Thuở mơ về ánh sáng kinh kỳ tràn lan

NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 17/08/2024 08:38 GMT+7

TTCT - Sau ánh đèn sân khấu của Chaplin, những ánh đèn của thế giới bên ngoài nào tiếp tục quyến rũ thị dân Hà thành?

Năm 1952, danh hài Charlie Chaplin ra mắt bộ phim Limelight (Ánh đèn sân khấu), bộ phim nói được ông làm cuối cùng trên đất Mỹ và phải sang châu Âu định cư do bị cáo buộc thân cộng sản.

Bộ phim kể về mối tình đơn phương của một anh hề già với một cô diễn viên ballet, trở thành một tác phẩm kinh điển, gợi nhớ bộ phim câm năm 1931 của chính Chaplin là City Lights (Ánh sáng đô thị), kể về mối tình của một chàng lang thang nghèo khổ với một cô gái mù bán hoa.

Ánh đèn đã thành từ khóa cho tên hai bộ phim nổi tiếng. Người Hà Nội ngay từ lúc các bộ phim ra đời đã vô cùng yêu thích chúng, họ gọi danh hài bằng cái tên kiểu Pháp - Charlot, tức "hề Sác-lô".

Thuở mơ về ánh sáng kinh kỳ tràn lan- Ảnh 1.

Charlie Chaplin tiếp các nhà báo của tờ Đông Pháp thời báo ngày 29-4-1938 tại Hà Nội. Tư liệu: charliechaplin.com

"Đời nghệ sĩ giang hồ, sống mỗi đêm vì ánh đèn"

Âm nhạc của bộ phim Ánh sáng đô thị đã được đặt lời thành một bài hát rất được ưa chuộng, tên tiếng Anh là Eternally (Vĩnh viễn), ngay khi truyền bá vào Việt Nam đã được vài nhạc sĩ đặt lời, chẳng hạn Ánh đèn màu (Nguyễn Xuân Mỹ), Tình tôi (Anh Hoa), Đời ca nhi (Phạm Duy) hay một bản lời khuyết danh nhưng nhiều người còn nhớ qua tiếng hát của ca sĩ Ánh Tuyết người gốc Hải Phòng những năm 1950: "Màn đêm buông dần xuống ánh đèn bừng lên, là em đem điệu hát cho người vui thêm. Đời em đã là món quà quý đẹp trong làn mắt của ai, Mà khi nếp nhăn vùi theo tháng năm đời chóng quên dần".

Mặc dù lời tiếng Anh không nhắc đến ánh đèn, các tác giả lời Việt vẽ ra bối cảnh "truyện ca" quanh một sân khấu có ánh đèn điện: "Kìa khi ánh đèn tắt ơi đời vui ca, đời thương khóc làm mướn ánh đèn ban đêm" (Ánh đèn màu), "Đời nghệ sĩ giang hồ, sống mỗi đêm vì ánh đèn. Đèn vụt tắt đi rồi, phấn son kia cũng phai màu. Đời mình sẽ đi vào chốn tối tăm và u sầu bơ vơ" (Đời ca nhi)…

Hẳn nhiên tên bộ phim cùng nội dung của nó đã tạo ra một quầng sáng trong những lời ca gợi thương cảm với khán giả người Việt.

Danh hài Charlie Chaplin từng đến Hà Nội vào tháng 4-1936, trong tuần trăng mật cùng người vợ thứ ba là cô đào Paulette Goddard. Họ ở khách sạn Metropole. Báo giới Đông Dương theo dõi sát sao, liên tục đăng tin bài về chuyến đi của ngôi sao điện ảnh hàng đầu thế giới.

Báo Ngày Nay có một bài Thạch Lam phỏng vấn ông, khi nghe hỏi cảm tưởng về Hà Nội, Charlot nói: "Hà Nội êm đềm, êm đềm lắm!".

Thuở mơ về ánh sáng kinh kỳ tràn lan- Ảnh 2.

Cô đào Paulette Goddard đội nón lá trong chuyến đi trăng mật cùng Charlie Chaplin đến Việt Nam năm 1936.

Khi tờ Hà thành Ngọ báo hỏi cảm tưởng về xứ Đông Dương, thì "vừa nghe hết câu hỏi, Charlie Chaplin lên cái giọng nói rất dịu dàng đáp: - Đông Dương gây cho tôi một cảm tưởng rất sâu xa và trong mắt tôi, xứ này khác hẳn với những xứ mà tôi đã từng du lịch. Từ Đế Thiên Đế Thích (tức Angkor), qua Ngũ Hành Sơn, tới Huế rồi ra Bắc Kỳ, những đền đài lộng lẫy chìm đắm trong rừng rậm um tùm và núi non liên tiếp làm cho tôi xúc động. Những nơi tôi vừa đi qua, Java chẳng hạn, cảnh vật tuy đẹp đẽ nhưng không có vẻ sâm u [thâm u] như tại Đông Dương. Vẻ thâm u đó là chỗ đặc biệt của xứ này mà không bao giờ tôi quên được" ("Năm phút với hề Charlot", Hà thành Ngọ báo 1-5-1936).

Tất nhiên danh tiếng của Chaplin phải nhờ ánh điện thì mới đến được người hâm mộ. Có thể nói, nghệ thuật thứ bảy đã nhờ tiện nghi điện năng tạo ra những cuộc giao lưu văn hóa toàn cầu, vượt qua những rào cản ngôn ngữ và phong tục.

Chính khách sạn Metropole là nơi chiếu bộ phim đầu tiên, vào ngày 3-6-1916, khi Hà Nội chưa có rạp chiếu phim. Bốn năm sau, rạp Pathé được xây ở cạnh đền Bà Kiệu, trở thành rạp chiếu phim đầu tiên của thành phố, kịp thời lan truyền hào quang của Chaplin qua những bộ phim câm trứ danh của ông với biệt hiệu "vua hề", để rồi hơn một thập niên sau ông trở thành nhân vật quốc tế được hoan nghênh hơn cả khi tới đây.

Sau ánh đèn sân khấu của Chaplin, những ánh đèn của thế giới bên ngoài nào tiếp tục quyến rũ thị dân Hà thành?

Khách sạn Metropole được xem như một loại di sản văn hóa đô thị khi là nơi lưu trú của nhiều nhân vật tiếng tăm người Anh: nhà văn Somerset Maugham, Graham Greene hay kịch tác gia Noël Coward.

Somerset Maugham, người được đặt tên cho một phòng đắt bậc nhất khách sạn Sofitel Metropole, nơi ông từng ở khi đến Hà Nội năm 1923, nay giá khoảng 7.000 đôla Mỹ/đêm. Chuyến đi châu Á được ông thuật lại trong cuốn du ký The Gentleman in the Parlour: A Record of a Journey From Rangoon to Haiphong (Quý ông trong phòng khách: Một ghi chép về hành trình từ Rangoon đến Hải Phòng) thực ra lại dành không nhiều dòng lắm cho Hà Nội.

Với ông, "ở Hà Nội tôi không tìm thấy điều gì khiến tôi quan tâm nhiều. Đó là thủ phủ của Bắc Kỳ và người Pháp nói với bạn rằng đây là thành phố hấp dẫn nhất ở phương Đông, nhưng khi bạn hỏi họ tại sao, họ trả lời rằng nó giống hệt một thành phố, kiểu Montpellier hay Grenoble, ở Pháp".

Rõ ràng ánh sáng của Hà Nội dưới mắt nhà văn thượng lưu Anh cũng chỉ như một thành phố tỉnh lẻ mẫu quốc.

Thuở mơ về ánh sáng kinh kỳ tràn lan- Ảnh 3.

Bìa tờ nhạc Ánh đèn màu, nhạc: Charlie Chaplin, lời Việt của Nguyễn Xuân Mỹ. Nhà xuất bản An Phú, 1955.

Nhưng đồng hương của Maugham là Graham Greene lại có cảm hứng đậm đà với Việt Nam, khi nhân vật của ông lui tới khá kỹ các ngóc ngách trong tác phẩm nổi tiếng The Quiet American (Người Mỹ trầm lặng, 1955).

Cuốn tiểu thuyết như một lời dự báo chính xác về vai trò của Mỹ thay thế Pháp trong chiến tranh ở Đông Dương, hấp dẫn vì mối tình tay ba có màu sắc trinh thám giữa nhà báo Anh Thomas Fowler, gã cố vấn Mỹ Alden Pyle và cô Phượng xinh đẹp. Nhân vật Fowler đóng vai người kể chuyện ở ngôi thứ nhất, chính là hóa thân của tác giả, lúc này đang là phóng viên của tờ The Times.

Ánh đèn điện của thập niên 1950 rọi lên những trang sách của Graham Greene chút bàng bạc huê tình với Việt Nam.

Trong đó, không khí của một Hà Nội thời chiến đem lại một vẻ u ám lành lạnh đặc biệt: "Trời rét đêm đã xuống, ở Hà Nội đèn không sáng như ở Sài Gòn, và điều đó phù hợp hơn với những bộ quần áo màu sẫm của phụ nữ, với thực tế của thời chiến. Tôi đi ngược phố Gambetta lên quán rượu Hòa Bình. Tôi không muốn nhậu nhẹt tại khách sạn Metropole cùng với đám sĩ quan cao cấp Pháp có vợ hay tình nhân đi theo. Và khi tới quán rượu, tôi nghe thấy tiếng đại bác nổ như sấm rền về phía Hòa Bình. Ban ngày tiếng súng lẩn vào xe cộ, nhưng vào giờ này, tất cả đều im tiếng, trừ tiếng xích lô leng keng tại nơi xe đỗ chờ đón khách" (bản dịch của Vũ Quốc Uy với tên Một người Mỹ trầm lặng, NXB Tác Phẩm Mới 1984).

Trong hồi ức của ông Bùi Nguyên Cát, người sau năm 1954 từng là bí thư đảng ủy Trường đại học Bách khoa Hà Nội, bữa tiệc thắp nến thay vì đèn điện bởi lẽ khu phố cổ nằm trong vùng chiến sự của Liên khu I, khi này vẫn chưa có điện.

Ánh nến gợi một cảm giác trang trọng, cổ xưa và có lẽ tôn lên sự huyền ảo của một bữa tiệc đón năm mới của người Việt.

Bữa tiệc dường như đã thành công trong sứ mệnh ngoại giao để sau đó qua làn sóng phát thanh, chính phủ kháng chiến lên tiếng về việc vẫn có mặt tại Hà Nội.

Ông Vũ Quốc Uy, hình ảnh trong bộ phim tài liệu của hãng PBS với tựa đề “Vietnam: A Television History” (1983)

Ông Vũ Quốc Uy, hình ảnh trong bộ phim tài liệu của hãng PBS với tựa đề “Vietnam: A Television History” (1983)

Còn ông Vũ Quốc Uy, người dịch Người Mỹ trầm lặng đầu tiên ở miền Bắc, chính là người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hải Phòng tháng 8-1945 khi mới 23 tuổi, làm chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời thành phố, sau này ông là quyền chủ nhiệm Ủy ban Liên lạc văn hóa với nước ngoài của chính phủ.

Ông là người bí mật tham gia thành lập Hội Văn hóa cứu quốc từ năm 1943 khi đang là thư ký ở Phủ Toàn quyền ở Hà Nội và trong thời chống Mỹ về sau, có vai trò kết nối Việt Nam với bên ngoài trong lĩnh vực văn hóa.

Những nhân vật của sân khấu hay màn bạc cũng đã đến Hà Nội thời chiến tranh sau đó, chứng kiến một thành phố le lói ánh điện dưới bom Mỹ, như diễn viên Jane Fonda hay ca sĩ Joan Baez vào năm 1972.

Trong căn hầm trú ẩn của khách sạn Metropole, chỉ có những bóng đèn sợi đốt vàng vọt mà nay người ta đã sửa sang lại, đón những vị khách muốn hồi cố một giai đoạn đặc biệt trong số phận khách sạn có cái tên phụ "Legend" (Huyền thoại) này.

Trong đoạn văn của Greene, quán rượu Hòa Bình (nguyên văn Pax - nghĩa là hòa bình trong tiếng Latin) gần đoạn phố Gambetta tức Trần Hưng Đạo ngày nay. Đó có thể là quán rượu trong khách sạn Splendid (người Việt gọi là khách sạn Bồng Lai), giờ là khách sạn Hòa Bình ở ngã tư Ngô Quyền - Lý Thường Kiệt, cũng có thể là quán rượu ở khách sạn cùng tên "Hòa Bình" - Hotel de la Paix, nay là cửa hàng kem 35 Tràng Tiền. Cả hai đều khá gần Metropole, nên nhân vật có lẽ chỉ cần cuốc bộ chút là tới.

Những địa điểm này đều nằm trong một khu tứ giác bàn cờ những đại lộ trung tâm của Hà Nội thập niên 1950, nơi có điện chiếu sáng ổn định, rạp hát và rạp chiếu phim nhiều hơn các khu phố khác. Có thể kể tới Nhà hát Lớn, rạp Eden (Công Nhân ngày nay), Club (từng có tên Thống Nhất, ở 32 Tràng Tiền, nay không còn), Majestic (Tháng Tám), Ciro's (Kim Đồng), những nơi dĩ nhiên phải có điện mới hoạt động.

Thuở mơ về ánh sáng kinh kỳ tràn lan- Ảnh 5.

Graham Greene thăm một cơ sở trại trẻ mồ côi ở Phát Diệm, Ninh Bình năm 1951. Tư liệu KEVIN RUANE.

Rượu và Việt Minh

Thomas Fowler, nhân vật nhà báo mang tính tự thuật của Greene la cà quán rượu, vũ trường khá nhiều. Những nơi chốn này cũng là một loại thiết chế đô thị có khoảng thời gian hoạt động về đêm cần ánh điện chiếu sáng.

Ở Hà Nội, không quá một cây số từ Metropole là quán rượu kiêm phòng trà Taverne Royale bên Bờ Hồ (nay là số 93 Đinh Tiên Hoàng), rồi phòng trà Tân Nghệ Sĩ ở số 53 phố này, đi tiếp là tới nhà Thủy Tạ.

Và ở ngã tư Hàng Khay - Bà Triệu chính là Ritz - vũ trường lớn nhất Hà thành xưa, thời bao cấp là khách sạn Du Lịch, sau Đổi mới là nơi nhiều thương hiệu cao cấp đóng, giờ đây là cửa hàng Uniqlo.

Trong một hồi ức của ông Bùi Nguyên Cát, người từng học Cao đẳng thương mại Hà Nội trước năm 1945, là một cấp quản lý trong Trung đoàn thủ đô khi đang chiến đấu trong lòng Hà Nội sau ngày toàn quốc kháng chiến 19-12-1946, một bữa tiệc vào chiều mùng 1 Tết Đinh Hợi 1947 đã được tổ chức để chiêu đãi các tổng lãnh sự Mỹ, Anh, Trung Quốc và đại biểu Ấn kiều ngay trong phố cổ lúc này vẫn do bộ đội kiểm soát.

Tiệc bắt đầu từ 5h chiều tại biệt thự Anh Hoa ở phố Ngõ Gạch. "Đợi tràng pháo dài nổ khá lâu ngoài vườn xong, lúc ấy trời đã tối hẳn, tôi đưa tay mời khách vào phòng tiệc. Họ dừng cả lại trước cửa đại sảnh, thực sự choáng ngợp vì gần trăm ngọn nến lung linh trên tường, trên bàn tiệc trải khăn trắng tinh, và đập vào mắt họ là bức tranh sơn dầu vẽ chân dung Hồ Chủ tịch treo uy nghi trên tường. Wilson [tổng lãnh sự Anh] ngập ngừng ngỏ ý xin tôi cho phép ông ta chụp một 'pô' ảnh làm kỷ niệm" ("Bữa tiệc ngoại giao đầu tiên trong đời", Hà Nội Mới 14-2-1988).

Wilson là ai? Arthur Geoffrey Trevor-Wilson, nguyên là sĩ quan tình báo MI6 của Anh, người đã đến Hà Nội vào tháng 11-1945 và sau đó đã trở thành người đứng đầu lãnh sự quán Anh ở miền Bắc Việt Nam, duy trì mối quan hệ khá hữu hảo với Việt Minh, đặc biệt với Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp, thậm chí từng tháp tùng phái đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa đi dự hội nghị Fontainebleau, do vậy khá trái ngược với đường lối của Đại sứ quán Anh ở Sài Gòn vốn không công nhận chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Đầu những năm 1950, ông trở thành bạn rượu thân thiết của Graham Greene cho đến khi buộc phải về nước do bị xem là quá thân thiện với Việt Minh. Hai người từng gặp nhau ở tổng hành dinh MI6 tại London năm 1943, và năm 1951, Greene gặp lại bạn cũ ở Hà Nội. Quán rượu Hòa Bình có thể là không gian của hai người Anh này giữa một thành phố chiến tranh do Pháp chiếm đóng.

Trong Người Mỹ trầm lặng, nhân vật chính đi đến quán rượu Hòa Bình để gặp một cựu sĩ quan cảnh sát, giờ đã "lấy cô vợ xinh đẹp chủ nhân quán rượu. Đây cũng là một người chắc chẳng muốn trở về quê chút nào. Hắn là người đảo Corse, nhưng hắn ưng Marseille hơn, và nay thì ưng cái ghế ngồi của mình trên hè phố Gambetta hơn Marseille".

Nhân vật này chỉ xuất hiện một lần, nhưng mở ra một chi tiết quan trọng về số phận những người châu Âu lựa chọn cuộc sống ở Hà Nội khi cảm thấy phố Gambetta - Trần Hưng Đạo quen thuộc đến độ "chẳng muốn trở về quê chút nào". Wilson dường như là một người như vậy. Cho đến năm 1951, ông đã sống ở Hà Nội sáu năm.

Thuở mơ về ánh sáng kinh kỳ tràn lan- Ảnh 6.

Arthur Geoffrey Trevor-Wilson khi là Tổng lãnh sự Anh tại Hà Nội. Tư liệu: Wokingnewsandmail.co.uk

Một nghiên cứu về nguyên mẫu những nhân vật của Graham Greene trong Người Mỹ trầm lặng đã cho biết: "Luôn là một người uống rượu nặng đô, vào đầu những năm 1950, Wilson đã có dấu hiệu bắt đầu nghiện rượu và phát triển một thói quen đáng ngại khi say rượu là công khai tán thành những quan điểm có thiện cảm với Việt Minh hơn là Bảo Đại. Nhà báo Pháp Lucien Bodard nhớ lại 'một gã John Bull say rượu - một bầu da rượu sống' [John Bull: biệt hiệu chỉ một người Anh say rượu điển hình], người thích nói thẳng vào mặt người Pháp rằng 'toàn dân là Việt Minh… các ông sẽ bị đánh bại!'. Những hành động bột phát như vậy đã khiến chính quyền thuộc địa khó chịu, thu hút sự chú ý của Sở Mật thám và cản trở hiệu quả hoạt động của anh ta với tư cách là một đặc vụ"(*).

Trong hồi ức của Bùi Nguyên Cát, Wilson cũng gây chú ý vì sự quan tâm đến rượu của mình: "Bọn họ ngắm nghía gian tiền sảnh trang trí sang trọng và ngạc nhiên khi bốn cô gái rất xinh đẹp vận áo dài Tết thướt tha, lộng lẫy bưng khay bạc đựng những cốc pha lê rượu khai vị ra mời. Nhấp tợp rượu, viên tổng lãnh sự Anh Wilson tròn mắt: 'Martini! Các ngài vẫn có rượu Martini chính cống!'. Đến khi các cô gái lót tay khăn trắng rót cho họ rượu cô-nhắc Mácten thì cả mấy người ngửa cổ nốc cạn" (bài báo đã dẫn).

Chắp nối mạch truyện của Người Mỹ trầm lặng, câu chuyện của những nhà báo đương thời về mối quan hệ giữa Greene và Wilson lẫn hồi ức của một người sĩ quan Việt Minh sau hơn 40 năm, ta có thể mường tượng được chân dung những người phương Tây tha hương sống trong một thành phố Việt Nam.

Có thể cho rằng họ mắc kẹt giữa những lối sống tạm bợ uể oải mà hứa hẹn lạc thú của xứ nhiệt đới hậu thuộc địa, nhưng cũng có thể với họ, niềm vui phiêu lưu chính là thứ định nghĩa họ.

Thuở mơ về ánh sáng kinh kỳ tràn lan- Ảnh 7.

Bìa cuốn Một người Mỹ trầm lặng, bản dịch của Vũ Quốc Uy, xuất bản năm 1984.

"Người Anh không trầm lặng"

Graham Greene, dù có thể có liên quan tới tình báo Anh, song có lẽ ông theo chủ nghĩa hòa bình như sự hóa thân vào nhân vật nhà báo Fowler, và cũng chính ông vào năm 1952 khi Charlie Chaplin bị chiến dịch chống Cộng của McCarthy kết án, đã đăng một bức thư ngỏ trên báo ủng hộ danh hài.

Bức thư kết thúc bằng câu: "Sự ô nhục của bất kỳ đồng minh nào cũng là sự ô nhục của chúng ta, và khi tấn công ngài, những kẻ săn phù thủy đã nhấn mạnh rằng đây không chỉ là vấn đề quốc gia. Sự không khoan dung ở bất kỳ quốc gia nào sẽ gây tổn thương cho tự do trên toàn thế giới" ("Dear Mr. Chaplin", New Stateman and Nation, 22-9-1952).

G. Greene cùng đội bay Pháp năm 1951. Chuyến bay này đã được đưa vàocuốn Người Mỹ trầm lặng.

G. Greene cùng đội bay Pháp năm 1951. Chuyến bay này đã được đưa vàocuốn Người Mỹ trầm lặng.

Graham Greene sau khi rời Việt Nam đã đến vùng Caribe rồi rời Anh sang Pháp và mất ở Thụy Sĩ năm 1991. Wilson sau khi rời Hà Nội đã làm lãnh sự ở Malaya và Lào cho đến khi nghỉ hưu năm 1968.

Khi cuộc kháng chiến diễn ra ở những vùng nông thôn hay rừng núi, ánh đèn điện thắp lên một vẻ phù hoa cho Hà Nội thời tạm chiếm. Sự phồn thịnh của đời sống những rạp hát, rạp chiếu bóng thập niên 1950 giúp giải khuây cho người thành phố trong thời chiến tranh.

Thành phố nửa triệu dân có tới 30 rạp sáng đèn hằng đêm, đủ tạo ra một huyền thoại về "ánh đèn giăng mắc muôn nơi" (Hướng về Hà Nội - Hoàng Dương, 1954), mà những người di cư mãi hoài niệm.

Những quán xá dưới ánh đèn giữa thế kỷ trước ngày nay vẫn phủ bóng lên hè phố Hà Nội, khi chúng ta ghé lại những quán dọc phố Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Khắc Cần… chỗ nào cũng có những bức ảnh xưa cũ nhắc nhở một không khí đã làm nên một huyền thoại về vẻ thâm u đặc biệt mà danh hài Charlie Chaplin vô cùng yêu thích và Graham Greene lưu lại trong trang văn của mình.■

(*) Kevin Ruane, Graham Greene in love and war: French Indochina and the making The Quiet American, Nighthawks Open Institutional Repository 2017. Xem thêm mục Trevor-Wilson, Arthur Geoffey. Christopher E. Goscha, Historical Dictionary of the Indochina War (1945-1954): An International and Interdisciplinary Approach, NIAS Press, 2011.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận