Chiều 1-2, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức họp báo thông tin về các đề án phát triển sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học, đề án về phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ và đề án phát triển quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPM) đến năm 2030 vừa được bộ phê duyệt.
Bà Bùi Thanh Hương, trưởng phòng thuốc bảo vệ thực vật Cục Bảo vệ thực vật, cho biết đề án phát triển sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học đến năm 2030 đặt mục tiêu nâng tỉ lệ sản phẩm thuốc thực vật sinh học trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam lên 30%.
Tăng lượng sử dụng thuốc sinh học lên 30% so với tổng lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng.
Đồng thời, xây dựng được mô hình sử dụng thuốc hiệu quả trên 9 nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia như lúa, cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè, cây ăn quả, rau, sắn.
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online về các giải pháp, chính sách để đạt được mục tiêu trên, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt cho biết đến nay đã có rất nhiều chính sách nhằm khuyến khích phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
"Trong đăng ký, chúng tôi đã có nhiều chi tiết đơn giản hơn so với thuốc hóa học như hồ sơ đăng ký chỉ tiêu, thành phần hồ sơ ngắn hơn.
Các thuốc sinh học khi đăng ký chỉ cần khảo nghiệm diện rộng, không cần khảo nghiệm diện hẹp, do đó thời gian, số lần thực hiện và chi phí thực hiện sẽ thấp hơn.
Thuốc bảo vệ thực vật sinh học cũng được khuyến khích trong các buổi đào tạo, tập huấn, các chương trình khuyến nông quốc gia để người dân tiếp cận thuốc bảo vệ thực vật sinh học" - ông Đạt nói.
Theo ông Đạt, việc vẫn còn một số kiểm soát chặt đối với thuốc sinh học là do việc phân loại các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học chưa được cụ thể, dẫn tới các hồ sơ đăng ký hiện nay gần như giống nhau. Do đó, có những loại thuốc sinh học gặp khó khăn trong khai báo, đăng ký theo quy định của thông tư 21 về quản lý thuốc bảo vệ thực vật.
Đối với giải pháp sắp tới, ông Đạt cho biết Cục Bảo vệ thực vật sẽ tiếp tục rà soát quy định pháp luật, từ luật cho đến nghị định, thông tư để rà soát, phân loại lại thuốc sinh học.
Trong đó, ưu tiên cấp phép cho các loại thuốc bảo vệ thực vật có tiềm năng, thế mạnh như các thuốc có nguồn gốc sinh học, ưu tiên thuốc sinh học thế hệ mới, đặc biệt là các loại thuốc ít nguy cơ đến con người, vật nuôi và môi trường…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận