Thưở đôi mươi lặng thầm của tôi

KIM OANH (TP.HCM) 12/08/2012 03:08 GMT+7

TTCT - Bây giờ ở lứa tuổi gần gấp đôi thuở ấy, thỉnh thoảng tôi hồi tưởng về thời sinh viên yên ắng mà lòng bâng khuâng. Tôi đã sống thế nào ấy nhỉ? Không quá sôi động, không hề hư hỏng, cũng chẳng có gì nổi bật.

LTS: Tham gia loạt Câu chuyện cuộc sống “Những việc lẽ ra tôi đã phải làm” có không ít ý kiến của các độc giả đã qua tuổi 20 từ lâu. Có hối tiếc nhưng cũng có những trải nghiệm thành công. Có bài học nào từ những tuổi thơ này?



Phóng to
Minh họa: Bích Khoa

Cuộc sống của tôi đến quá nửa đời người vẫn dường như hanh thông lắm nên cũng rất bình lắng: chào đời ngay khi đất nước thống nhất vì thế hết chịu cảnh bom rơi đạn lạc, thuở bao cấp thiếu thốn thì còn quá bé do đó chưa cảm nhận được gì, gia đình bình an, học hành trôi chảy, công việc suôn sẻ, trưởng thành xây dựng mái ấm riêng sung túc sinh được hai bé gái xinh xắn...

Phải chăng tôi không gặp vận khó đủ để thử thách “thời thế tạo anh hùng”? Nên tuổi 20 tôi vẫn ngày hai buổi đến trường “chỉ biết học thôi, chả biết gì”: sáng học kinh tế, tối học luật, chưa kể các lớp ngoại ngữ, vi tính. Học hành như vậy đã khá kín thời gian, tôi đâu rảnh rang mà vui chơi hay quan tâm điều khác.

Bố mẹ muốn tôi tập trung học hành, vả lại gia cảnh không đến nỗi nào nên không cho tôi làm thêm, càng chưa được yêu vội... Thế là 20 tôi vẫn rất lành, trong suốt, thơ ngây, trong khi nhiều bạn bè đã chai sạn vì lăn lộn kiếm sống hoặc tháo vát trong các hoạt động cộng đồng. Cũng có đứa đã kịp thâm trầm với chức phận làm dâu, làm vợ, làm mẹ, hoặc chí ít cũng chớm lãng đãng yêu đương vơi đầy nỗi niềm. Chính vì an lành như thế nên tôi tốt nghiệp với hai tấm bằng rất đẹp và tìm được việc tốt ngay. Chẳng hiểu là khen hay chê khi đồng nghiệp, đối tác thường đùa rằng tôi “lành lắm” nên không ai nỡ hại (!).

Hỏi rằng hối tiếc gì không? Tôi chẳng dại suy nghĩ nhiều về chuỗi ngày bình lặng đã qua bởi đâu thể thay đổi quá khứ, cũng chả dám thử bứt phá nhằm điều chỉnh tương lai. Tôi thấy chưa đáng để đánh đổi (hay bị mòn ý chí đấu tranh?) cuộc sống hiện tại đã được đóng khung vào cương vị là một công chức, là người con, người em, người vợ, người mẹ trong nhà.

Nhưng tôi đang điều chỉnh cách giáo dục các con: không mớm sẵn vật chất no đủ, không định sẵn suy nghĩ cho chúng, không vạch sẵn con đường chúng đi, cho phép chúng được ước mơ và trải nghiệm, được va vấp đôi chút để hoàn thiện bản thân, được thất bại để chiến thắng, tạo cơ hội cho chúng tận hưởng cuộc sống đích thực với đầy đủ mùi vị của nó, để chúng được sống trọn vẹn cuộc đời của mình mà không bao giờ phải tiếc nuối bất kỳ khoảnh khắc nào.

“Tôi đang điều chỉnh cách giáo dục các con: không định sẵn suy nghĩ cho chúng, không vạch sẵn con đường chúng đi, cho phép chúng được ước mơ và trải nghiệm, được va vấp để hoàn thiện bản thân, được thất bại để chiến thắng, tạo cơ hội cho chúng tận hưởng cuộc sống đích thực với đầy đủ mùi vị của nó...”.

__________

Tuổi 20 của trai làng như tôi đứng trước vô vàn khó khăn. Vừa cố gắng làm lụng để thoát nghèo, nuôi dưỡng ước mơ thay đổi cuộc sống của mình, tôi còn phải đối mặt với những rung động của tuổi thanh xuân. Chỉ có khát vọng và quyết tâm mới giữ tôi đứng bên này của tình yêu đôi lứa để đi tiếp con đường mình đã chọn. Tôi làm việc với tất cả sức lực của một thanh niên cùng với hừng hực khát khao và quyết tâm. Mùa cày cấy, gieo tỉa; mùa giăng câu, bắt ốc; lúc chặt củi, đốt than; khi khai hoang, lúc làm thuê cuốc mướn...

Trong túi cơm làm đồng của tôi ngày ấy luôn có một quyển sách. Lúc nghỉ giải lao hay sau bữa cơm trưa ăn vội ngoài đồng tôi lại đọc sách. Đêm về tôi chỉ tìm vui với sách, mà sách ngày ấy đâu có nhiều như bây giờ, chỉ là mấy cuốn sách giáo khoa đã ngả màu. Tôi đọc sách trong sự ngạc nhiên của nhiều người, với tôi đó là cách nuôi dưỡng ước mơ.

Sau bảy năm làm nông, tôi cơ bản đã thoát nghèo. Mùa thi năm ấy tôi vào đại học. Số đất tôi đã khai hoang lần lượt trở thành nguồn sống của tôi suốt bốn năm đại học.

Tôi đã đi qua tuổi 20 của mình như vậy. Ngày ấy nghèo, tôi không có 20 công việc cụ thể như Sofie Rye. Cả xóm chỉ có một cái tivi trắng đen, sách báo thuộc vào thứ cực hiếm. Tôi sống bằng khát vọng và quyết tâm. Tôi đã từng bước thực hiện mơ ước của mình bằng tất cả quyết tâm của tuổi 20. Sau này khi đi xin việc, nhiều người xem qua hồ sơ của tôi khi thấy bằng tốt nghiệp THPT ghi năm 1990, bằng tốt nghiệp đại học ghi năm 2001 đã có nhận xét: khát vọng và quyết tâm lớn đấy.

Tuổi 20 của mỗi người, theo tôi, quan trọng nhất là biết ước mơ và có quyết tâm để biến ước mơ đó trở thành hiện thực.

__________

Bài viết của Sofie Rye “Tuổi 20 của mỗi người” (TTCT ngày 22-7) đánh ngay vào nỗi lòng vợ chồng tôi. Chúng tôi bằng tuổi nhau, đều 31 tuổi, đời sống vật chất và tinh thần có thể nói là không có gì để phiền hà. Nhưng nếu có thể sống lại lần nữa năm năm đoạn đời từ 15-20 tuổi, thậm chí 25 tuổi, cả hai đều có nhiều điều tiếc nuối...

Gia đình chồng tôi nghèo, thuộc tầng lớp lao động bình dân nên việc học không được quan tâm. Ba anh, một người chạy xích lô, định cho con trai nghỉ ngang từ hồi lớp 8 (may mà chuyện đó đã không xảy ra). Vì vậy chồng tôi, đang trên đường trở thành một vận động viên thể hình chuyên nghiệp, muốn trở lại năm 15 tuổi để nỗ lực học hết mình (dù lúc đó tôi thấy anh đã rất nỗ lực, luôn đạt thứ hạng cao). Mong ước của anh là hoàn tất chương trình đại học và lên cao học, thậm chí du học.

Anh thích tìm hiểu về vũ trụ, tự nhiên. Anh nói phải chi ngày trẻ nhà anh có tivi và xem những “chương trình truyền hình về thú vật, thiên nhiên vũ trụ, các phát minh” như Sofie Rye nói trong mục số 11. Nhưng nhà anh không có tivi, và nếu có thì người lớn trong nhà chỉ xem cải lương hay phim bộ. Cũng may việc này anh hoàn toàn có thể thực hiện trong lúc này.

Tôi thì ngược lại. Tôi đã làm nhiều việc Sofie Rye đề cập. Tôi đã học, đã đọc, xem những chương trình tivi cung cấp kiến thức trong suốt quãng thời gian trước và sau 20 tuổi, và bây giờ vẫn vậy. Tôi miệt mài trau dồi kiến thức (đến nỗi nhiều người coi tôi như từ điển sống ở một số lĩnh vực) để rồi nhận ra mình không biết... chơi và chẳng hề trải nghiệm chút nào thế giới ngoài kia. Nếu trở lại tuổi 15, tôi sẽ...

Học kỹ năng sống. 17 tuổi tôi mới tự mình ra chợ lần đầu tiên để mua một món đồ và bị mắng là điên. 17 tuổi tôi đi chơi với người yêu (là chồng tôi bây giờ) nhưng ăn mặc như một cô bé 9 tuổi. Thiếu kỹ năng sống trầm trọng khiến tôi thành một con “tưng tưng”, một kẻ khó ưa. Cho đến tận năm 25 tuổi tôi mới học được cánh ăn mặc, xử sự đúng mực.

Tôi từng có thân hình săn chắc, gọn gàng. Từng thượng võ đài thi đấu taekwondo, từng đi biểu diễn khiêu vũ. Nhưng rồi tôi bỏ hết. Tôi lao vào kiếm tiền. Giờ tôi thừa cân, liên miên bệnh vặt. Nếu được làm lại, tôi sẽ theo lời của Sofie: “Xem trọng sức khỏe”.

Tôi muốn được thử thách để xem sức mình tới đâu, mình có thể làm gì. Tôi muốn làm những việc “điên rồ” như về bản xa dạy chữ, qua Singapore rửa chén trong nhà hàng, đạp xe xuyên Việt. Tôi biết những thứ đó có gì “điên” đâu với nhiều người, nhưng đã là quá sức tưởng tượng khi tôi 15 tuổi, và thật sự rất “điên rồ” với tôi hiện tại.

Nhưng trên tất cả, điều tôi tiếc nhất là... chơi. Điều thật lạ không thấy Sofie đề cập đến. Tôi thích nhảy ở vũ trường. Tôi muốn chơi trò audition. Tôi thích du lịch. Tôi chưa bao giờ đi đâu ra khỏi thành phố của mình quá bốn ngày. Những nơi tôi đến là các điểm du lịch cũ mòn và đều trong lãnh thổ Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào. Gặp gỡ nhiều người là điều thú vị. Nhưng thời trẻ tôi chỉ biết học. Bây giờ công việc của tôi là ngồi trong phòng thu một mình với tờ báo hay cuốn sách. Tôi không có mấy cơ hội giao lưu, gặp gỡ ai cả.

Cụ Lê Quý Đôn có câu nói: “Văn chương chữ nghĩa không phải là lời nói suông. Trong bụng không có ba vạn quyển sách, trong mắt không có núi sông kỳ lạ của thiên hạ thì không thể làm văn được”. Tôi thích sáng tác nhưng chỉ có một mớ chữ nghèo nàn từ sách vở. Tôi biết không bao giờ là quá trễ để bắt đầu. Nhưng đọc bài viết “Tuổi 20 của mỗi người” tôi thật sự phải cảm thán: “Ôi, giá mà...”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận