Nguồn tin của Tuổi Trẻ Online xác nhận 6 lọ thuốc giải độc botulinum (BAT) vừa được chuyển từ Thụy Sĩ về Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ còn tác dụng dự phòng cho các trường hợp ngộ độc tiếp theo (nếu có).
Riêng hai bệnh nhân đang điều trị tại đây đều qua "thời gian vàng" sử dụng thuốc giải độc.
"Thời gian vàng" giải độc botulinum là 48-72 giờ
Cụ thể, hai trường hợp đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy là anh em ruột làm nghề vá xe lưu động (tuổi 18 - 26, quê Hậu Giang). Hai người này được xác định ăn bánh mì kẹp chả lụa vào ngày 13-5 và đến ngày 14-5 có các dấu hiệu ngộ độc khi rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, đau đầu, tiêu chảy…
Các bệnh nhân được chính thức chuyển vào bệnh viện cấp cứu ngày 15-5 với tình trạng yếu cơ, khó nuốt, nhìn đôi… Xét nghiệm và hội chẩn liên viện sau đó xác định các bệnh nhân bị ngộ độc botulinum.
Như vậy kể từ lúc các bệnh nhân có biểu hiện ngộ độc botulinum đến khi 6 lọ giải độc botulinum về đến Bệnh viện Chợ Rẫy là 10 ngày, quá muộn so với "thời gian vàng" sử dụng thuốc giải độc đặc hiệu.
Cụ thể, các chuyên gia chống độc cho biết với bệnh nhân ngộ độc botulinum, thời gian 48-72 giờ là "thời gian vàng" sử dụng thuốc BAT giúp bệnh nhân có khả năng thoát khỏi nguy cơ bị liệt hoặc thở máy.
Trong khoảng thời gian này, nếu bệnh nhân thở máy sẽ mất khoảng 5-7 ngày phục hồi sau khi dùng thuốc giải độc.
Trong trường hợp không có thuốc BAT, các chuyên gia cho biết chỉ còn cách điều trị hỗ trợ, chủ yếu sử dụng các biện pháp nuôi dưỡng và cho thở máy.
"Tuy vậy đây là phương án bất đắc dĩ, bởi bệnh nhân đối diện với nhiều biến chứng và nguy cơ diễn biến nặng rất cao" - chuyên gia này phân tích.
Việc có được 6 lọ thuốc botulinum giải độc về Bệnh viện Chợ Rẫy trong bối cảnh này rất quý giá, tuy vậy đã không kịp sử dụng cứu sống các bệnh nhân ngộ độc. Vì thế các chuyên gia ngành y tế cho rằng cần lập kho thuốc hiếm quốc gia để điều phối sử dụng khi cần thiết, tránh sự việc thương tâm đáng tiếc xảy ra.
Diễn biến vụ ngộ độc botulinum
Vụ ngộ độc botulinum do ăn chả lụa và mắm xảy ra ở TP Thủ Đức bắt đầu từ ngày 13-5. Trong đó có 3 trẻ em và 3 người lớn, lần lượt chuyển cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy (2 người), Nhân dân Gia Định (1 người) và Nhi đồng 2 (3 người).
Đến nay, sau 12 ngày điều trị, có 1 người tử vong sáng 25-5, 2 người đang điều trị hỗ trợ. Còn 3 trẻ em được cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 2 may mắn được cho sử dụng 2 lọ botulinum cuối cùng của Việt Nam, nay sức cơ có cải thiện, nhưng vẫn còn thở máy.
Để có thuốc khẩn cấp điều trị ngộ độc botulinum, chiều 23-5 Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan có buổi làm việc trực tiếp với Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Hà Nội, và ngay sau đó WHO quyết định viện trợ khẩn cấp thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) cho các bệnh nhân đang được điều trị tại các bệnh viện ở TP.HCM.
Ngày 24-5, sáu lọ thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent được gửi từ kho của WHO tại Thụy Sĩ đã về đến Bệnh viện Chợ Rẫy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận