có tỏ thái độ rất khó chịu. Anh cũng làm nhiều cách để thể hiện sự nghiêm túc, chân thành của mình, bất chấp tôi nhiều lần từ chối. Anh mua hoa tặng tôi, đúng loại hoa tôi nói thích bâng quơ".
Chị Đức bắt đầu suy nghĩ về người đàn ông ấy, đọc lại tất cả những tin nhắn, những dòng tâm trạng trên Facebook, Zalo. Chị nhận ra đây là người đàn ông của gia đình.
"Tôi bắt đầu có cái nhìn khác về anh ấy. Và mất hơn 1 năm nữa cho đến ngày tự nhiên tôi suy nghĩ muốn có một gia đình. Chính người ấy đã thay đổi được tôi. Cuối cùng của một mối quan hệ yêu đương phải là hôn nhân - anh ấy luôn tâm niệm như vậy. Và giờ tôi cũng nghĩ như vậy", chị Đức chia sẻ.
Ảnh minh họa: TUYỀN NGUYỄN
"Yêu là để cưới"
"Nhiều bạn trẻ 'hốt hoảng' không biết làm sao để thoát ế, làm sao để có người yêu mình và mình cũng yêu người ta. Nhưng khi hỏi về bản chất mối quan hệ mà họ mong muốn, nhiều bạn còn mơ hồ, lúng túng - chỉ là yêu cho giống người ta, cho bớt cô đơn, cho người thân không dè bỉu…", thạc sĩ tâm lý Võ Thị Minh Huệ trao đổi.
"Chính vì vậy, những người mong muốn có một mối quan hệ nghiêm túc, lâu dài và bền vững sẽ lưỡng lự khi chọn bạn. Với người nghiêm túc, yêu là tiến tới hôn nhân, phải 'về đích'".
Chuyên gia tâm lý này ghi nhận một trong những lấn cấn của những người lười yêu: lo sợ khi nhìn vào những đổ vỡ, hệ lụy của các cuộc hôn nhân không hạnh phúc từ gia đình, người quen.
Bà Võ Thị Minh Huệ phân tích: "Mỗi người có một cuộc sống khác nhau, có những bài học kinh nghiệm để làm thước đo tham chiếu trong cuộc sống. Tại sao không nghĩ tích cực hơn rằng những trải nghiệm đó sẽ giúp mình vun vén cho cuộc sống gia đình nhỏ tương lai tốt đẹp hơn, tránh những vết xe đổ".
Nỗi lo mất đi sự tự do, độc lập của cuộc sống hiện tại cũng không phải không có lý. Nhưng một khi bạn thấy lăn tăn về sự cô đơn của mình, đó là lúc cần thay đổi.
Hãy tự hỏi mình: "Khi mình đã đủ đầy, kinh tế không phải là gánh nặng, thì người bạn cần là người cùng chia sẻ những câu chuyện cuộc sống, làm quan hệ của bạn thi vị hơn, hay là người giàu hơn bạn, người xứng đôi vừa lứa…"
Nhiều khi không phải lười yêu mà là yêu chưa đúng người nên tình yêu xìu xìu ển ển. Tình yêu cũng như một cái cây phải cần chăm sóc vun trồng, nói yêu thôi chưa đủ mà người trong cuộc phải hành động. Hãy mở lòng và mở rộng quan hệ, bạn sẽ chọn được một người phù hợp.
Chuyên gia tâm lý Bích Phượng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận